Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư, phát triển cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.
Gemalink cho biết có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thành công dự án, cam kết mang lại cho dự án lợi thế cạnh tranh vượt trội. Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ cùng Tập đoàn CMA - CGM, liên minh Ocean Alliance và các khách hàng hiện hữu, Gemalink nói sẽ đảm bảo lưu lượng hàng hóa ổn định, thu hút các hãng tàu trong liên minh đến khu bến Cái Mép - Thị Vải.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, khu bến Cái Mép, bao gồm dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, là khu bến chính của cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Tổng mức đầu tư của dự án trên 50.000 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến Cái Mép Hạ vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch mới nhất xác định, bến cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có quy mô 216,6ha, chiều dài tuyến bến 5,96km, đáp ứng tàu container đến 250.000 DWT, với lộ trình đầu tư từ giai đoạn khởi động đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Thực tế, siêu cảng Cái Mép Hạ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tháng 4/2024, Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) cũng đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.
Liên danh này đề xuất thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 50.820 tỷ đồng, định hướng xây dựng thành cảng có khả năng đón tàu biển lớn nhất thế giới. Quy trình đầu tư sẽ gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2030 gồm các công việc xây dựng 2 bến có tổng chiều dài 0,9km dành cho tàu có tải trọng đến 250.000 DWT.
Các nhà đầu tư khác từng thể hiện sự quan tâm đến dự án như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel…
Gemalink liên doanh giữa Gemadept (Mã: GMD) với CMA Terminals. Trong đó, Gemadept đang sở hữu 41,67% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về CMA Terminals - đơn vị thành viên tập đoàn vận tải biển CMA - CGM (Pháp) - hãng vận chuyển container đường biển lớn thứ 3 trên thế giới.
Đây là hiện là đơn vị trực tiếp vận hành Cảng Gemalink - cảng nước sâu quy mô lớn nhất khu vực Cái Mép Thị Vải hiện nay, với năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn nhất thế giới 250.000 DWT.
Gemadept đang là một trong những doanh nghiệp cảng hàng đầu Việt Nam với giá trị vốn hoá thị trường đạt hơn 27.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản gần 14.400 tỷ đồng. Tập đoàn này chiếm 17% thị phần cụm cảng Hải Phòng và 27% thị phần cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu tăng gần 22% đạt 3.420 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 33% so với cùng kỳ, còn 1.549 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp hoàn thành 85% mục tiêu doanh thu và 103% chỉ tiêu lợi nhuận.
Công ty dự tính sẽ chi tổng cộng hơn 400 tỷ đồng trong đợt này, trong đó công ty mẹ Tập đoàn Cao su nhận về số tiền lớn nhất với hơn 270 tỷ đồng.
Trong tuần từ 18/11 đến 22/11, thị trường chứng khoán có 23 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.
Hiện Vingroup đang nắm giữ 85,55% cổ phần Vinpearl và ban lãnh đạo đang đẩy nhanh quá trình niêm yết cổ phiếu trở lại trên sàn chứng khoán sau 13 năm.
Khi VKS kết thúc phần luận tội và đề nghị y án tử hình, bà Trương Mỹ Lan xin tòa được trình bày với giọng mất bình tĩnh, nói "đang bấn loạn tinh thần".