BigPhone – Bluetronics là dự án thất bại về mặt hiệu quả kinh tế của MWG
Năm 2017, Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) đã chọn phương thức tự làm và thị trường Campuchia cho mục tiêu mở rộng thị trường ra nước ngoài lần đầu tiên.
Họ đã mở những cửa hàng đầu tiên chuyên bán điện thoại tên BigPhone. Cuối năm 2019, MWG mở thêm thương hiệu mới là Bluetronics để bán điện máy, rồi chuyển đổi dần cửa hàng BigPhone thành Bluetronics và bán cả thiết bị điệnmáy lẫn công nghệ - như mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam.
Cửa hàng BigPhone đầu tiên của MWG ở Campuchia. (Ảnh: Thế Giới Di Động)
Báo cáo tài chính năm 2020 của MWG cho biết: Bluetronics có mặt tại 8/25 tỉnh thành tại Campuchia với tổng số 37 cửa hàng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 12/2020. Tổng doanh thu của mảng kinh doanh này tại Campuchia năm 2020 tăng 80% so với năm 2019.
Tình hình kinh doanh của MWG ở thị tường Campuchia cuối 2020. (Ảnh chụp màn hình)
Mục tiêu của Bluetronics là trở thành nhà bán lẻ số 1 về thiết bị di động và sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Campuchia trong năm 2021 với khoảng 80 điểm bán trên toàn quốc.
Sau quý I/2021, Ban lãnh đạo MWG thông tin thêm: hiện Bluetronics đã có 50 cửa hàng trên khắp Campuchia và đang là chuỗi thiết bị điện tử lớn nhất thị trường. Bên cạnh đó, họ sẽ mở tên 30 cửa hàng Bluetronics nữa để bao trùm 25 tỉnh thành ở Campuchia, sau đó không mở nữa và tập trung mở rộng sang các nước khác.
Báo cáo tài chính MWG 2021 lại cho thấy: Bluetronics có 50 cửa hàng, tăng trưởng 135% bất chấp bệnh dịch, mang về cho công ty mẹ doanh thu 450 tỷ đồng. Theo đó, MWG đã không mở thêm bất cứ cửa hàng Bluetronics nào nữa trong suốt 3 quý còn lại của năm 2021 như kế hoạch đã đề ra.
“Cuối năm 2020 chúng tôi đã có 50 cửa hàng và nguyên một năm 2021, MWG tập trung vận hành khai thác. Năm 2021, dù Campuchia cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song Bluetronics vẫn vượt qua và đạt được kế hoạch doanh thu. Dự kiến, đến tháng 6/2022 MWG sẽ chạm được điểm hoà vốn tại thị trường này.
Còn tại sao MWG chọn Campuchia là quốc gia đầu tiên? Bởi Campuchia rất gần Việt Nam, giúp chúng tôi tiện để đi đi lại lại làm việc. Và sau 5 năm, MWG đã học đầy đủ những vấn đề liên quan về hoạt động ‘oversea’, bao gồm việc tìm thuê mặt bằng, mua bán, thói quen tiêu dùng, cả văn hoá con người…
Bây giờ là lúc MWG cần phải đi xa hơn. Cho nên, ý nghĩ đến thị trường thứ hai thì MWG đã nảy sinh trong đầu rất sớm, nhưng thực thi thì từ khoảng quý 4/2021, chúng tôi bắt đầu hình thành kế hoạch sâu hơn và tìm hiểu thị trường nào có sự tiềm năng. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn Indonesia", CEO Đoàn Văn Hiểu Em từng chia sẻ vào tháng 2/2022.
Chuỗi Bluetronics đã bị 'khai tử' trong quý I/2023. (Ảnh: Thế Giới Di Động)
Tuy nhiên, rất bất ngờ khi trong các tài liệu hoặc báo cáo kết quả kinh doanh vào quý IV/2022, cái tên Bluetronics không còn xuất hiện ở phần miêu tả mảng công nghệ - điện máy, mà chỉ xuất hiện ở một góc với thông tin ‘công ty cũng chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi AVASport và Bluetronics do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lai’.
