Kinh tế Quốc tế 06/04/2025 14:53

Giữa lúc các nước xôn xao vì thuế quan của Mỹ, một quốc gia hưởng lợi bất ngờ nhờ Trung Quốc

Các động thái thuế quan của Mỹ và Trung Quốc có thể tạo điều kiện để các nhà xuất khẩu Brazil gia tăng thị phần tại cả hai nước.

Đậu nành nhập từ Brazil tại một công ty chế biến ở Trung Quốc. (Ảnh: AFP). 

Lợi cả đôi đường 

Giữa một cuộc chiến thuế quan nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, Brazil có thể trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi hiếm hoi nhờ vào những lợi thế riêng biệt.

Các khách hàng Trung Quốc đang dự trữ đậu nành Brazil trong bối cảnh Bắc Kinh đáp trả thuế quan của Washington bằng thuế đánh vào các nhà sản xuất nông nghiệp của Mỹ. Các doanh nghiệp Brazil, vốn đang cung ứng đủ loại mặt hàng từ gà cho đến cotton, đang đặt cược rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ lên cao.

Kể từ đầu năm đến hết phiên 1/4, chỉ số chứng khoán chính của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin đã tăng 9%. Trái lại, chỉ số S&P 500 mất 4,2% trong cùng giai đoạn.

Mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Brazil đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây. Brazil sở hữu nguồn cung dồi dào những nguyên liệu thô mà một quốc gia đông dân như Trung Quốc cần, bao gồm dầu thô, quặng sắt và thịt bò. Trung Quốc thì có vốn, còn Brazil cần tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó, Brazil nhận thấy họ có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và những nước đang và sắp chịu đòn thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Brazil là nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới ngoài châu Á. Hiệp hội thương mại của nước này hy vọng họ thể bán thêm giày sang Mỹ thay cho các sản phẩm Trung Quốc.

Với chính sách thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố vào ngày 2/4, Brazil cũng chịu ảnh hưởng vì bị áp thuế tối thiểu 10%. Nhưng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn (cụ thể là 34%), do đó các sản phẩm Brazil có lợi thế tương đối.

Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng Mỹ có thặng dư thương mại với Brazil trong nhiều năm qua, do đó quốc gia Mỹ Latin này có thể được bảo vệ phần nào khỏi thuế quan.

Ông André Perfeito, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn APCE có trụ sở tại São Paulo, nhận xét: “Ông Trump đang sắp xếp lại thương mại toàn cầu, nhờ đó những cơ hội mới đang được mở ra”.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tuần trước đã tới thăm Nhật Bản, gặp gỡ Thủ tướng Shigeru Ishiba và nhất trí về các biện pháp để tạo điều kiện cho thịt bò Brazil xuất sang Nhật Bản.

Theo một thỏa thuận năm 2019, Nhật Bản đang nhập khẩu khoảng 40% thịt bò từ Mỹ. Giới phân tích nhận xét thỏa thuận này có nguy cơ bị hủy bỏ sau khi ông Trump thông báo thuế quan đánh vào ô tô.

 

Giới doanh nhân và đầu tư kỳ vọng giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Brazil sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ căng thẳng thương mại toàn cầu, chủ yếu nhờ nhu cầu gia tăng của Trung Quốc.

Khi đó, Trung Quốc đã tăng cường mua đậu nành, ngũ cốc và thịt bò từ Mỹ Latin để trả đũa các biện pháp thương mại của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết nông dân nước này thiệt hại gần 26 tỷ USD trong hai năm 2018 và 2019 vì mất cơ hội xuất khẩu nông sản.

Kể từ khi vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vào năm 2009, Trung Quốc đã đầu tư hơn 70 tỷ USD vào quốc gia Mỹ Latin, thu hút thiện cảm của cả giới chính trị gia lẫn các lãnh đạo doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát khoảng 10% nguồn cung điện của Brazil, xây dựng nhiều cảng biển, đường xá và hàng trăm km đường tàu ở nước này.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Tổng thống Lula da Silva coi việc xây dựng mối quan hệ Trung Quốc là ưu tiên quan trọng. Ông đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Brazil vào tháng 11 năm ngoái.

 

Lo lắng của Mỹ

Từ trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, các nhà chế biến Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ đậu nành của Brazil, mua gần hết khối lượng họ cần cho ba tháng đầu năm. Mức chênh lệch giữa giá người mua sẵn sàng trả với giá bán tiêu chuẩn tăng khoảng 70% vào tháng trước, sau khi Trung Quốc công bố thuế quan 10% lên đậu nành Mỹ.

Ông Ricardo Santin,  Giám đốc Hiệp hội Protein Động vật Brazil (ABPA), cho biết xuất khẩu gà và trứng của nước này đã tăng lần lượt 9% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Bắc Kinh cũng áp thuế quan 15% lên gà của Mỹ để trả đũa thuế quan của ông Trump.

Việc Brazil và Trung Quốc củng cố quan hệ thương mại có thể gây ra mối quan ngại cho Washington. Giới chức Mỹ từ trước đã nói rằng họ nhận thấy mối đe dọa về kinh tế và quân sự từ sự hiện diện sâu sắc của Trung Quốc tại Mỹ Latin.

Tại Brazil, công ty nhà nước Trung Quốc đang xây dựng một phần tuyến đường sắt Fiol, kết nối vành đai nông nghiệp ở khu trung tâm với các cảng ở miền đông và miền bắc. Ông Renan Filho, Bộ trưởng Bộ Vận tải Brazil, nhận xét: “Trung Quốc có cả kinh nghiệm quốc tế lẫn năng lực đầu tư”.

Cùng lúc đó, một số doanh nghiệp Brazil đang kỳ vọng có thể mở rộng hoạt động tại Mỹ. Trung Quốc là nhà xuất khẩu giày lớn cho Mỹ, nhưng thuế quan của ông Trump có thể bóp nghẹt dòng chảy của mặt hàng này. Các nhà sản xuất Brazil nhận thấy cơ hội cho mặt hàng này, bởi nước họ có nguồn cung da dồi dào nhờ ngành nông nghiệp mạnh mẽ.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 07/04/2025 14:11
'Bóng ma' suy thoái rình rập: Mỹ có gánh nổi hệ quả chính sách?

Trong tuần qua, giá trị cổ phiếu chu kỳ toàn cầu kém hơn cổ phiếu phòng thủ toàn cầu khoảng 8 điểm phần trăm - khoảng cách lớn nhất kể từ khi bắt đầu lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Kinh tế Quốc tế 07/04/2025 11:39
Những toan tính của Nhà Trắng - Bài 1: Chiến lược đồng USD yếu

Đồng USD được cho là luôn bị định giá cao hơn thực tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ

Kinh tế Quốc tế 07/04/2025 09:04
Ông Trump không muốn cổ phiếu lao dốc nhưng 'đôi khi phải uống thuốc để chữa bệnh'

Trong chia sẻ gần nhất, Tổng thống Trump cho biết ông không cố ý gây ra đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán nhưng lưu ý sẽ không nhượng bộ nếu chưa giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 07/04/2025 07:51
Hơn 50 quốc gia liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán

Ngày 6/4, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett cho biết hơn 50 nước đã liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán thương mại.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO