Vĩ Mô 28/10/2024 15:49

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 47% kế hoạch trong 10 tháng

Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân đầu tư công tính đến ngày 31/10 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” chiều ngày 28/10 do Thời báo Tài chính tổ chức, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân đầu tư công tính đến ngày 31/10 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (70,46%), Bộ Giao thông vận tải (67,42%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (64,63%), Hòa Bình (74,91%),Tiền Giang (74,43%), Long An (74,1%),  Nghệ An (69,56); An Giang (66,15%).

Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước, ... Đặc biệt, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ); giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (5,01%), Đại học quốc gia Hà Nội (9%), Bộ Ngoại giao (10,03%), …

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như TP. HCM (19,63%), Phú Yên (24,63%), Kon Tum (27,45%), Quảng Ngãi (27,98%) 

Cùng với đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung 9 tháng của cả nước (47,1% so với số giải ngân 9 tháng của cả nước là 45,27%), nhưng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Nhiều khó khăn chưa giải quyết dứt điểm

Là bộ ngành có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 10, Bộ GTVT giải ngân ước đạt 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án (QLDA), Bộ GTVT dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.

Tuy vậy, ông Dũng cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến mục tiêu này như trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án. 

Ngoài ra, nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; và thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo. Đặc biệt, thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng đã dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng thường trải qua thời gian dài, các pháp luật có điều chỉnh, việc chuyển tiếp qua các thời kỳ gây nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, quy định về trình tự, thủ tục, quy trình xây dựng, giao, điều chỉnh kế hoạch trung hạn mất nhiều thời gian thường mất hai năm để phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch, phê dự án, chỉ còn ba năm để thực hiện đầu tư, dẫn đến chậm triển khai dự án.

"Một việc, một vấn đề nhưng phải “soi chiếu” nhiều luật, nhiều quy trình, thủ tục dẫn tới khi thực hiện còn lúng túng, tâm lý “sợ sai” vẫn còn ảnh hưởng rất lớn khi giải quyết công việc", ông Nam nêu rõ.

Nhìn nhận những khó khăn này, ông Đức cho biết, những điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện.

Tuy vậy, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như vướng mắc về cơ chế chính sách; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu;  vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA,...

Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, ông Đức cho biết Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024. 

Thứ nhất, công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, CTMQG gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án.

Thứ hai, chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao.

Thứ ba, kho bạc nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương.

"Qua đó, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án", ông Đức kỳ vọng.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10 như: Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý sử dụng tài sản công,...

"Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật dựa trên nguyên tắc: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc, đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công", đại diện Bộ Tài chính nêu rõ.

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 28/10/2024 16:35
Quốc gia sở hữu 5/20 quỹ đầu tư FDI lớn nhất thế giới muốn hỗ trợ Việt Nam làm trung tâm tài chính

Bộ trưởng Bộ Đầu tư UAE Mohammed Bin Hassan Al Suwaidi khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng.

Vĩ Mô 28/10/2024 15:26
Thủ tướng đề nghị UAE tạo điều kiện nhập khẩu nông thuỷ sản, rau quả tươi của Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị UAE tạo điều kiện nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến…

Vĩ Mô 28/10/2024 14:00
Phân công Phó Bí thư Thường trực điều hành Tỉnh uỷ Nghệ An

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An vừa được phân công điều hành công việc của Tỉnh uỷ đến khi kiện toàn chức danh Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vĩ Mô 28/10/2024 06:38
Vì sao đường sắt tốc độ cao không kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Đường sắt tốc độ cao chi phí lớn, phù hợp nhu cầu đi lại ở cự ly dài và theo quy hoạch đã có sự kết nối với đường sắt liên vùng tới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cà Mau.