Giá cà phê hôm nay 14/7: Robusta đã giảm gần 40% giá trị kể từ đầu tháng 5 đến nay

Chỉ trong hai tháng rưỡi trở lại đây, giá cà phê robusta trên sàn London đã giảm 38,8%, trong khi arabica tại sàn New York cũng giảm tới 26,7%. Thị trường hiện đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Ở trong nước, giá cà phê đầu tuần tiếp tục giảm xuống dưới mốc 90.000 đồng/kg.

Cập nhật giá cà phê trong nước
Khảo sát lúc 10h30 sáng ngày 14/7, giá cà phê tại thị trường trong nước dao động trong khoảng 88.000 – 88.500 đồng/kg, giảm 1.500 – 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Cụ thể, Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức giá giảm mạnh nhất, giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 88.300 đồng/kg.

Tại Gia Lai, giá cà phê cũng được thu mua ở mức tương tự 88.300 đồng/kg, giảm 1.900 đồng/kg.

Đắk Nông là địa phương có giá giao dịch ở mức cao nhất, đạt 88.500 đồng/kg, giảm 1.800 đồng/kg  

Trong khi đó, Lâm Đồng là địa phương có giá thấp nhất ở mức 88.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

88.300

-2.000

Lâm Đồng

88.000

-1.500

Gia Lai

88.300

-1.900

Đắk Nông

88.500

-1.800

Tỷ giá USD/VND

25.910

+30

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay, giá cà phê thế giới đã liên tục lao dốc và xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua.

Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2025 đóng cửa tuần trước ở mức 3.216 USD/tấn, giảm 38,8% (2.035 USD/tấn) kể từ đầu tháng 5.

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9/2025 cũng giảm tới 27% (106 US cent/pound) trong cùng thời gian, còn 286,5 US cent/pound.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cà phê thế giới giảm do nguồn cung dồi dào, được hỗ trợ bởi vụ thu hoạch mới từ Brazil và Indonesia, cùng với xuất khẩu gia tăng mạnh từ Việt Nam – quốc gia sản xuất robusta hàng đầu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2025-2026 (từ tháng 7/2025 đến tháng 6/2026) dự kiến tăng nhẹ, đạt khoảng 65 triệu bao (loại 60 kg), tăng 0,5% so với niên vụ 2024-2025.

USDA cũng nâng dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2025-2026 thêm khoảng 1,85 triệu tấn, tăng gần 7% so với vụ trước, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Giá cà phê giảm còn do các nhà đầu cơ trên sàn bán mạnh giữa bối cảnh Mỹ liên tục đưa ra các mức thuế cao với các nước. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt cũng gây áp lực lên giá cà phê.

Trong khi đó, Comunicaffe dẫn báo cáo của Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết, cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong năm nay thêm 4% so với tháng trước, ước tính đạt 57,5 triệu bao, tăng 0,8% so với năm ngoái.

Đây là một sự thay đổi đáng kể trong định hướng của tổ chức này, vốn trực thuộc Bộ Kinh tế tại Brazil.

Trên thực tế, IBGE đã từng nổi bật trong những tháng gần đây với các dự báo khá bi quan, ngay cả khi các nguồn khác bắt đầu điều chỉnh ước tính tăng lên từ tháng 3.

Cụ thể, IBGE hiện dự báo sản lượng arabica đạt 37,5 triệu bao, cao hơn 0,8% so với ước tính tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn 6,2% so với vụ mùa 2024-2025, chủ yếu do đây là năm giảm sản lượng trong chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê tại phần lớn các vùng trồng arabica.

Ngược lại, dự báo sản lượng robusta đã được điều chỉnh tăng mạnh 10,8% so với ước tính tháng 6, lên mức 20 triệu bao, tương ứng tăng 17,3% so với vụ mùa 2024-2025.

Điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với sự đầu tư đáng kể vào phân bón và kỹ thuật canh tác, được thúc đẩy bởi giá cà phê cao, đã giúp sản lượng robusta đạt mức kỷ lục này.

Cơ quan Cà phê và Trà Ethiopia (ECTA) vừa công bố báo cáo cho biết Ethiopia đã thu về 2,6 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê trong năm tài chính vừa kết thúc.

Ông Adugna Debela, Tổng Giám đốc  ECTA, nhấn mạnh rằng thành tựu này đã đưa Ethiopia trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu châu Phi và nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới.

Ban đầu ECTA dự kiến xuất khẩu 326.000 tấn cà phê và thu về 2 tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên, hơn 470.000 tấn cà phê đã được xuất khẩu, mang lại doanh thu 2,65 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, đã có hơn 8,5 tỷ cây giống cà phê được trồng tại  Ethiopia, và nước này đang có kế hoạch trồng thêm hơn 2 tỷ cây nữa trong mùa mưa hiện tại.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 14/7: Đi ngang ở mức thấp

Giá sầu riêng hôm nay (14/7) không có nhiều thay đổi tại các vùng được thu mua chính trên cả nước, dao động ở 20.000 - 80.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo hôm nay 14/7: Gạo nguyên liệu bật tăng 200 – 300 đồng/kg

Giá lúa gạo hôm nay (14/7) tại thị trường trong nước tăng nhẹ, từ 200 – 300 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu. Trong khi đó, giá gạo châu Á đang ở mức thấp nhất trong 8 năm qua. Nguồn cung toàn cầu đã được cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi tại các quốc gia sản xuất chính, khiến giá gạo giảm hơn 40% so với mức đỉnh vào tháng 1 năm ngoái.

NHNN lý giải vì sao ngân hàng có vốn trên 50.000 tỷ mới được xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng

Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 sẽ tiến tới xoá bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ cấp phép có điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại sản xuất vàng miếng.

Thép Trung Quốc lập kỷ lục xuất khẩu trong quý II

Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã xuất khẩu lượng thép thành phẩm kỷ lục trong quý II/2025, bất chấp loạt biện pháp bảo hộ thương mại từ châu Á đến châu Âu nhằm hạn chế tình trạng dư cung.