Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 15:43

F88 phải dè chừng khi ‘kỳ lân’ cho vay trực tuyến của Singapore sắp vào Việt Nam

Tyme Group, kỳ lân cho vay trực tuyến của Singapore, sắp mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tạo thêm sức ép cạnh tranh trực tiếp với F88 trong thị trường tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Tyme Group - một công ty cho vay trực tuyến có trụ sở tại Singapore, vừa huy động 250 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Indonesia. Đây là một trong những thương vụ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất năm nay tại Đông Nam Á - khu vực đang đối mặt với sự suy giảm kéo dài về nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Vòng gọi vốn mới nhất được dẫn đầu bởi khoản đầu tư 150 triệu USD từ Nubank, công ty cho vay kỹ thuật số lớn nhất Mỹ Latinh. Nhờ đó, Tyme Group đạt mức định giá 1,5 tỷ USD và chính thức trở thành kỳ lân (unicorn). Các nhà đầu tư khác bao gồm M&G Investments, một công ty quản lý tài sản toàn cầu tại London, và các cổ đông hiện tại.

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào giá trị mà Nubank có thể mang lại cho Tyme, đặc biệt trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro tín dụng, phát triển sản phẩm và tiếp thị,” CEO Tyme, ông Coenraad Jonker, chia sẻ với Nikkei Asia.

Ứng dụng cho vay trực tuyến của Tyme. (Ảnh: Tyme Group).

Tyme được hậu thuẫn bởi tỷ phú Nam Phi Patrice Motsepe thông qua African Rainbow Capital Investments. Từ năm 2019, công ty đã cung cấp ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số tại Nam Phi và hiện có hơn 10 triệu khách hàng tại đây. 

TymeBank, chi nhánh của công ty, tập trung vào các khách hàng thu nhập thấp và vùng nông thôn, cung cấp các khoản ứng trước dựa trên doanh thu tương lai để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Năm 2022, Tyme gia nhập thị trường Philippines thông qua liên doanh với tập đoàn Gokongwei Group. Hiện tại, Tyme có hơn 15 triệu khách hàng trên toàn hệ thống.

Với nguồn vốn mới, Tyme dự định mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Indonesia, đồng thời cung cấp thêm các sản phẩm tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ chưa được phục vụ đầy đủ tại các thị trường này.

Cho vay kỹ thuật số đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á, đặc biệt ở các cộng đồng khó tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống. Theo báo cáo từ Google, Temasek Holdings và Bain & Co., dư nợ cho vay trong khu vực dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2030, tăng hơn bốn lần so với mức 71 tỷ USD ước tính cho năm 2024.

Nhiều công ty công nghệ lớn trong khu vực đang tham gia vào lĩnh vực ngân hàng số đầy tiềm năng. Sea, công ty thương mại điện tử và trò chơi có trụ sở tại Singapore, hiện đã hoạt động tại Indonesia, Philippines và Singapore. Vào tháng 9, Sea nộp đơn xin giấy phép tại Thái Lan và dự kiến mở rộng sang Malaysia vào cuối năm nay. Grab, một công ty khác của Singapore, cũng đang vận hành tại ba thị trường trong khu vực.

Riêng tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định mình là một điểm sáng trong chiến lược tài chính toàn diện toàn cầu. Nằm trong top 14 quốc gia dẫn đầu về chỉ số tài chính toàn diện năm 2024, Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc nhờ ứng dụng công nghệ tài chính. 

Tuy nhiên, dù tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán lên tới 87% người trưởng thành, nhưng theo EY Việt Nam, có tới 42% người được hỏi từng vay người quen, vay nóng, chơi hụi vì không thể tiếp cận được nguồn tài chính chính thống.

Đây là cơ hội để những doanh nghiệp khai thác tập khách hàng dưới chuẩn ngân hàng phát triển và F88 là một cái tên tiêu biểu. F88 thành lập vào năm 2013, là đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân từ cho vay cầm cố, phân phối bảo hiểm cho đến các dịch vụ tiện ích tài chính khác. 

Một phòng giao dịch của F88 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Trong giai đoạn từ 2018-2022, F88 liên tục ghi nhận lợi nhuận ổn định. Năm 2022, F88 báo lãi trên 200 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, F88 đạt lãi sau thuế 89 tỷ đồng - lội ngược dòng so với khoản lỗ 368 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. 

Với tiềm năng lớn từ thị trường, F88 đặt mục tiêu mở rộng danh mục cho vay và đưa tổng doanh thu tăng trưởng ở mức hai con số trong năm nay. Đồng thời, công ty sẽ tối ưu năng suất mạng lưới phòng giao dịch song song với việc mở thêm tối thiểu 80 phòng giao dịch tại các khu vực, ra mắt các dòng sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu, mở rộng thị trường, triển khai phương thức kinh doanh bảo hiểm mới.

Vòng gọi vốn mới nhất của Tyme, được coi là thương vụ lớn nhất năm nay của một công ty fintech Đông Nam Á, cho thấy sự phục hồi của các nhà đầu tư sau thời kỳ suy giảm kéo dài vì lãi suất tăng cao trong những năm gần đây.

Theo DealStreetAsia, đầu tư vào các startup tại Đông Nam Á vẫn còn yếu. Trong ba quý đầu năm 2024, chỉ có 474 giao dịch cổ phần được thực hiện, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch đạt 3,26 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 9 tháng qua, thương vụ fintech lớn nhất khu vực là khoản đầu tư 195 triệu USD vào Ascend Money của Thái Lan.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 21:25
Thêm công ty Trung Quốc vào tầm ngắm của Mỹ vì 'tiếp tay' cho Huawei

Công ty Sophgo của Trung Quốc đã bị chú ý sau khi một chip được tìm thấy trên hệ thống đa chip Ascend 910B của Huawei trùng khớp với chip mà công ty này đã đặt hàng từ TSMC.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 21:10
'Tấn công mạng sẽ táo bạo hơn với sự hỗ trợ của AI'

Các chuyên gia bảo mật cảnh báo hacker đang khai thác AI để cải thiện cuộc tấn công mạng và điều này sẽ gia tăng trong năm 2025.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 20:58
Vai trò bất ngờ của Foxconn trong thương vụ sáp nhập Honda và Nissan

Foxconn đang hướng đến Nissan để tận dụng các kênh bán hàng toàn cầu và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của hãng xe, nhằm đẩy mạnh tham vọng trong lĩnh vực xe điện.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 20:55
Hơn 1.000 dự án ở Hà Nội vướng phương án bồi thường

Chênh lệch giá đất đền bù theo Luật Đất đai 2024 và luật năm 2023 dẫn tới phát sinh vướng mắc trong hơn 1.000 dự án trên địa bàn Hà Nội.