Kinh tế Quốc tế 26/07/2024 07:46

Fed hài lòng khi nền kinh tế chậm lại

Sau khi thăng hoa trong suốt năm 2023, nền kinh tế Mỹ đang dần trở lại mặt đất.

 

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg Businessweek).

Sau khi thăng hoa trong suốt năm 2023, nền kinh tế Mỹ đang dần trở lại mặt đất.

Doanh nghiệp tuyển dụng ít nhân công hơn. Người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Thị trường nhà ở gần như bị tê liệt khi lãi suất lên cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn, ngoại trừ những ngành được hưởng lợi từ các ưu đãi của chính phủ như chất bán dẫn và xe điện.

Và ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt, các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn tiếp tục phàn nàn về tác động tiêu cực khi giá cả tăng cao.

Tuy nhiên, không giống với hầu hết những đợt suy thoái trước, lần này nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ đang hạ cánh mềm, một kỳ tích hiếm hoi trong lịch sử.

Lạm phát đi xuống nhưng không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, chi tiêu bán lẻ hạ nhiệt nhưng không sụp đổ và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Sau khi tăng 1,4% vào quý I, GDP Mỹ tiếp tục đi lên 2,8% trong quý II.

Trong cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg, các nhà kinh tế nhận thấy có 30% khả năng Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới, giảm mạnh so với mức 60% trong cuộc khảo sát một năm trước.

 

Câu hỏi bây giờ là nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong bao lâu và bao nhiêu?

Nhà kinh tế Sarah House của Wells Fargo cho biết: “Hiện tại, nền kinh tế vẫn đang điều chỉnh dần dần. Song, vẫn còn rất nhiều câu hỏi, liệu mọi thứ có thay đổi nhanh hơn dự kiến hay không?”

Sự thay đổi trong bức tranh kinh tế đang thể hiện rõ trên Phố Main và tại nhiều nhà máy trên khắp nước Mỹ.

Ông Suresh Krishna, chủ công ty gia đình Northern Tool + Equipment chuyên sản xuất và bán máy nén và máy bơm tại Minnesota, cho biết hoạt động kinh vẫn tốt. Song, ông nhận thấy khách hàng đã trở nên thận trọng hơn.

“Cho dù là các chuyên gia hay người tiêu dùng, họ đều đang để mắt đến ví tiền của mình”, ông Krishna nói. Điều đó đặc biệt rõ ràng đối với các sản phẩm có giá bán lẻ hơn 500 USD.

Tại New York, ông Avremy Scheinfeld, người điều hành nhà hàng Abe’s Corner, phải cắt giảm giờ làm của nhân viên vì khoản nợ thẻ tín dụng của ông đang chịu mức lãi suất cao, gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính.

“Nền kinh tế đang khó khăn, mọi thứ đều đắt đỏ. Nếu chúng tôi tăng giá, khách hàng sẽ bỏ đi. Thật nan giải”, Scheinfeld nói.

 

Theo Bloomberg, những trải nghiệm trên tương thích với các dữ liệu gần đây, cho thấy xu hướng giảm nhiệt rõ rệt của nền kinh tế.

Tăng trưởng việc làm và tăng trưởng tiền lương đã chậm lại vào tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021 (dù vẫn ở mức thấp so với lịch sử).

Nhà kinh tế Anna Wong của Bloomberg Economics nhận xét: “Khi nhìn vào tình trạng thất nghiệp, chúng ta thấy thị trường lao động đã nguội đi đáng kể”. Bà dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,1% lên 4,5% vào cuối năm nay.

Cũng trong tháng 6, hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ đã thu hẹp đáng kể. Tâm lý người tiêu dùng xuống thấp nhất trong 8 tháng do giá cả cao ảnh hưởng đến quan điểm của người Mỹ về tài chính và nền kinh tế.

Trên thị trường nhà đất, lãi suất vay thế chấp mua nhà đang dao động quanh mức 7%, cao gấp đôi so với ba năm trước. Điều này làm chậm hoạt động xây dựng nhà ở và giữ giá nhà ở mức cao.

Trong báo cáo Beige Book mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), gần một nửa trong số 12 ngân hàng chi nhánh báo cáo hoạt động kinh doanh đi ngang hoặc đi xuống.

 

Những lá cờ đỏ khác cũng đang xuất hiện. Các hộ gia đình Mỹ đã gánh thêm khoảng 3.400 tỷ USD nợ kể từ khi đại dịch xuất hiện và một số đang phải vật lộn để thanh toán nợ.

“Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng đang có xu hướng tăng và tỷ lệ các khoản vay mua ô tô chuyển thành nợ quá hạn đang ở mức cao nhất trong 13 năm”, Thống đốc Lisa Cook cho hay vào cuối tháng 6.

“Số liệu vẫn chưa đáng lo ngại với nền kinh tế nói chung nhưng vẫn cần theo dõi”, vị quan chức nhấn mạnh.

Trao đổi với Bloomberg, nhà kinh tế Gregory Daco của EY đánh giá: “Đây là một sự suy yếu bất thường”.

Vị chuyên gia cho biết các chủ doanh nghiệp dường như ít có xu hướng cắt giảm biên chế vì tình trạng thiếu hụt lao động vẫn còn trong tâm trí họ. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là nếu lãi suất vẫn ở mức cao.

Trong một gợi ý về tương lai, vào ngày 15/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dữ liệu kinh tế quý II đã tiếp cho các quan chức thêm niềm tin rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%, có thể mở đường cho việc hạ lãi suất.

“Nền kinh tế Mỹ đã hoạt động thực sự tốt”, ông Powell nói tại Câu lạc bộ kinh tế Washington. Sau bình luận đó, các nhà giao dịch trên Phố Wall đặt cược Fed sẽ giảm lãi suất ba lần trong năm nay, thay vì hai như trước.

 

 

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 08/09/2024 06:55
Hết dư thép và xe điện, Trung Quốc có nguy cơ thừa thêm một mặt hàng quan trọng khác

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã chi 24,7 tỷ USD để mua thiết bị sản xuất chip. Con số này cao hơn mức 23,7 tỷ USD mà Hàn Quốc, Đài Loan, Bắc Mỹ và Nhật Bản chi trong cùng giai đoạn.

Kinh tế Quốc tế 08/09/2024 01:51
Kinh tế Ukraine khởi sắc, GDP tăng trưởng 4% kể từ đầu năm

Theo quan chức Ukraine, tăng trưởng GDP của nước này được thúc đẩy nhờ việc bắt đầu sớm đợt thu hoạch mùa màng và hoạt động ổn định trên hành lang xuất khẩu đường biển.

Kinh tế Quốc tế 07/09/2024 22:39
Quỹ hưu trí của Hàn Quốc dự kiến cạn kiệt vào năm 2055

Quỹ hưu trí của Hàn Quốc - một trong những quỹ lớn nhất thế giới với 1.147.000 tỷ won (tương đương 855 tỷ USD) tài sản - dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2055.

Kinh tế Quốc tế 07/09/2024 21:37
Hoãn phiên tòa tuyên án ông Donald Trump tới sau bầu cử

Thẩm phán Merchan nêu rõ thời điểm ấn định lại phiên tòa tuyên án cựu Tổng thống Donald Trump là vào ngày 26/11, ba tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trừ khi vụ án bị bác bỏ trước mốc đó.