Thông tin Nissan Motor và Honda Motor tiến hành sáp nhập đã tạo nên cơn chấn động trong ngành công nghiệp ô tô tuần này.
Nếu kế hoạch này thành công và bao gồm cả Mitsubishi Motors, sự hợp nhất sẽ tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, động lực khơi mào cho các cuộc đàm phán lại đến từ một nhân tố bất ngờ: Foxconn.
Công ty điện tử Đài Loan, nổi tiếng với vai trò lắp ráp iPhone, đang tham vọng trở thành một tên tuổi lớn trong ngành xe điện, dù họ gặp nhiều trở ngại trên hành trình thực hiện mục tiêu này.
Chủ tịch Foxconn, ông Young Liu, người tiếp quản vị trí này từ nhà sáng lập Terry Gou vào năm 2019, đã sớm xác định xe điện là nguồn doanh thu mới đầy tiềm năng. Ông đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần toàn cầu về xe điện, đạt doanh thu 1.000 tỷ Đài tệ (khoảng 30,5 tỷ USD) và tăng tỷ suất lợi nhuận gộp lên 10% vào năm 2025.
Foxconn đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài lĩnh vực điện tử tiêu dùng, vốn đang chững lại khi nhu cầu smartphone và máy tính bảng giảm. Mặc dù vẫn là nhà sản xuất iPhone và iPad lớn nhất thế giới, động lực tăng trưởng của công ty đang dần suy yếu.
Dù vậy, giấc mơ xe điện của Foxconn gặp không ít thách thức. Trong 5 năm qua, họ đã phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm việc dừng hợp tác đột ngột với Byton – một startup xe điện Trung Quốc, và những khó khăn tài chính nghiêm trọng từ hai khách hàng Mỹ, Fisker và Lordstown.
Bối cảnh bên ngoài cũng không thuận lợi. Tháng trước, tập đoàn dầu khí PTT của Thái Lan thông báo sẽ giảm cổ phần trong liên doanh với Foxconn, do cạnh tranh gia tăng từ các công ty Trung Quốc và sự chững lại của ngành xe điện toàn cầu.
Ông Liu gần đây thừa nhận rằng Foxconn sẽ không đạt mục tiêu chiếm 5% thị phần toàn cầu vào năm 2025 như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng công ty sẽ đạt được mục tiêu này trong tương lai.
Dù gặp nhiều khó khăn, Foxconn cũng đạt được một số thành công nhất định. Công ty và đối tác Yulon Motor đã bắt đầu giao mẫu xe điện n7 tại Đài Loan (Trung Quốc) trong năm nay với doanh số khả quan. Ngoài ra, Foxconn còn cung cấp xe buýt điện tại Đài Loan và máy kéo điện tại Mỹ.
Yulon cũng là đối tác sản xuất độc quyền của Nissan tại Đài Loan. Để tăng cường năng lực, năm 2023, Foxconn đã tuyển dụng Jun Seki, cựu lãnh đạo của Nissan và Nidec.
Foxconn cũng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Stellantis – tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới, sở hữu các thương hiệu như Peugeot, Citroen, Jeep và Fiat. Hai bên đã thành lập các liên doanh phát triển cabin thông minh, hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến và chất bán dẫn cho ngành ô tô.
Sở hữu cổ phần trong Nissan, một nhà sản xuất ô tô với hơn 100 năm lịch sử, được coi là cách nhanh nhất để Foxconn mở rộng quy mô trong ngành ô tô. Thương vụ này sẽ giúp Foxconn không chỉ tiếp cận bí quyết sản xuất ô tô của Nissan mà còn khai thác các kênh bán hàng toàn cầu và một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Ông Jun Seki, cựu lãnh đạo Nissan, đóng vai trò quan trọng trong tham vọng xe điện (EV) của Foxconn. Ông sử dụng các mối quan hệ lâu năm của mình trong ngành ô tô Nhật Bản để xây dựng kết nối cho Foxconn với các nhà sản xuất xe tại đây.
Theo Nikkei Asia, khi thông tin về đàm phán sáp nhập giữa Honda và Nissan xuất hiện, ông Seki đã có mặt ở Pháp để gặp Renault, cổ đông lớn nhất của Nissan.
“Động cơ của Foxconn rất rõ ràng,” ông Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định. “Tham vọng xe điện của họ chưa đạt được tiến bộ lớn, và hầu hết khách hàng của họ chỉ là các startup nhỏ. Đây là thời điểm phù hợp và chi phí thấp nhất để Foxconn hành động, nhất là khi giá cổ phiếu của Nissan đã giảm đáng kể trong thời gian qua.”
Năm 2016, Foxconn chi 3,5 tỷ USD để mua lại cổ phần lớn trong Sharp, một tập đoàn công nghệ Nhật Bản. Mục tiêu của Foxconn là công nghệ màn hình tiên tiến của Sharp, bao gồm công nghệ IGZO. Tuy nhiên, sau đó, các nhà sản xuất lớn như Apple đã chuyển sang màn hình OLED, phân khúc mà Samsung Display thống trị và sau này phải cạnh tranh với BOE Technology Group của Trung Quốc.
Foxconn đã cố gắng mua lại Toshiba vào năm 2017 nhưng không thành công.
