Hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình mới đây đã hoàn tất lấy ý kiến đại diện hộ gia đình về Đề án hợp nhất tỉnh với tỷ lệ đồng thuận cao. Cụ thể, theo tổng hợp của Sở Nội vụ Hưng Yên, toàn tỉnh có 97,37% số cử tri đại diện hộ gia đình bỏ phiếu tán thành. Trong khi đó, tại Thái Bình, 97,73% cử tri đại diện hộ gia đình đã đồng ý với đề án.
Theo phương án sắp xếp, tỉnh Hưng Yên mới sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của cả hai địa phương, gồm tỉnh Hưng Yên với diện tích 930,2 km2 và dân số hơn 1,4 triệu người; tỉnh Thái Bình với diện tích 1.584,61 km2 và dân số hơn 2 triệu người.
Sau sáp nhập, tỉnh mới có tổng diện tích 2.514,81 km2 và quy mô dân số lên tới hơn 3,5 triệu người. So với tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích đạt 72% và dân số đạt 255%.
Một góc TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Báo Hưng Yên).
Sau khi rà soát, nghiên cứu kỹ phương án sắp xếp, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã thống nhất đặt trụ sở Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Hưng Yên mới tại tỉnh Hưng Yên.
Theo lý giải, tỉnh Hưng Yên hiện nay có vị trí địa lý thuận lợi, nằm tại trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam. Điều này giúp kết nối giao thông thuận tiện và thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế.
Bên cạnh đó, Hưng Yên có hệ thống giao thông đa dạng, bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ và đường thủy. Một trong những dự án giao thông quan trọng đang được đầu tư xây dựng với kỳ vọng tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa Hưng Yên với Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận là tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, với tổng chiều dài đoạn qua địa bàn tỉnh là 19,3 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu đi qua TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là một trong những dự án được nghiên cứu đầu tư với mục tiêu tăng liên kết giữa Hưng Yên với Hà Nội.
Cùng với đó, các tuyến đường lớn đã và đang được đầu tư như Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39A, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên,… và sông Hồng cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc di chuyển và vận chuyển hàng hoá.
Ngoài ra, Hưng Yên cũng là tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong vào ngoài nước, đảm bảo cơ sở hạ tầng đầy đủ để tổ chức hoạt động chính quyền sau sắp xếp.
Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cùng những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của chính quyền địa phương, Hưng Yên đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư.
Theo báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hưng Yên ước tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 9 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 17/63 cả nước. Chi cục Thống kê Hưng Yên cho biết tính đến ngày 25/3, toàn tỉnh có 632 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 8,67 tỷ USD.
TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. (Ảnh minh hoạ).
Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 52 km, tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình rộng hơn 30.583 ha, được được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng, đô thị và dịch vụ ven biển lớn.
Vị trí của tỉnh Thái Bình còn thuận lợi cho việc kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua và tuyến đường bộ ven biển giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện và sân bay Cát Bi của Hải Phòng; sân bay Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái của Quảng Ninh và các tỉnh thành trong khu vực duyên hải Bắc Bộ.
Ngoài ra, khu vực ven biển của Thái Bình còn có lợi thế về nguồn năng lượng điện, than và khí đốt tự nhiên với trữ lượng lớn, có thể khai thác lâu dài, có thể kể đến như: mỏ khí đốt Tiền Hải, mỏ nước khoáng Tiền Hải, điểm quặng sét gạch ngói Kim Trung…
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định Thái Bình sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Hồng, với vai trò trung tâm phát triển kinh tế biển, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và dịch vụ logistics ven biển.
Đồng thời, theo quy hoạch tỉnh Thái Bình, nông nghiệp vẫn được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế. Tỉnh hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Thái Bình, quý I/2025, GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 16.827 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm 2024, xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,92%; khu vực dịch vụ chiếm 33,91%; thuế sản phẩm chiếm 5,93%.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình về Đề án hợp nhất hai tỉnh. (Ảnh: Báo Hưng Yên).
Phát biểu tại Hội nghị thảo luận về Đề án hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên - Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc hai tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên, nhấn mạnh việc sáp nhập tỉnh không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh mà còn định hướng mở ra không gian lớn hơn để phát triển trong tương lai, với những yếu tố tương đồng làm nền tảng phát triển.
Chia sẻ với báo chí, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, đánh giá việc sáp nhập tỉnh là cơ hội để hai địa phương phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó dẫn dắt sự phát triển của doanh nghiệp ở hai tỉnh.
“Ví dụ như trước đây, các doanh nghiệp tại Thái Bình chỉ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khi sáp nhập vào Hưng Yên, họ sẽ có thể mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể sẽ đón nhận thêm nhiều cơ hội như có thêm nhiều mặt hàng, khách hàng và ngành hàng có thể hợp tác với nhau”, ông Vẻ nói.
Với thế mạnh và tiềm năng phát triển của Hưng Yên và Thái Bình, việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ hình thành một tỉnh có quy mô kinh tế lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng, với sự kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển.
Đồng thời, sáp nhập tỉnh sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh về vị trí địa lý, quỹ đất phát triển gắn với lợi thế về kết nối liên vùng, giao thương nội địa và phát triển du lịch văn hoá, sinh thái, nông nghiệp.
Để thuận tiện cho khách đi các chuyến bay transit (nối chuyến), Tân Sơn Nhất bố trí tuyến buýt nội bộ miễn phí kết nối ga T3 mới khai thác đến T1 cũ, từ 1/5.
Con đường dài 32 km từ vùng biển Kim Sơn kết nối quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Nam được kỳ vọng tạo động lực phát triển cho tỉnh cũng như các vùng lân cận.
Nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2025, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động hơn 3.000 nhân sự và hơn 1.290 máy móc, thiết bị, triển khai thi công đồng loạt các hạng mục đào đắp nền đường, cầu vượt, hầm xuyên núi và cống thoát nước.
Cầu vượt cửa biển Thuận An dài nhất Bắc Trung Bộ nằm trong dự án đường ven biển giai đoạn 1 được hợp long ngày 30/4.