Giá gạo đã chạm đáy nhưng khó hồi phục trong năm nay

Giá gạo toàn cầu được cho là đã chạm đáy nhưng triển vọng phục hồi còn thấp do tồn kho lớn tại Ấn Độ, nguồn cung dồi dào từ các nước châu Á và tâm lý thận trọng của người mua, theo Reuters.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, giá gạo thế giới - sau khi xuống mức thấp nhất nhiều năm qua - khó có khả năng giảm thêm khi đồng nội tệ của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ổn định. Tuy nhiên, lượng gạo tồn kho lớn của Ấn Độ và vụ mùa bội thu tại các quốc gia châu Á sẽ kìm hãm đà hồi phục của giá gạo trong năm nay.

Giá thấp có lợi cho người tiêu dùng ở châu Phi và các khu vực nhạy cảm với giá cả, nhưng gây áp lực lên thu nhập vốn đã thấp của nông dân châu Á - khu vực sản xuất gần 90% sản lượng gạo toàn cầu.

Tháng 4 vừa qua, giá gạo giảm mạnh, chỉ một tháng sau khi Ấn Độdỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu cuối cùng, khiến giá gạo đồ nước này rơi xuống mức thấp nhất 22 tháng. Giá gạo tại Thái Lan và Việt Nam cũng lần lượt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm và gần 5 năm.

Giới thương nhân và doanh nghiệp cho biết, sau khi giảm gần 1/3 so với mức đỉnh năm 2024, giá gạo đã chạm đáy và có thể duy trì quanh mức hiện tại đến hết năm do nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu lớn.

Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, nhận định, ngay cả sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, giá gạo khó có thể tăng trở lại. Tình trạng dư cung sẽ tiếp tục kìm hãm giá.

Hiệp hội này cũng dự báo giá gạo 5% tấm sẽ dao động quanh mốc 390 USD/tấn với biên độ khoảng 10 USD cho đến hết năm 2025.

Ông Himanshu Agrawal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho rằng, giá sẽ giữ ổn định trừ khi thời tiết mùa mưa có biến động bất thường, ảnh hưởng đến sản lượng.

Ấn Độ kỳ vọng bứt phá xuất khẩu

Cơ quan khí tượng Ấn Độ dự báo thời tiết năm nay thuận lợi cho sản xuất lúa gạo.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ đạt mức kỷ lục 543,6 triệu tấn, tăng so với 535,4 triệu tấn niên vụ trước. Tổng nguồn cung, gồm cả tồn kho, dự kiến đạt 743 triệu tấn, vượt xa nhu cầu toàn cầu ở mức 539,4 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, lượng gạo tồn kho (gồm cả thóc chưa xay xát) tính đến ngày 1/4 đạt hơn 63 triệu tấn, gấp gần 5 lần mục tiêu dự trữ 13,6 triệu tấn của chính phủ.

Với tồn kho lớn và triển vọng sản lượng tiếp tục tăng, người mua chưa vội ký hợp đồng, trong khi người bán cạnh tranh giành thị phần, tạo áp lực giảm giá, ông Agrawal cho biết.

Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ dự báo xuất khẩu gạo năm nay của nước này có thể tăng 25% so với năm ngoái, đạt mức kỷ lục 22,5 triệu tấn. Tập đoàn Olam Agri India - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - thậm chí dự đoán xuất khẩu có thể lên tới 24 triệu tấn.

Sự tăng trưởng này có thể giúp Ấn Độ lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường gạo toàn cầu, từng chiếm hơn 40% thị phần trước khi áp lệnh cấm xuất khẩu năm 2022, cao hơn tổng lượng xuất khẩu của 4 nước kế tiếp Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

“Ấn Độ đang dần lấy lại thị phần đã mất,” ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao tại Olam Agri India, cho biết.

Khi gạo tấm Ấn Độ trở lại thị trường vào tháng 3, đồng rupee yếu (khoảng 87,2 rupee/USD) thúc đẩy nhu cầu và kéo giá giảm mạnh. Tuy nhiên, đồng rupee đã hồi phục lên 84,55 rupee/USD, cùng với việc các đồng tiền của nước xuất khẩu khác cũng tăng, khiến giá gạo thế giới khó giảm sâu hơn, theo nhận định của một số thương nhân.

Ngoài ra, nông dân Ấn Độ có thể chọn bán lúa cho chính phủ nếu giá thị trường thấp hơn mức sàn. Chính phủ Ấn Độ cũng đã nâng giá thu mua tối thiểu hàng năm - thêm một yếu tố khiến giá xuất khẩu gạo khó có thể giảm thêm.

 

Thị phần của các quốc gia xuất khẩu gạo năm 2023 (Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ, Reuters, HT tổng hợp)

 

Tăng áp lực cạnh tranh

Sản lượng tăng mạnh từ Ấn Độ khiến các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực lo ngại.

Trong quý I/2025, xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 30% xuống còn 2,1 triệu tấn do người mua chuyển sang Ấn Độ với giá rẻ hơn, theo ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA).

Các tổ chức thương mại của Thái Lan và Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của 2 quốc gia trong năm nay sẽ giảm lần lượt 24% và 17%, đều xuống mức 7,5 triệu tấn.

Tại Thái Lan, giá lúa giảm 30% trong tháng 2 khiến nông dân kiến nghị và thúc giục chính phủ tung ra gói hỗ trợ. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, Thái Lan đang tìm cách hợp tác với Ấn Độ và Việt Nam để đối phó với tình trạng giá gạo giảm sâu.

Ngược lại, các nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia, Arab Saudi và nhiều nước châu Phi như Senegal, Nigeria và Ghana đang được hưởng lợi khi giá gạo ở mức thấp.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ B.V. Krishna Rao, nhận định, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trong 2 năm qua là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp khác ở châu Á. Giờ đây, khi Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu, người mua sẽ hài lòng hơn với mức giá hợp lý hơn.

 

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá thịt heo hôm nay 8/5: Tiếp tục chững giá tại hai hệ thống bán lẻ

Giá thịt heo không ghi nhận điều chỉnh tại hệ thống cửa hàng WinMart và Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền trong phiên sáng nay.

Giá cà phê hôm nay 8/5: Hai sàn cùng giảm, robusta về dưới 5.240 USD/tấn

Giá cà phê hôm nay (8/5) đồng loạt giảm ở trên cả hai sàn giao dịch do dự báo lạc quan về triển vọng nguồn cung tại Brazil và đồng Real suy yếu thúc đẩy hoạt động bán ra.

Căng thẳng thương mại tác động thế nào đến giá thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp nào được hưởng lợi?

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thành phẩm đang có xu hướng giảm. Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định trong thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm từ nay tới nửa đầu năm 2025.

Giá than nhiệt tại châu Á chạm đáy 4 năm

Công ty tư vấn SteelHome cho biết giá than nhiệt tại cảng Qinhuangdao là 660 nhân dân tệ (90,78 USD)/tấn vào tuần trước, mức thấp nhất trong 4 năm và giảm 25% so với đầu tháng 10.