Vĩ Mô 02/07/2025 12:46

Giải ngân đầu tư công chỉ gần 30% sau nửa đầu năm, đâu là điểm nghẽn lớn nhất?

Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 268.133,9 tỷ đồng, bằng 29,6% kế hoạch năm và bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 9359 báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng, ước 6 tháng năm 2025, theo Báo Chính phủ.

Tại báo cáo, Bộ Tài chính cho biết luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/5, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt 184.542,3 tỷ đồng, bằng 20,4% kế hoạch (kế hoạch 905.084,9 tỷ đồng) và bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 7.162,5 tỷ đồng, bằng 32,61% kế hoạch Thủ tướng giao.

Ước tính từ đầu năm đến ngày 30/6, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 268.133,9 tỷ đồng, bằng 29,6% kế hoạch và bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 26,4% kế hoạch và đạt 28,2% kế hoạch Thủ tưóng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 9.258 tỷ đồng (bằng 42,2% kế hoạch Thủ tướng giao).

Theo Bộ Tài chính, tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì tốc độ tích cực, vượt tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2024. Trong đó, riêng vốn ngân sách địa phương có tỷ lệ đạt 37,8%, cao hơn mức 27,4% của cùng kỳ năm 2024; vốn ngân sách Trung ương tuy mới đạt 25,3%, tỷ lệ thấp hơn mức 29,5% của cùng kỳ năm 2024 nhưng cao hơn về số tuyệt đối.

Tính đến 30/6, giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước ước đạt 268.133,9 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Trong 6 tháng đầu năm nay, so với kế hoạch Thủ tướng giao, có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt từ mức bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, vẫn còn 32 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt dưới bình quân chung cả nước.

Một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân tốt trên 40% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đạt 86,4%; Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 73,8%; Bộ Công an đạt 45,2%; Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 41,2%.

Các địa phương giải ngân tốt trên 50% như: Phú Thọ (cũ) đạt 85,7%; Hà Tĩnh đạt 75,6%; Lào Cai (cũ) đạt 66,6%, Thái Nguyên (cũ) đạt 65,4%; Bắc Ninh (cũ) đạt 62,3%; Hà Nam (cũ) đạt 59,5%; Ninh Bình (cũ) đạt 59,5%); Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đạt 54,9%; Nam Định (cũ) đạt 53,9%.

Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% năm 2025, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ưong và địa phương phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công.

Lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý vướng mắc phát sinh ngay tại đơn vị, công trường dự án, đảm bảo kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Đánh giá, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt; phê bình xử lý tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải để phấn đấu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị khẩn trương chủ động chuẩn bị để tổ chức khánh thành, khởi công đồng loạt các công trình, dự án trên cả nước, chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.

Song song đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Các thành viên Tổ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. 

Thể chế vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong giải ngân đầu tư công

Trao đổi với báo chí về những điểm nghẽn trong thể chế đầu tư công hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) cho biết điểm nghẽn lớn nhất có thể nhận diện rõ nét qua thực tiễn triển khai các dự án trên cả nước như việc hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư công còn chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và các quy định về đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Theo chuyên gia, sự thiếu nhất quán này dẫn đến tình trạng mỗi địa phương, mỗi bộ ngành có thể hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra tình trạng “đứng hình” ở nhiều khâu thủ tục, khiến tiến độ triển khai dự án bị kéo dài không cần thiết.

Bên cạnh đó, quá trình phân bổ và điều chỉnh vốn đầu tư công vẫn còn cứng nhắc, thủ tục điều chỉnh dự án, chuyển vốn giữa các dự án hoặc các hạng mục gặp rất nhiều rào cản, nhất là khi phải trình qua nhiều cấp thẩm quyền và thường xuyên vướng vào các quy định chặt chẽ về mục tiêu, phạm vi đầu tư.

Mặt khác, việc triển khai dự án đầu tư công cũng chịu ảnh hưởng lớn từ quy định về quy hoạch, nhất là với những dự án hạ tầng quy mô lớn hoặc các dự án liên quan tới đất đai, bởi việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch ở nhiều nơi còn kéo dài, gây khó khăn cho việc giao đất, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Một điểm nghẽn điển hình khác trong giải ngân đầu tư công được PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhắc tới là công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vốn thường chiếm phần lớn thời gian trong các dự án đầu tư công, lại gặp nhiều vướng mắc do giá đền bù, chính sách hỗ trợ chưa thống nhất, phát sinh khiếu nại, tranh chấp kéo dài.

Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương còn thiếu sự thống nhất và linh hoạt, khiến nhiều công việc bị đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý chậm trễ.

Ngoài ra, theo ông Huân, năng lực quản trị, điều hành dự án của các ban quản lý và chủ đầu tư còn hạn chế cũng là một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với giải ngân đầu tư công.

"Sự e ngại trách nhiệm, sợ sai vẫn khá phổ biến do hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn nghiêng về xử lý hình sự, chưa tạo động lực và niềm tin cho người thực thi. Tất cả những điểm nghẽn này kết hợp lại tạo nên một hệ thống đầu tư công vận hành còn kém hiệu quả, làm chậm tiến độ giải ngân và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước", PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 03/07/2025 11:12
Chạy thử toàn bộ hệ thống nhà ga hành khách sân bay Long Thành trước tháng 6/2026

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hạng mục nhà ga hành khách của sân bay Long Thành sẽ hoàn thiện phần xây dựng trước 31/12/2025 và bắt đầu lắp đặt thiết bị từ quý II/2025; hoàn thiện nghiệm thu, chạy thử toàn bộ các hệ thống trước tháng 6/2026.

Vĩ Mô 03/07/2025 07:50
Sun Group đề xuất làm đường ven sông và tuyến metro dài 40 km tại TP HCM

Tập đoàn Sun Group đề xuất được nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn dài hơn 40 km và tuyến metro đi qua khu vực Củ Chi (cũ), theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Vĩ Mô 03/07/2025 06:44
Gần 30.000 tỷ đồng chi trả cho người nghỉ việc do sắp xếp bộ máy

Kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được Quốc hội quyết định đầy đủ, không thiếu.

Vĩ Mô 03/07/2025 00:40
Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn: 'Nếu thoả thuận được thuế đối ứng 20% đã là thành công'

Theo chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, việc thoả thuận được mức thuế đối ứng 20% là một thành công và kể cả mức 40% cho transshipping cũng rất tích cực.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO