Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng Nguyễn Thị Bích Dung, Hải Phòng hiện có quan hệ hợp tác, hữu nghị với các tỉnh, địa phương của Trung Quốc gồm các thành phố Thiên Tân, Nam Ninh, Ninh Ba, Thâm Quyến; hợp tác với tỉnh Vân Nam trong khuôn khổ Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài ra, một số địa phương khác tại Trung Quốc như: Trạm Giang (Quảng Đông), Tư Dương (Tứ Xuyên) và nhiều đoàn doanh nghiệp đã đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng.
Hoạt động hợp tác được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt trận ngoại giao chính trị, kinh tế, đối ngoại nhân dân ở nhiều lĩnh vực: đầu tư, thương mại, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo,văn hóa, xã hội, đã góp phần mở rộng cơ hội giao thương, hợp tác phát triển, tăng cường quan hệ hợp tác hòa bình, đoàn kết, củng cố tình hữu nghị bền chặt với các địa phương của Trung Quốc, phát triển mối đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Trung Quốc và thành phố Hải Phòng.
Lũy kế đến 31/1/2025, trên địa bàn thành phố có 1035 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực 33,8 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số đó 440 dự án đầu tư từ nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm: 205 dự án đầu tư từ Trung Quốc đại lục với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,48 tỷ USD; 64 dự án đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư đạt 1,96 tỷ USD; 171 dự án đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư đạt 3,08 tỷ USD) với tổng vốn đầu tư đạt 6,52 tỷ USD.
Các dự án Trung Quốc đầu tư tại Hải Phòng từ rất sớm, chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản, mua bán hàng hóa thương mại, góp phần giải quyết một lượng lớn việc làm cho người lao động và có đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
Một số dự án sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến của nhà đầu tư Trung Quốc, tiêu biểu như: Dự án Pegatron Việt Nam, Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc); Nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat Việt Nam của nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc), Dự án Sản xuất chế tạo và tiêu thụ thiết bị bay không người lái Autel Robotics của nhà đầu tư Trung Quốc đại lục...
Ông Chen Chi Liang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam chia sẻ, Pegatron Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất thiết bị điện tử tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Pegatron Việt Nam luôn mong muốn hợp tác với tất cả các nhà lãnh đạo để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn và kiến thiết thành phố Hải Phòng tươi đẹp tiếp tục vươn mình phát triển bền vững.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp Hải Phòng duy trì tăng trưởng ở mức hai con số. Quý I/2025, tổng sản lượng trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hải Phòng tăng 11,07%.
Điều này có được nhờ vào những lợi thế vượt trội mà thành phố sở hữu, như hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, bao gồm cảng biển, đường cao tốc, đường sắt và sân bay, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với các thị trường quốc tế và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái - Hải Phòng và tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng mở ra cơ hội tối ưu hóa logistics cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Cùng đó, thành phố không ngừng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với các chính sách hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp nguồn lao động tay nghề cao cho các nhà đầu tư. Hải Phòng cũng phê duyệt các đề án hỗ trợ đào tạo lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hải Phòng luôn chú trọng chính sách an sinh xã hội vững mạnh, phát triển các dự án nhà ở xã hội và các công trình an sinh xã hội như bệnh viện, trường học, khách sạn, đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của người dân và lao động tại thành phố.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà ở xã hội mang lại cơ hội ổn định lâu dài cho những người lao động.
Khu kinh tế xanh, bền vững cũng là một lợi thế vượt trội của Hải Phòng. Thành phố đang triển khai Khu kinh tế mới phía Nam với định hướng phát triển khu kinh tế xanh, sinh thái, bám sát xu hướng quốc tế về bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính, tạo ra một môi trường đầu tư bền vững và thân thiện với môi trường.
Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc của Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) dẫn đầu Đoàn công tác gồm các học giả, chuyên gia và doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm, làm việc tại Hải Phòng vào trung tuần tháng 4 vừa qua đã đánh giá, Hải Phòng có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Ngoài Khu Kinh tế phía Nam, sắp tới Hải Phòng và Hải Dương hợp nhất sẽ tạo nên dư địa phát triển vô cùng rộng mở, tiềm lực kinh tế lớn. Đoàn công tác mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số đang là thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo ông Lê Trung Kiên, trong tương lai, những chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng và định hướng phát triển bền vững của Hải Phòng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài.
Những yếu tố then chốt tạo nền tảng thuận lợi gồm chính sách ưu đãi đầu tư; phát triển hạ tầng hiện đại, cảng biển, giao thông kết nối và các khu công nghiệp sẽ được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Thành phố sẽ đẩy mạnh quan hệ với các địa phương Trung Quốc để mở rộng thị trường, thúc đẩy giao thương và chia sẻ công nghệ. Đồng thời, Hải Phòng sẽ tập trung đào tạo lao động, nâng cao trình độ quản lý và kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Để hiện thực mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, chính sách thuế cần được xem là “chìa khóa chiến lược” nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với cảnh quan núi rừng hùng vĩ, các cao nguyên đá độc đáo cùng hệ thống di tích lịch sử đặc sắc, tỉnh Tuyên Quang sau sáp nhập hứa hẹn trở thành điểm một địa phương có lợi thế về du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục để khởi công tuyến cao tốc Hồ Tràm - sân bay Long Thành vào dịp 2/9 năm nay.
Các Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM đã ký Kế hoạch chuẩn bị kết nối hệ thống công nghệ thông tin sau khi hợp nhất.