Giai đoạn 2022 - 2024, các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phi sản xuất đã đầu tư 886 tỷ yên vào Việt Nam. Con số này chiếm 69% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật, tăng so với 64% trong ba năm trước và 44% trong giai đoạn 2016–2018.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam được biết đến là thị trường có thiện cảm với sản phẩm Nhật Bản. Người tiêu dùng thường đánh giá cao và tin tưởng sản phẩm đến từ Nhật.
Một trong những nhà bán lẻ Nhật Bản nổi bật nhất tại Việt Nam là Aeon. Tập đoàn này mở trung tâm thương mại đầu tiên vào năm 2014. Hiện nay, Aeon đã có 11 trung tâm trên toàn quốc.
Một trung tâm thương mại của Aeon mở tại Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).
“Đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ đạt 110 triệu người”, ông Akio Yoshida, Chủ tịch Aeon, chia sẻ tại buổi họp báo cáo tài chính giữa tháng 4. “Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Khi đời sống được cải thiện, chúng tôi muốn phát triển theo nhiều mô hình khác nhau và tận dụng cơ hội tăng trưởng lớn cho tập đoàn”.
Aeon đặt mục tiêu mở 180 siêu thị và cửa hàng tổng hợp tại Việt Nam vào năm 2030. Hiện tại, con số này là 46. Tập đoàn cũng dự kiến triển khai dịch vụ thẻ tín dụng thông qua một công ty tài chính trong nước mà Aeon đã mua lại hồi tháng 2. Bên cạnh đó, Aeon sẽ khai trương rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay thông qua một liên doanh.
Giá trị kinh doanh của Aeon tại Việt Nam đang tăng trưởng hai con số mỗi năm. Ông Yoshida cho biết doanh thu hàng năm tại thị trường này có thể đạt 500 tỷ yên vào năm 2030.
Aeon muốn sở hữu 180 trung tâm thương mại và cửa hàng tổng hợp tại Việt Nam vào năm 2030. (Ảnh: Đức Huy).
Uniqlo là một nhà bán lẻ Nhật Bản khác đang mở rộng mạnh ở Việt Nam. Thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019 và hiện đã có 29 cửa hàng trên toàn quốc.
Riêng tại Đông Nam Á, thương hiệu thời trang này có 342 cửa hàng. Trong đó, mỗi nước Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có hơn 70 cửa hàng.
Các tập đoàn thương mại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Tháng 2, Itochu đầu tư vào một một công ty cho vay ô tô tại Thái Lan, trước đó họ đầu tư vào một công ty bảo hiểm nhân thọ ở nước này. Ông Yasuhito Kawauchino, Giám đốc điều hành mảng tài chính và bảo hiểm của Itochu, cho biết Việt Nam cũng đang được Itochu xem xét là điểm đến đầu tư tiếp theo.
Các lãnh đạo của Uniqlo trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội năm 2020. (Ảnh: Đức Huy).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, điều phối viên chương trình tại Trung tâm Đông Nam Á - Nhật Bản, nhận định rằng xu hướng già hoá dân số của Nhật đang thúc đẩy các doanh nghiệp nước này mở rộng sang Đông Nam Á.
Ông nói dân số Nhật đang già đi và thị trường tiêu dùng trong nước đã gần như bão hòa. Vì vậy, nhiều công ty Nhật có tiềm lực tài chính mạnh đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ở nước ngoài.
Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật cũng đang tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Năm ngoái, khoảng 41% trong gần 1.900 doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đến kinh doanh quốc tế cho biết với JETRO rằng họ muốn mở cơ sở đầu tiên ở nước ngoài trong vòng ba năm tới. Mỹ là thị trường được nhiều doanh nghiệp nhắm đến nhất. Việt Nam đứng thứ 4 và Thái Lan đứng thứ 6.
Xu hướng này đang được hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính khu vực của Nhật Bản. Đây là nguồn tài chính chính của các doanh nghiệp nhỏ. Theo một khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Địa phương Nhật Bản với 62 ngân hàng, số lượng văn phòng đại diện tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam tính đến tháng 4/2023 đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), một tổ chức tài chính chính sách, đã triển khai một chương trình hỗ trợ các tổ chức tài chính địa phương của Nhật gặp khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài vào năm ngoái.