Năm 2021, Foxconn mua lại một nhà máy sản xuất chip từ Macronix International tại Hsinchu, Đài Loan, để phát triển chip silicon carbide, phục vụ các giải pháp bán dẫn cho xe ô tô.
Cùng năm, Foxconn đầu tư vào DNEX, cổ đông lớn của nhà sản xuất chip SilTerra tại Malaysia, nhằm tiếp cận năng lực sản xuất chip. Đến năm 2022, Foxconn công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Malaysia để sản xuất các loại chip phổ thông nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi.
Trong vài năm qua, Foxconn đã mua lại nhiều công ty cung cấp bán dẫn như Marketech International và Foxsemicon Integrated Technology, các nhà cung cấp quan trọng cho Applied Materials. Cả hai công ty này đang mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á để giúp khách hàng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Đài Loan và Trung Quốc.
Năm 2023, Foxconn thông qua công ty con Foxconn Interconnect Technology đã mua lại Prettl SWH, một công ty Đức chuyên sản xuất linh kiện ô tô. Thương vụ này giúp Foxconn tăng cường năng lực về các giải pháp cảm biến, hệ thống khung gầm và hệ thống an ninh cho xe điện.
Những thương vụ mua lại xuyên biên giới đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ do bất ổn địa chính trị và xu hướng bảo hộ gia tăng. Chẳng hạn, GlobalWafers của Đài Loan, nhà sản xuất wafer lớn thứ ba thế giới, đã không thể mua lại công ty Đức Siltronic vì các cơ quan quản lý trì hoãn phê duyệt. Tương tự, Nippon Steel của Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn trong việc thâu tóm U.S. Steel.
“Ngành công nghiệp ô tô là một lĩnh vực quan trọng và chiến lược đối với Nhật Bản,” ông Chiu Shih-fang từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nhận xét. “Bất kỳ nỗ lực mua lại Nissan từ nước ngoài nào cũng có khả năng vấp phải sự phản đối từ chính phủ Nhật.
Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp của Foxconn rất khác so với cách quản lý truyền thống của các hãng xe. Đây sẽ là một thách thức lớn nếu Foxconn thực sự tiếp quản Nissan.”
Foxconn từng đối mặt với vấn đề tương tự khi mua lại Sharp. Sau thương vụ, Sharp gặp khó khăn do cạnh tranh khốc liệt và thời gian điều chỉnh ngành kéo dài hơn dự kiến. Chủ tịch Young Liu đã phải dành gần một năm tái cấu trúc Sharp, bao gồm việc đóng cửa nhà máy Sakai và chuyển hướng hoạt động sang trung tâm dữ liệu AI.
“Một số thách thức của Sharp đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Foxconn tại Nhật Bản,” một nguồn tin gần gũi với Foxconn cho biết. “Nếu Foxconn muốn mua lại Nissan, mọi bước đi sẽ cần được cân nhắc rất kỹ.”
Nếu không mua được Nissan, Foxconn có thể không bị ảnh hưởng quá lớn. Là nhà sản xuất máy chủ AI lớn nhất thế giới cho Nvidia, Foxconn kỳ vọng mảng này sẽ chiếm hơn một nửa doanh thu từ máy chủ vào năm 2025, tăng từ mức 40% trong năm nay.
Trong 11 tháng đầu năm nay, Foxconn đạt doanh thu kỷ lục 6,2 nghìn tỷ Đài tệ (tương đương 190 tỷ USD), phần lớn nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với máy chủ AI. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng 73,33% trong năm 2023.
Dù không mua được Nissan, Foxconn vẫn kiên định với chiến lược xe điện, bởi xe điện được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong dài hạn, dù hiện tại còn nhiều thách thức.
Foxconn theo đuổi mô hình “xây dựng – vận hành – địa phương hóa” để mở rộng mảng xe điện. Theo đó, công ty tìm kiếm một đối tác địa phương, xây dựng cơ sở sản xuất tại thị trường đó và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu địa phương. Tháng 10 vừa qua, Foxconn đã ra mắt mẫu xe đa dụng Model D và thông báo rằng mẫu xe chở khách Model C sẽ ra mắt tại Mỹ vào năm sau.
“Mục tiêu của chúng tôi vẫn không thay đổi, nhưng thời hạn 2025 sẽ phải lùi lại,” ông Liu chia sẻ với các nhà đầu tư khi thừa nhận tiến độ chiến lược xe điện của Foxconn đang chậm hơn dự kiến.
11 tháng đầu năm, Hà Nội thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tăng gấp đôi so với các năm trước.
Công ty Sophgo của Trung Quốc đã bị chú ý sau khi một chip được tìm thấy trên hệ thống đa chip Ascend 910B của Huawei trùng khớp với chip mà công ty này đã đặt hàng từ TSMC.
Các chuyên gia bảo mật cảnh báo hacker đang khai thác AI để cải thiện cuộc tấn công mạng và điều này sẽ gia tăng trong năm 2025.
Chênh lệch giá đất đền bù theo Luật Đất đai 2024 và luật năm 2023 dẫn tới phát sinh vướng mắc trong hơn 1.000 dự án trên địa bàn Hà Nội.