Giải thích về lý do rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Campuchia, ông Ông Đoàn Văn Hiểu Em tiết lộ: “Dù mới điều chỉnh lại vào năm ngoái nhưng chúng tôi buộc phải rút khỏi do Campuchia là thị trường khá nhỏ, trong khi chính sách thuế bên đó rất phức tạp. Nếu theo đúng chính sách thuế bên đó, thì công ty phải bán giá cao hơn đến 10-15%, không còn tính cạnh tranh. Nếu hạ giá bán thì không còn hiệu quả.
Quyết định dừng lại tại Campuchia cũng là bước đi cần thiết để công ty tập trung nguồn lực cho thị trường Indonesia. Bởi lẽ, tại Indonesia, doanh thu đến nay cho thấy khách hàng đang ủng hộ mô hình của công ty do có tính khác biệt”.
Với những thông tin kể trên, thì có thể xem BigPhone - Bluetronics là một dự án thất bại về mặt hiệu quả kinh tế của Tập đoàn Thế Giới Di Động. Nhiều khả năng họ còn chưa lời đồng nào đã bị dẹp mất, vì tới tháng 6/2022 thì Bluetronics mới đến điểm hòa vốn, trong khi cuối năm 2022 họ đã thông báo việc bức tử nó, đồng thời đóng hết tất cả cửa hàng vào quý I/2023.
Erajaya và Indonesia – những lựa chọn đúng đắn bước đầu của MWG
Sau những kinh nghiệm đau thương ở thị trường Campuchia như đã nói ở trên, MWG đã có những sự lựa chọn trái ngược trong lần xuất ngoại thứ hai. Đầu tiên, họ chọn hẳn thị trường lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia với dân số hơn 280 triệu người - gần gấp 3 lần Việt Nam.
Thứ hai, họ không tự làm nữa mà hợp tác với đồng nghiệp bản địa là Erajaya. Tập đoàn Erajaya là DN đầu ngành của Indonesia về buôn bán thiết bị công nghệ với chuỗi Eraphone đang có hơn 1.000 cửa hàng ở đảo quốc này. Cả hai đã cùng nhau thành lập DN tên PT EraBlue Electronic và MWG hiện nắm 45% cổ phần tính đến cuối tháng 1/2025.
Tức là, thay vì tự mở một chuỗi cửa hàng điện máy vì thị trường thiết bị công nghệ ở Indonesia sắp bão hòa, như cách MWG từng làm cách đây vài năm khi mở Điện Máy Xanh, thì Erajaya với MWG cùng làm điều đó. Erajaya có hiểu biết về thị trường và người tiêu dùng, có kinh nghiệm mở chuỗi ở Indonesia; còn MWG có know-how về chuỗi điện máy và là gương thành công ở thị trường Việt Nam.
Quan trọng nữa, trong các nước ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia chính là Chính phủ tích cực bảo trợ DN trong nước nhất. Họ đã không cấp phép để Temu vào kinh doanh ở thị trường Indonesia cũng như ‘ép’ TikTok mua lại Tokopedia nếu muốn đến hoạt động tại đây. Tất cả những động thái này là để bảo vệ sàn TMĐT quốc dân Tokopedia nói riêng và giới TMĐT nói chung của Indonesia.
Tuy là tinh hoa của 2 ông lớn trong ngành ở khu vực Đông Nam Á, song EraBlue cũng phải đi từng bước nhỏ trong giai đoạn đầu tiên.
Ban lãnh đạoErajaya và MWG đang cùng tham dự sự kiện khai trương cửa hàng thứ 50 của EraBlue. (Ảnh:Erajaya)
EraBlue mở cửa hàng đầu tiên vào nửa đầu năm 2022 và đến tháng 4/2023 thì chuỗi có 5 cửa hàng.
Chia sẻ vào tháng 3/2023, lãnh đạo Thế Giới Di Động rất lạc quan: theo họ thì triển vọng của Erablue là rất lớn – vì thị trường Indonesia lớn gấp 2-3 lần Việt Nam. Hơn nữa, thị trường bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Indonesia còn ở những bước sơ khai. Mảng bán lẻ phần lớn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, hai hệ thống lớn nhất chiếm chưa tới 200 cửa hàng. Theo đó, việc giao hàng, lắp đặt thiết bị hiện phụ thuộc các hãng sản xuất với thời gian có thể kéo dài 5-7 ngày.
Trong khi đó, EraBlue mang đến sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh cùng dịch vụ khác biệt: khách mua hàng sẽ nhận dịch vụ trọn gói, nhân viên tư vấn tận tâm, tới giao hàng - lắp đặt trong ngày, chính sách đổi trả trong vòng 30 ngày…
Đến tháng 1/2024, EraBlue có 50 cửa hàng ở Indonesia và đạt tới điểm hòa vốn trên từng cửa hàng.
Nhân dịp này, ông Joy Wahjudi - Tổng giám đốc điều hành của Erajaya Digital nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy tiềm năng thị trường đáng kể trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, đặc biệt là với sự phát triển nhanh chóng của các gia đình trẻ tại Indonesia. Chúng tôi tin tưởng rằng, EraBlue sẽ trở thành thương hiệu bán lẻ được ưa chuộng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, cung cấp dịch vụ hậu mãi toàn diện không nơi nào sánh kịp”.
Trong Báo cáo tài chính năm 2024, MWG cho biết là EraBlue đã có 87 cửa hàng cuối năm 2024 – hoàn thành kế hoạch có từ 85 đến 100 cửa hàng đã đề ra. Đồng thời, chuỗi này cũng đã mang những đồng lời đầu tiên về cho Tập đoàn – hơn 3,1 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo của MWG (Ảnh: Thế Giới Di Động)
Trong ĐHĐCĐ 2025, Ban lãnh đạo MWG cho biết họ kỳ vọng rất lớn vào EraBlue, mở thêm nhiều cửa hàng để đạt con số 150 vào cuối 2025 và 500 cửa hàng vào 2027, đi kèm với IPO ở thị trường chứng khoán Indonesia.
Hiện tại, theo website của EraBlue, họ có khoảng 107 cửa hàng, tập trung ở 2 tỉnh Banten - West Java và thành phố Jakarta đều thuộc đảo Java – nơi đang có hơn 105 triệu người sinh sống. Indonesia được mệnh danh là đất nước vạn đảo khi có 13.487 đảo – trong đó có 6.000 đảo là không có người ở. 5 hòn đảo lớn nhất của Indonesia là Java, Sumatra, Kalimantan, New Guinea và Sulawesi.
“Era Blue là mô hình nước ngoài rất thành công trong thời gian ngắn và đã có lời. Nói thì dễ nhưng mang mô hình sang một quốc gia ngoài Việt Nam thì có rất nhiều điểm khác biệt, hiểu ở Việt Nam nhưng sang nước khác rất khác.
Hai năm có 100 cửa hàng đã là thành công. Chúng tôi cơ bản tìm ra công thức thành công. Mục tiêu 500 cửa hàng đến năm 2027 của chúng tôi vẫn không thay đổi. Từ đây đến đó là giai đoạn quyết định để mở rộng!”, ông Đoàn Văn Hiểu Em nêu quan điểm trong ĐHĐCĐ của MWG 2025.
Nếu so với Bluetronics thì những gì mà EraBlue mang về cho MWG - như có lời sau hơn 2 năm, là thành công hơn mong đợi. Bên cạnh đó, IPO ở Indonesia cũng sẽ không khó như ở Việt Nam, nên tương lai lên sàn của EraBlue là rất tươi sáng.
Phát Đạt đề xuất thực hiện dự án khu đô thị bờ Bắc kết hợp chỉnh trang ở Quảng Ngãi, quy mô gần 37 ha.
157 khu đất với tổng diện tích hơn 860 ha được TP Hà Nội đề xuất thí điểm làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
Ông Hồ Anh Minh cùng One Mount Group và Decom Holdings góp vốn thành lập công ty blockchain với tên gọi 1Matrix, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Sau 5 năm phát triển tại Cần Thơ, iPOS.vn đánh dấu bước chuyển mình khi khai trương văn phòng và không gian trải nghiệm mới, nằm trong chiến lược mở rộng và nâng cấp mạng lưới hỗ trợ khách hàng tại khu vực miền Tây Nam Bộ.