Khoảng 10 năm trước, MUFG – ngân hàng lớn nhất Nhật Bản theo quy mô tài sản – bắt đầu xem Đông Nam Á là khu vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Takeshi Asahi, Giám đốc điều hành bộ phận kế hoạch ngân hàng thương mại toàn cầu của MUFG, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi mở rộng ra nước ngoài, bao gồm cả Đông Nam Á, chủ yếu để theo chân các doanh nghiệp Nhật như nhà sản xuất và công ty thương mại. Mục tiêu là hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ ở nước ngoài.
Nhưng sau đó, chúng tôi bắt đầu tự hỏi liệu có thể tận dụng cả nhu cầu nội địa đang tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế của từng nước hay không”.
Nhờ cách tiếp cận này, MUFG – vốn được biết đến là một ngân hàng khá thận trọng – đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Họ bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngân hàng. Năm 2020, MUFG hợp tác chiến lược với Grab – công ty gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Singapore.
Hiện nay, phần lớn hoạt động ngân hàng thương mại quốc tế của MUFG hiện tập trung tại Đông Nam Á.
Việt Nam được doanh nghiệp Nhật nhận định là thị trường tiêu dùng tiềm năng. (Ảnh: Đức Huy).
Từ khoảng năm 2010, khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên, Đông Nam Á bắt đầu được xem là lựa chọn thay thế. Khu vực này không còn chỉ là nơi sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản mà đã trở thành thị trường tiêu dùng tiềm năng.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đến tháng 10 năm ngoái, có 5.856 công ty Nhật hoạt động tại Thái Lan, 2.394 tại Việt Nam và 2.182 tại Indonesia.
Gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ các công ty Nhật vào Đông Nam Á có sự thay đổi rõ rệt. Số tiền đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất đã vượt lĩnh vực sản xuất. Tính đến cuối năm 2023, 55% tổng vốn FDI của doanh nghiệp Nhật tại khu vực này thuộc về các ngành phi sản xuất. Đây là 5 thứ năm liên tiếp thực tế này diễn ra.
“Sự thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố cơ bản. Trong đó có việc tiêu dùng trong nước tăng lên, người dân dùng công nghệ nhiều hơn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và ngày càng nhiều người tiếp cận được dịch vụ tài chính”, ông Kenichi Shimomura, chuyên gia về Đông Nam Á tại công ty tư vấn Roland Berger, văn phòng Singapore, cho biết.
“Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế và logistics đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong thời gian tới, khu vực phi sản xuất có thể sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp mới hơn cả lĩnh vực sản xuất”, ông nói.
Xu hướng chuyển sang lĩnh vực phi sản xuất đang rõ rệt ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia - dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Dữ liệu này ghi nhận giá trị các giao dịch đầu tư xuyên biên giới trong vòng 12 tháng. Dữ liệu dòng vốn thường dùng để theo dõi xu hướng đầu tư trong ngắn hạn, khác với dữ liệu tồn kho.
Ông Kenji Kanamoto, Phó Tổng Giám đốc JBIC, cho biết các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa vẫn chiếm phần lớn các khoản đầu tư ra nước ngoài. Điều này do các tập đoàn lớn thường kéo theo các nhà cung cấp đến những cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất như thực phẩm, đồ uống và dịch vụ tại Đông Nam Á đang tăng lên rõ rệt.
Ông Jayant Menon, chuyên gia cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng xu hướng chuyển dịch khỏi lĩnh vực sản xuất truyền thống sẽ còn tiếp diễn. Ông nói rằng hàng hóa và dịch vụ số sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng thương mại trong tương lai. Quá trình số hóa cũng sẽ thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển.
Doanh nghiệp Nhật không phải là những người duy nhất quan tâm đến Đông Nam Á. Bà Azuki Yamaguchi, quản lý nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JETRO, cho biết các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội tương tự.
Việc chưa mở bán nốt 108 căn còn lại tại dự án Charm Villas khiến Hà Đô không có nguồn thu từ mảng bất động sản trong quý I/2025.
Lego cho biết họ muốn đặt nhà máy tại những địa điểm “gần người tiêu dùng” nhất có thể, và coi những đầu tư trong thời điểm hiện tại là khoản đầu tư cho tương lai.
Ngoại trừ iPhone vẫn tiếp tục được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam sẽ đóng vai trò là cơ sở sản xuất quan trọng của Apple cho các sản phẩm như iPad, Macbook, Apple Watch,…
Ô đất ký hiệu N02 rộng 3.557 tại số 275 Nguyễn Trãi sẽ được xây dựng nhà ở xã hội với 408 căn hộ.