14/05/2025 08:08

Hai đường ngách tạo nên sự bứt phá của hai 'ông lớn' tư nhân Techcombank và VPBank

Bằng những chiến lược ngách rõ ràng, Techcombank và VPBank đã chuyển mình từ những ngân hàng quy mô nhỏ trở thành hai "ông lớn" tư nhân của ngành ngân hàng.

Khi cuộc đua trong ngành ngân hàng tư nhân ngày càng khốc liệt, Techcombank và VPBank đang nổi lên như hai đối thủ ngang tài ngang sức – không chỉ ở tham vọng mở rộng mà còn ở mô hình kinh doanh.

Nếu chỉ nhìn vào mặt ngoài có thể thấy ngân hàng nào cũng giống nhau, đều cho vay, nhận tiền gửi, có ứng dụng hiện đại nhưng để hiểu rõ được cách các ngân hàng đang vươn lên như thế nào, cần phải hiểu được mô hình kinh doanh của họ.

Hai chiến lược khác biệt tạo nên vị thế của Techcombank và VPBank

Chia sẻ tại Data Talk | The Catalyst ngày 13/5, ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, cho biết với các ngân hàng tư nhân sẽ chọn một ngách mà họ làm tốt nhất, thay vì dàn trải trên tất cả phân khúc, điều mà dễ khiến ngân hàng yếu ở mọi mặt.

Techcombank và VPBank đều đã có sự bứt phá bằng cách chọn chiến lược ngách rất rõ ràng từ những ngân hàng quy mô nhỏ trở thành nhóm ngân hàng tư nhân top đầu chỉ "xếp dưới" các ngân hàng Big4 ở một số mặt.

Techcombank tập trung vào phân khúc doanh nghiệp lớn và khách hàng cá nhân có thu nhập caoVPBank tập trung vào doanh nghiệp vừa, nhỏ và khách hàng đại chúng, thậm chí cả phân khúc dưới đại chúng.

Nguồn: WiData.

VPBank đi tiên phong phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập thấp, một phân khúc cực lớn nhưng rủi ro cao. Trong khi đó, Techcombank đi theo hướng ngược lại: chọn phân khúc cao cấp – nhỏ hơn về quy mô nhưng cũng thách thức riêng.

"Dĩ nhiên, việc tập trung như vậy cũng mang lại rủi ro. Với Techcombank, tập trung vào một nhóm khách hàng có thể vi phạm nguyên tắc đa dạng hóa danh mục. Với VPBank, tập trung vào phân khúc dưới kéo theo rủi ro tín nhiệm", ông Ân cho biết.

Vì vậy, theo chuyên gia để kiểm soát rủi ro mô hình, cả Techcombank và VPBank đều chọn đòn bẩy tài chính thấp hơn mặt bằng chung.Đây là điểm rất quan trọng khi phân tích hai ngân hàng này.

Cụ thể, đòn bẩy tài chính của Techcombank và VPBank rất khác biệt so với phần còn lại của thị trường, chỉ vào khoảng 6 - 7 lần, trong khi các ngân hàng như BIDV, VietinBank có thể lên tới 15 - 17 lần. 

Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ

Một trong những điểm chung nổi bật được các chuyên gia chia sẻ là chiến lược đầu tư lớn vào công nghệ.

Trong top 10 ngân hàng đầu tư mạnh cho công nghệ, Techcombank là cái tên nổi bật nhất. Dù quy mô tổng tài sản chỉ bằng một nửa Big4, nhưng chi phí đầu tư công nghệ của họ cao gấp đôi Big4. Nếu tính tỷ lệ chi phí công nghệ trên tổng tài sản, Techcombank cao gấp 4 lần các ngân hàng quốc doanh. 

Nguồn: WiData.

VPBank cũng được đánh giá là ngân hàng chuyển đổi số rất mạnh.

Tại sao Techcombank và VPBank lại đầu tư mạnh vào công nghệ? Bởi vì mô hình kinh doanh đòi hỏi điều đó.

Chuyên gia Lê Hoài Ân cho biết Techcombank phục vụ khách hàng cao cấp, cần hiểu rõ nhu cầu, quản lý dòng tiền của cả hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan. Còn VPBank phục vụ hàng chục triệu khách hàng đại chúng, mỗi khoản vay nhỏ, đòi hỏi công nghệ xử lý nhanh – từ KYC đến phê duyệt tự động.

"Công nghệ giúp hai ngân hàng này tạo được lợi thế cạnh tranh về hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng", ông Ân nói.

Xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng

Điểm thứ ba đáng chú ý được chuyên gia nhắc đến là cả hai ngân hàng này đều định hướng trở thành tập đoàn tài chính đa năng – xu hướng chung của ngành. Dưới mỗi ngân hàng sẽ có công ty con về chứng khoán, quỹ, bảo hiểm... 

Techcombank có hệ sinh thái TCBS, TCBF, TCBI trong khi VPBank có VPBankS, OPES, FE Credit.

Nguồn: WiData.

Theo ông Lê Hoài Ân, thông thường các mảng hỗ trợ đóng góp không nhiều vào lợi nhuận của ngân hàng mẹ, tuy nhiên điều này đang trở nên "ngoại lệ" với hai trường hợp Techcombank và VPBank.

Công ty chứng khoán TCBS đóng góp tới 20% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ (tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng trên tổng 20.000 tỷ lợi nhuận năm gần nhất). Trong khi đó, VPBank có công ty tài chính tiêu dùng FE Credit từng chiếm khoảng 25% lợi nhuận hợp nhất (công ty chứng khoán VPBankS mang lại lợi nhuận không đáng kể).

Hai công ty con này ảnh hưởng rất lớn đến định giá cổ phiếu ngân hàng mẹ. Khi phân tích Techcombank hay VPBank, nhà đầu tư thường phải đánh giá cả TCBS và FE Credit.

FE Credit từng phát triển mạnh trong giai đoạn 2015–2020, với mô hình cho vay tiền mặt trực tiếp – khác với các đối thủ như Home Credit (chủ yếu tài trợ mua sắm hàng hóa). Nhờ đó, họ có biên lợi nhuận rất cao – lãi suất cho vay trung bình lên tới 40%, trong khi chi phí vốn chỉ khoảng 10–11%. Năm 2021, FE Credit từng được định giá hơn 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau đó dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp. Nợ xấu tăng mạnh, dự phòng lớn, hoạt động sa sút. Giai đoạn 2022–2023, FE Credit chịu nhiều tổn thất. Đến năm 2024 mới bắt đầu hòa vốn và năm 2025 có dấu hiệu phục hồi.

"Do đó, triển vọng của VPBank hiện nay cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của FE Credit", chuyên gia Lê Hoài Ân đánh giá

Về TCBS, có một số điểm nổi bật là tăng thị phần rất nhanh, đặc biệt là ở mảng trái phiếu doanh nghiệp (bảo lãnh, phân phối); Có công ty quản lý quỹ TCBF vận hành hiệu quả, đóng góp tốt cho hệ sinh thái; TCBS đang lên kế hoạch IPO với định giá khoảng 5 tỷ USD – con số gây tranh cãi nhưng có lý do.

Trong khi thị trường chứng khoán biến động mạnh trong nhiều năm gần đây, TCBS vẫn âm thầm gia tăng thị phần. Họ cũng đầu tư công nghệ bài bản và có lợi thế đặc biệt: là công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ mạnh về vốn, giúp họ chiếm ưu thế ở mảng cho vay margin – điều mà các công ty chứng khoán độc lập rất ngại

Minh Nguyệt
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO