Theo Báo Chính phủ, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện nay của các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dự kiến tăng khoảng 4.080 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 59 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự án cần bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao giao với đường tỉnh 991 tại dự án thành phần 3 với tổng số tiền là 1.581 tỷ đồng; cập nhật chi phí xây dựng; bổ sung một số cầu trong nút giao, hệ thống trạm thu phí, trạm cân kiểm soát tải trọng xe... với số tiền 619 tỷ đồng.
Như vậy, tổng mức đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 6.280 tỷ đồng so với chủ trương của Quốc hội, từ 17.837 tỷ đồng lên 24.117 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ về việc tăng chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư tại dự án thành phần 1 và thành phần 2 để có cơ sở hoàn thiện công tác thẩm định nội bộ và hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km.
Tuyến đường được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 100 km/h, mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 - 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Báo cáo về tình hình triển khai dự án, Bộ GTVT cho biết, hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng tại dự án thành phần 1 và thành phần 2 vẫn chưa đảm bảo để triển khai thi công đồng loạt.
Cụ thể, dự án thành phần 1 mới bàn giao được khoảng 67% mặt bằng, các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng chưa triển khai xây dựng; dự án thành phần 2 bàn giao được khoảng 93,43%, các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.
Ngoài ra, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai vẫn còn chậm, việc di dời, hoàn trả sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục, đặc biệt là các công trình đường điện trên 35 kV, đường ống cấp nước đường kính trên 500 cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, đặc biệt là hai khu tái định cư trên địa bàn TP Biên Hòa.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cần tập trung ưu tiên bàn giao trước các vị trí cơ bản đã đủ thủ tục pháp lý, các vị trí xử lý nền đất yếu, cầu vượt, cống, hầm chui để các nhà thầu tổ chức triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền cho người dân... để có thể sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho năm 2025.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá nguy cơ đề xuất ứng phó phù hợp với dịch bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại Congo.
Theo Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.
Hơn 182 triệu vốn FDI vào Đà Nẵng trong tháng 11 đã nâng tổng vốn FDI mà thành phố thu hút được trong năm nay lên 213 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đó, địa phương chỉ thu hút được 33 triệu USD trong 10 tháng, giảm tới 81,7% so với cùng kỳ.