Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố chiều 11/12 Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết ngày mai các đại biểu sẽ xem xét thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.
Sau khi nghị quyết được thông qua, thành phố sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân vùng LEZ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Cụ thể, Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phương tiện để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.
Thành phố chọn địa bàn hai quận trung tâm là Ba Đình và Hoàn Kiếm để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025, từ năm 2031 trở đi sẽ áp dụng rộng rãi trên địa bàn hầu hết các quận.
Hiện Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ để thí điểm vùng phát thải thấp vì các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào các ngày cuối tuần. Quận Ba Đình mới được chọn bổ sung triển khai vùng phát thải thấp từ năm 2025 nên chưa có thông tin cụ thể khu vực sẽ tổ chức thí điểm.
Nghị quyết vùng phát thải thấp sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh để cải thiện chất lượng không khí. Cụ thể, các loại xe tải nặng chạy dầu diesel sẽ bị cấm lưu thông hoàn toàn; ôtô không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và xe máy không đạt tiêu chuẩn Euro 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm vào một số khu vực hoặc thời điểm nhất định.
Để khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, thành phố sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đổi xe cũ lấy xe mới, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng phí và lệ phí đối với các phương tiện gây ô nhiễm cũng sẽ được xem xét để giảm thiểu lượng khí thải.
Việc hỗ trợ kiểm định khí thải xe máy và chuyển đổi phương tiện xe máy gây ô nhiễm đã được thành phố Hà Nội thực hiện năm 2021, khi Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức đo kiểm cho hơn 5.000 xe máy. Kết quả đo kiểm cho thấy trên 50% không đạt mức khí thải cho phép. Một số đại lý xe máy trên địa bàn thành phố tham gia chương trình đổi môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước 2002), nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe 2-4 triệu đồng.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.
TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố hiện có 1,1 triệu ôtô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá nguy cơ đề xuất ứng phó phù hợp với dịch bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại Congo.
Theo Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 24.117 tỷ đồng, tăng gần 6.300 tỷ đồng so với chủ trương của Quốc hội.
Hơn 182 triệu vốn FDI vào Đà Nẵng trong tháng 11 đã nâng tổng vốn FDI mà thành phố thu hút được trong năm nay lên 213 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đó, địa phương chỉ thu hút được 33 triệu USD trong 10 tháng, giảm tới 81,7% so với cùng kỳ.