CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với 99 tỷ doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó nguồn thu từ bán trái cây đạt 67 tỷ, tăng 62% so với cùng kỳ. Còn doanh thu bán mủ cao su ghi nhận tăng 20% lên 31 tỷ. Trong kỳ, công ty gần như không còn ghi nhận khoản thu từ bán vật tư nông nghiệp như cùng kỳ.
Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025.
Một tín hiệu khả quan của HAGL Agrico là công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận khoản lãi gộp 34 tỷ đồng sau 15 quý liên tiếp báo lỗ. Riêng lợi nhuận gộp từ bán trái cây đạt 20,5 tỷ còn mủ cao su là hơn 13 tỷ.
Khoản chi phí lãi vay lên tới 99 tỷ cùng chủ yếu từ các khoản vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu phải ghi nhận. Ngoài ra, trong kỳ khoản chi phí khấu hao tài sản ngưng sử dụng (vườn cây không khai thác và các tài sản không hiệu quả) hơn 21 tỷ.
Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 84 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 47 tỷ cùng kỳ và nâng tổng lỗ luỹ kế tính tới 31/3 lên 9.469 tỷ.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I.
Năm nay, HAGL Agrico dự kiến lỗ tiếp 854 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi sẽ có lãi 55 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 103 tỷ); phần lỗ chủ yếu do chi phí hủy vườn cây ăn trái để chuyển đổi (597 tỷ), khấu hao vườn cây (229 tỷ) và khấu hao nhà xưởng/hạ tầng (83 tỷ).
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc khi nào thoát lỗ, Chủ tịch Trần Bá Dương chia sẻ: "Lỗ năm 2025 phần lớn đến từ chuyển đổi vườn cây và khấu hao. Đây là gánh nặng bởi nó không phải tài sản thực sự, gánh nặng này khoảng trên 200 triệu/ha, thì đến bao giờ mới bù được và hết lỗ.
Công ty phải cố gắng phải làm chuẩn trên từng ha chuối, phải đạt năng suất 55 tấn/ha và hướng đến 70 tấn/ha, giảm chi phí chăm sóc.
2026 sẽ có khoảng 3.000 ha chuối, nếu làm thật tốt và tăng diện tích thì có hiệu quả. Tuy nhiên về mặt hợp nhất, do chi phí hủy bỏ vườn cây rất lớn, cứ bình quân 200 triệu/ha nên vẫn lỗ. Khi chuối trên 200 triệu/ha và diện tích nhiều hơn mới bù được.
Vườn chuối năm nay tốt đó nhưng các năm tới còn tốt nữa không, cái gì là căn bản để làm bền vững, tôi cũng đang cố gắng nhưng không thể báo cáo 2026 sẽ làm được cái gì. Tôi hy vọng có thể bù đắp được chi phí bỏ vườn cây, bởi bản chất nhiều vườn cây chết rồi nên phải bỏ để chuyển đổi", người đứng đầu công ty thẳng thắn giải đáp.
Tính tới hết năm 2024, HAGL Agrico sở hữu 35.757 ha trồng chuối, xoài, bưởi, cao su và chăn nuôi bò ở Lào và Campuchia.
Năm nay, công ty đề ra mục tiêu doanh thu thuần 1.088 tỷ đồng, trong đó mảng trái cây đóng góp 595 tỷ đồng (chủ yếu từ chuối), cao su dự kiến thu về 444 tỷ đồng, bò nuôi thịt 45 tỷ và còn lại đến từ hoạt động khác.
Công ty dự kiến trồng mới 2.026 ha chuối, diện tích thu hoạch 1.117 ha với sản lượng 34.838 tấn. Doanh thu loại này là 555 tỷ và có lợi nhuận 182 tỷ đồng.
Diện tích khai thác mủ cao su 5.538 ha với sản lượng 9.683 tấn; doanh thu 444 tỷ và lợi nhuận 183 tỷ đồng. Công ty sẽ chuyển đổi 3.832 ha cao su sang trồng chuối và chăn nuôi bò kết hợp trồng bưởi.
Tổng số trại chăn nuôi bò là 18 đơn vị (gồm 15 trại bò sinh sản và 3 trại bò đẻ). Tổng số đàn 16.744 con, sản lượng bán bò nuôi thịt 1.460 con với doanh thu 45 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối kỳ đạt 17.395 tỷ. Ngoài tài sản cố định thì tài sản của HAGL Agrico nằm chủ yếu ở chi phí xây dựng cơ bản, chủ yếu là phí phát triển vườn cây ăn trái, cao su và một phần là dự án nuôi bò, nhà xưởng và nhà văn phòng nông trường.
Tổng dư nợ vay tính tới hết quý I là 10.129 tỷ, một phần từ ngân hàng (885 tỷ) còn chủ yếu là nợ công ty mẹ Thaco Agri.
Công ty chỉ còn hơn 3 tỷ tiền mặt tại ngày 31/3 trong khi đầu năm có gần 70 tỷ đồng. Vốn lưu động âm hơn 12.180 tỷ, vốn chủ sở hữu còn 1.560 tỷ đồng.
Tập đoàn này đã hoàn thành phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2, đưa hơn 20.000 tỷ đồng chi phí dở dang thành tài sản trên bảng cân đối kế toán trong quý đầu năm.
Trong quý I/2025, doanh thu mảng khu công nghiệp của IDICO đạt 589 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận ba tháng đầu năm của Vinamilk giảm tới 29% so với cùng kỳ trong bối cảnh doanh thu thị trường nội địa đóng góp tới 77% vào cơ cấu doanh thu ghi nhận sự suy giảm hai con số.
Theo dữ liệu của Wichart, tính tới đêm ngày 30/4 đã có hơn 950 doanh nghiệp trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý I.