03/05/2025 07:55

Fintech dần mờ nhạt, app ngân hàng dần thắng thế

Đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm số đang giúp các ngân hàng truyền thống thu hẹp khoảng cách với các nền tảng fintech trong việc thu hút người dùng.

Tại Việt Nam, các ứng dụng ngân hàng do chính ngân hàng phát triển đang ngày càng được ưa chuộng đối với mọi thế hệ người dùng, dần vượt mặt các nền tảng fintech độc lập như MoMo hay ZaloPay vốn đang ghi nhận mức giảm cả về tần suất sử dụng lẫn mức độ yêu thích, theo một báo cáo mới từ Decision Lab, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam.

Sự thay đổi này cho thấy các ngân hàng đang chủ động nâng cấp năng lực số để bắt kịp và đáp ứng tốt hơn kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Báo cáo  dựa trên khảo sát hơn 1.400 người tiêu dùng Việt Nam trong quý IV năm 2024 này cho thấy các ứng dụng fintech độc lập đang dần mất ưu thế cả về tần suất sử dụng và mức độ yêu thích. MoMo và ZaloPay là hai cái tên sụt giảm mạnh nhất, với tỷ lệ thâm nhập người dùng giảm 8 điểm phần trăm so với quý trước. ShopeePay và VNPay cũng ghi nhận mức giảm 4 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thâm nhập người dùng (%) của một số nền tảng tài chính số phổ biến nhất tại Việt Nam. (Nguồn: Connected Consumer Survey Q4 2024, Decision Lab).

Mức độ trung thành của người dùng với các nền tảng fintech độc lập cũng đang suy giảm. Trong quý IV năm 2024, chỉ 40% người dùng cho biết họ sử dụng MoMo thường xuyên nhất, giảm 3 điểm phần trăm so với quý trước. ZaloPay cũng ghi nhận xu hướng tương tự, giảm 2 điểm, chỉ còn 9%.

Dù sụt giảm, MoMo và ZaloPay vẫn là hai nền tảng tài chính số được sử dụng rộng rãi nhất trong quý IV/2024, với tỷ lệ thâm nhập người dùng lần lượt là 61% và 36%.

MoMo là ví điện tử di động phổ biến tại Việt Nam với khoảng 31 triệu người dùng. Nền tảng này cho phép người dùng thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và mua sắm trực tuyến. ZaloPay cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán số tương tự nhưng có lợi thế khi được tích hợp trực tiếp với ứng dụng nhắn tin Zalo, nền tảng có 77,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, giúp ZaloPay có độ phủ và khả năng tiếp cận người dùng rất lớn.

Bên cạnh đó, ShopeePay và VNPay cũng là những nền tảng thanh toán số đáng chú ý. ShopeePay gắn liền với nền tảng thương mại điện tử Shopee, trong khi VNPay là một cổng thanh toán lớn tại Việt Nam, nổi bật với hệ thống thanh toán qua mã QR.

Các ứng dụng ngân hàng ngày càng phổ biến hơn với người dùng

Trái ngược với xu hướng sụt giảm của các nền tảng fintech, các ứng dụng số do ngân hàng truyền thống phát triển lại đang ngày càng được ưa chuộng. Trong quý IV/2024, nhóm ứng dụng này xếp thứ ba trong số các nền tảng tài chính số phổ biến nhất tại Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập người dùng đạt 34%, chỉ giảm nhẹ 1 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn vượt trội so với một số đối thủ fintech.

Đáng chú ý hơn, mức độ ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng cũng đang tăng lên rõ rệt. Trong quý IV/2024, 26% người được khảo sát cho biết họ sử dụng ứng dụng của ngân hàng nhiều hơn bất kỳ nền tảng nào khác, tăng 3 điểm phần trăm so với quý trước. Điều này phản ánh xu hướng người dùng ngày càng ưu tiên các giải pháp tài chính số đến từ các tổ chức tài chính truyền thống, thay vì các nền tảng độc lập.

MoMo vẫn là nền tảng tài chính số được nhiều người yêu thích nhất trong quý IV/2024 song ghi nhận xu hướng sụt giảm so với quý trước đó. (Nguồn: Connected Consumer Survey Q4 2024, Decision Lab).

Theo Decision Lab, sự chuyển dịch này phần lớn được thúc đẩy bởi các thế hệ lớn tuổi. Thế hệ X, sinh từ năm 1960 đến 1980,  ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất về mức độ ưa chuộng đối với MoMo, giảm 8 điểm phần trăm so với quý trước, chỉ còn 35%. Trong khi đó, thế hệ Millennials, sinh từ 1981 đến 1996, cũng chứng kiến mức độ yêu thích ZaloPay giảm 7 điểm, xuống chỉ còn 8%.

Đồng thời, Gen X và Millennials lại là hai nhóm người dùng tích cực nhất trong việc chuyển sang sử dụng ứng dụng ngân hàng. Trong quý IV/2024, có tới 30% người thuộc Gen X và 23% người thuộc thế hệ Millennials cho biết họ đang sử dụng ứng dụng ngân hàng như nền tảng tài chính số chính, tăng lần lượt 4 và 5 điểm phần trăm so với quý trước.

Đăng Sơn
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO