Kinh doanh & Thị trường 01/04/2025 10:09

Gọi vốn fintech Việt chạm đáy, MoMo sắp có lãi

Cả năm 2024, fintech Việt gọi vốn chưa tới 1 triệu USD - thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 474 triệu USD năm 2021, theo những số liệu công bố công khai.

Cuộc cách mạng thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 50% trong năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh hơn trong năm 2024.

Trước đây, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại và mã QR, người tiêu dùng có thể dễ dàng thanh toán hầu hết các khoản chi tiêu hàng ngày.

Việc thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến, đặc biệt là với VietQR – nền tảng thuộc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các ví điện tử như MoMo và ZaloPay, buộc họ phải thay đổi để giữ chân người dùng.

Trong lúc các nguồn vốn đầu tư vào công nghệ đang gặp khó khăn, các công ty fintech cũng phải thích nghi với những quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn.

Dữ liệu từ Tech in Asia cho thấy các công ty fintech Việt Nam chỉ huy động được chưa tới 1 triệu USD trong năm 2024. Con số này quá nhỏ so với mức 474 triệu USD vào năm 2021. Trên thực tế, số tiền gọi vốn có thể cao hơn do một số thương vụ không công bố chi tiết.

Thanh toán không tiền mặt qua mã QR ngày càng phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính. Việc Airwallex mua lại CTIN Pay là một ví dụ. CTIN Pay sở hữu giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Điều này giúp Airwallex có thể mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ngoài việc mua lại, nhiều công ty fintech đang chọn cách mở rộng danh mục dịch vụ để tăng sức cạnh tranh.

Khi thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến, cả MoMo và ZaloPay đã giới thiệu mã QR “đa năng” vào năm ngoái. Mã này cho phép người dùng VietQR thanh toán tại các điểm chấp nhận liên kết, kể cả khi không sử dụng hai ví điện tử trên.

Dù vậy, các công ty này vẫn đang cố gắng vượt qua cái bóng ví điện tử đơn thuần. Họ theo đuổi chiến lược siêu ứng dụng, với hy vọng người dùng sẽ ở lại để mua bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, đầu tư hay giao dịch cổ phiếu. 

Trong năm 2024, cả MoMo và ZaloPay đều thay đổi nhận diện thương hiệu. Họ định vị mình là siêu ứng dụng tài chính ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tại sự kiện Saigon Summit do Tech in Asia tổ chức vào tháng 5 năm ngoái, ông Nguyễn Mạnh Tường - CEO MoMo, cho biết ông không xem VietQR là đối thủ. Ông nói xu hướng dùng mã QR thực ra khiến người dùng gắn bó với ứng dụng nhiều hơn. Chiến lược mới của MoMo đang cho thấy hiệu quả. Công ty này đang tiến gần tới mốc lợi nhuận.

CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường. (Ảnh: MoMo).

Kỳ lân công nghệ VNLife cũng đang phát triển tốt. Dịch vụ VNPay của công ty ghi nhận doanh thu vượt 1 tỷ USD trong cả năm 2022 và 2023. Khác với MoMo, VNPay không tập trung vào người dùng cá nhân. Thay vào đó, họ cung cấp hạ tầng thanh toán và giải pháp mã QR cho doanh nghiệp.

Một cái tên đáng chú ý khác là F88. Dù ít được nhắc tới, công ty này vẫn đang trên đà tiến tới IPO trong nước. Năm 2024, F88 đạt lợi nhuận sau thuế 13,7 triệu USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

F88 được thành lập vào năm 2013. Ban đầu, công ty hoạt động như một tiệm cầm đồ, yêu cầu tài sản thế chấp khi cho vay. Sau đó, F88 mở rộng sang các dịch vụ như cho vay theo đăng ký xe, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, thanh toán hóa đơn, nạp tiền ví điện tử và dịch vụ tiền di động.

Ông Niraan De Silva, CEO của VNLife, nhận xét rằng các công ty fintech tại Việt Nam hiện nay quan tâm hơn đến việc tuân thủ quy định. Theo ông, thay vì tìm cách “lách luật” một cách khéo léo, các doanh nghiệp đang nghiêm túc hơn trong việc thực hiện đúng yêu cầu pháp lý.

Ông cũng cho biết thêm, các biện pháp tuân thủ bao gồm việc đảm bảo đối tác kinh doanh có đầy đủ giấy phép, không liên quan đến hoạt động bất hợp pháp và đã đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Ông De Silva cho rằng bảo mật dữ liệu sẽ là trọng tâm của các công ty fintech tại Việt Nam trong thời gian tới. Khi các doanh nghiệp này xử lý lượng lớn dữ liệu từ người dùng và đối tác, ông De Silva nhấn mạnh rằng đầu tư vào an ninh mạng là điều không thể thiếu.

Các cơ quan chức năng cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến dữ liệu trong lĩnh vực fintech. Gần đây, Việt Nam đã thành lập một hiệp hội dữ liệu quốc gia. 

Theo ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO kiêm đồng sáng lập Fundiin – một startup cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, sáng kiến này sẽ giúp tập hợp dữ liệu định danh và tài chính từ các cơ quan nhà nước và tập đoàn lớn. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các công ty fintech, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang từng bước quản lý lĩnh vực tiền mã hóa, một phần còn khá tự do trong hệ sinh thái fintech. Điều này là dễ hiểu, vì tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa ở Việt Nam rất cao. Ông Cường nhân đến từ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và thiếu kênh đầu tư truyền thống.

Một khung pháp lý cho nền tảng giao dịch thử nghiệm tiền mã hóa dự kiến sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng này. Cùng lúc đó, các quy định tổng thể về tài sản số cũng đang được xây dựng.

Ông Cris D. Tran, Giám đốc khu vực mảng Web3 của nền tảng game The Sandbox, cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước có nhu cầu ứng dụng công nghệ blockchain và tiền mã hóa vào hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại vì chưa rõ hành lang pháp lý. Theo ông, các quy định mới sẽ giúp thị trường rõ ràng và minh bạch hơn.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 19:57
Bình Thuận sẽ đấu thầu hơn 600 ha đất làm 6 dự án

6 khu đất tổng diện tích 614 ha đã được tỉnh Bình Thuận đưa vào danh mục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm nay và 2026.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 19:27
Giao dịch mua bán đất đai ở TP HCM tăng

3 tháng đầu năm, hồ sơ mua bán nhà đất ở TP HCM tăng 16%, giúp số thu từ nguồn này đạt trên 2.200 tỷ đồng.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 19:18
Kết quả Vietlott Mega 6/45 ngày 2/4/2025: Jackpot hơn 13,7 tỷ đồng vô chủ

Cập nhật nhanh kết quả quay số Vietlott Mega 6/45 hôm nay (2/4/2025), giải thưởng lớn jackpot giá trị hơn 13,7 tỷ đồng không tìm thấy được chủ nhân may mắn trúng giải.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 15:38
Keppel Land có thể thu 102 triệu USD sau thoái vốn dự án Palm City

Keppel Land dự kiến thu về 2.612 tỷ đồng (khoảng 102 triệu USD) sau khi thoái toàn bộ 42% cổ phần tại Công ty Nam Rạch Chiếc, chủ dự án Palm City tại TP HCM.