Kinh tế Quốc tế 14/05/2025 15:06

Trung Quốc có một ‘quả bom hẹn giờ’, khi phát nổ sẽ gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế

Nếu chính phủ Trung Quốc không thể tháo "kíp nổ", "quả bom hẹn giờ" này sẽ gây ra tác động tàn khốc cho nền kinh tế tỷ dân trong dài hạn.

Trong gần hai thập kỷ qua, cô Abby Gao đã tư vấn tiệc cưới cho biết bao cặp đôi Trung Quốc. Cô nhớ lại một cặp đôi từng đặt 58 chiếc siêu xe cho đoàn rước dâu, có cả Rolls-Royce và Lamborghini.

Có lần, cô đã lấp đầy một tiệc cưới bằng 35.000 bông hồng, một con số gây choáng. Gao cũng nhớ mình từng sắp xếp vô số chai rượu Moutai hảo hạng, với giá bán lẻ tương đương hàng trăm USD mỗi chai, ở giữa bàn tiệc của một cặp đôi khác.

Còn bây giờ, người phụ nữ 39 tuổi đã nhảy sang lĩnh vực tổ chức tiệc sinh nhật cho trẻ em, vì nhu cầu tiệc cưới đang giảm mạnh. Năm ngoái, công ty của Gao chỉ có khoảng 100 khách hàng tổ chức đám cưới, giảm mạnh so với mức đỉnh gần 2.000 vào năm 2012.

“Nhu cầu tụt dốc không phanh. Những người trẻ ngày nay đặt hạnh phúc của bản thân lên hàng đầu và do vậy không phải ai cũng muốn kết hôn”, cô chia sẻ với Bloomberg.

Người Trung Quốc từ chối hôn nhân

Số cuộc kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong phần lớn thập kỷ qua và vào năm ngoái lao dốc gần 21% xuống mức thấp kỷ lục, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đe doạ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, khoảng 6,1 triệu cặp đôi đã đăng ký kết hôn vào năm 2024. Đây là con số thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1986 và thấp hơn một nửa so với mức đỉnh vào năm 2013.

Xu hướng giảm tiếp tục nới dài sang quý đầu tiên của năm 2025. Theo nhà nhân khẩu học He Yafu, khoảng 30% những người trong độ tuổi 30 chưa kết hôn vào năm 2023, cao hơn tỷ lệ 15% vào một thập kỷ trước.

Kéo theo đó, quy mô ngành công nghiệp tiệc cưới của Trung Quốc cũng giảm từ mức đỉnh là 524 tỷ USD vào năm 2019 xuống dưới 400 tỷ USD, theo công ty tư vấn Daxue Consulting có trụ sở tại Thượng Hải.

Một thước đo rộng hơn, bao gồm các chi phí liên quan như tuần trăng mật và các lớp thể dục siết cân trước lễ cưới, cũng giảm xuống còn 2.000 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này thậm chí còn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch COVID-19.

 

Tại công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh, các bậc phụ huynh lo lắng đã đổ xô đến một phiên chợ mai mối để tìm vợ/chồng cho con cái họ. Phiên chợ được tổ chức 4 ngày một tuần.

Vào một buổi chiều Chủ nhật nọ, hàng rào và vỉa hè của công viên được trang trí bằng hàng trăm tờ giấy ép nhựa ghi chi tiết độ tuổi, chiều cao, cân nặng, thành tích học tập và mức lương hàng năm của những người độc thân đủ điều kiện.

Những mẫu quảng cáo tự làm này sẽ giúp những người bạn đời tương lai biết liệu cá nhân đó có sở hữu ô tô, nhà cửa hay hộ khẩu Bắc Kinh mà người khác thèm muốn hay không.

Một số tờ giấy còn bao gồm mô tả ngắn gọn về tính cách của người đó. Những tờ giấy khác nêu chi tiết đặc điểm mong muốn của một người bạn đời tương lai, chẳng hạn một mẩu giấy ghi “tính cách tốt, khoẻ mạnh, có tinh thần trách nhiệm”.

Tại phiên chợ mai mối có nhiều nữ giới được quảng cáo hơn nam giới. Đây có lẽ là dấu hiệu cho thấy nữ giới tại Trung Quốc phải chịu thêm áp lực tìm kiếm bạn đời khi vẫn còn ở độ tuổi 20.

Hầu hết các bậc phụ huynh chỉ để lại số điện thoại của mình cho những người quan tâm, trong khi một số khác đứng cạnh để có cơ hội gặp gỡ những người tiềm năng hoặc cha mẹ của họ nhằm trao đổi thêm thông tin và sắp xếp ngày hẹn gặp.

 

Triết lý “không kết hôn, không sinh con”

Bất chấp những nỗ lực khuyến khích của chính phủ, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc ủng hộ triết lý “không kết hôn, không sinh con”.

Xu hướng trên xảy ra một phần là do nền kinh tế sa sút, khiến công chúng Trung Quốc chán nản vì chi phí tổ chức đám cưới và kỳ vọng đi kèm về một ngôi nhà hoặc một khoản sính lễ cho gia đình cô dâu.

các thành phố lớn như Bắc Kinh, giá nhà đã tăng vượt quá khả năng của nhiều người. Giá một mét vuông căn hộ tại một khu vực có trường học tốt hiện cao hơn thu nhập trung bình hàng năm của không ít người.

Triển vọng công việc không chắc chắn cũng khiến hôn nhân nằm ngoài tầm với của nhiều người trẻ Trung Quốc. Cứ 6 người trong độ tuổi 16 - 24 không phải là sinh viên toàn thời gian thì có một người đang thất nghiệp.

“Tỷ lệ kết hôn của người Trung Quốc dường như đang trên đà giảm sâu”, nhà phân tích Ada Li của Bloomberg Intelligence cho hay.

“Những người trẻ trong độ tuổi kết hôn ngày càng không muốn kết hôn với lý do chi phí đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp cao, nền kinh tế trì trệ và sự hoài nghi với các mối quan hệ truyền thống ngày càng lớn dần”, bà giải thích.

Hai cặp cô dâu - chú rể mặc trang phục truyền thống Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Các yếu tố xã hội cũng tác động đến vấn đề kết hôn khi một số người trẻ từ chối văn hoá gia trưởng và quan điểm bảo thủ về vai trò truyền thống của người phụ nữ trong gia đình.

Trong một bài phát biểu năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh điều quan trọng đối với phụ nữ là phải trở thành “người vợ và người mẹ tốt”. Năm 2023, ông gọi phụ nữ là nhân tố quan trọng để thúc đẩy hôn nhân và sinh đẻ.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội, chủ đề ngại kết hôn thường xuyên rộ lên. Những người phụ nữ có trình độ học vấn cao và độc lập tài chính giải thích lý do tại sao họ không quan tâm đến hôn nhân.

Chẳng hạn, trên ứng dụng Xiaohongshu (phiên bản Instagram của Trung Quốc), một người có ảnh hưởng có tên Ling’er viết: “Tôi không muốn nấu ba bữa một ngày cho gia đình, dọn sách tất vớ ở góc nhà và đồ chơi rơi vãi khắp sàn”.

“Tôi không đến thế giới này để giặt giũ cho đàn ông, nấu ăn và sinh con. Tôi chỉ muốn lấp đầy cuộc sống của mình bằng hạnh phúc”, Ling’er bày tỏ.

Jin Tianchen, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng, từng chia sẻ với 2 triệu người theo dõi Xiaohongshu rằng cô sợ kết hôn sẽ khiến mình quên đi những giá trị của bản thân. Cô cũng không muốn vô tình chú ý nhiều hơn đến thu nhập của đối phương thay vì tính cách của họ.

“Nếu tôi coi hôn nhân là sứ mệnh của cuộc đời mình, tôi có thể sẽ phải thoả hiệp hoặc nhượng bộ hoặc thậm chí thay đổi chính bản thân mình”, Jin nói.

“Ý tưởng không kết hôn và không sinh con được củng cố bởi chủ nghĩa nữ quyền, đặc biệt là trên mạng xã hội”, Phó Giáo sư Pan Wang của Đại học New South Wales chia sẻ.

“Phụ nữ đã trở nên độc lập hơn về mặt tài chính và tinh thần, đồng thời sự phụ thuộc của phụ nữ vào đàn ông đã vơi đi, làm giảm nhu cầu kết hôn và xây dựng gia đình”, vị phó giáo sư giải thích sâu hơn.

Hậu quả nặng nề cho nền kinh tế

Ít người kết hôn hơn và dân số suy giảm sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc. Lực lượng lao động thu hẹp có thể dẫn đến chi phí lao động cao hơn và ảnh hưởng đến giá hàng hoá nói chung, trong khi hệ thống lương hưu thiếu vốn sẽ chịu thêm áp lực khi người dân già đi.

Tạp chí y khoa Lancet dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, nhưng sẽ mất danh hiệu đó vào năm 2098 khi dân số suy giảm và hạn chế đà tăng trưởng.

Vào năm 2024, Trung Quốc có thêm khoảng 9,54 triệu trẻ sơ sinh, tăng nhẹ so với năm 2023, một phần do năm Thìn được xem là năm may mắn để sinh con. Tuy nhiên, đây vẫn là số ca sinh thấp thứ hai kể từ năm 1949.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc, tức số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời, đạt khoảng 1,01 vào năm 2024, theo dự báo của Liên Hợp Quốc. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Để so sánh, tỷ suất sinh của Hàn Quốc là 0,73 và Nhật Bản là 1,22. Hàn Quốc là quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới trong nhiều năm liền và Nhật Bản đã phải vật lộn để đảo ngược tình trạng suy giảm dân số trong thời gian dài.

 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo lắng. Chủ tịch Tập đã kêu gọi giới chức đưa ra định hướng rõ ràng hơn để định hình quan điểm của người trẻ về hôn nhân, làm cha mẹ và xây dựng gia đình.

Cùng lúc đó, truyền thông nhà nước đang đề xuất các trường đại học nên giảng dạy về “giáo dục tình yêu” để giúp sinh viên thoát khỏi “những hiểu biết mơ hồ về các mối quan hệ tình cảm”.

Nỗ lực khuyến sinh của Trung Quốc thực sự bắt đầu sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 nhưng không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh. Chính phủ phải triển khai một chiến dịch nhằm khuyến khích các gia đình sinh ba con.

Các biện pháp khuyến sinh bao gồm trợ cấp và hỗ trợ tiền mặt từ chính quyền các tỉnh thành, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, nới lỏng điều kiện để tiến tới hôn nhân và khiến thủ tục ly hôn trở nên khó khăn hơn,...

Năm ngoái, Bắc Kinh đã đề xuất đơn giản hoá quy trình đăng ký kết hôn bằng cách giảm số lượng giấy tờ cần thiết.

Tại huyện Trường Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang, chính quyền địa phương đang treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 137 USD) cho các cặp đôi nếu cô dâu dưới 25 tuổi.

Tại làng Nam Lĩnh, tỉnh Quảng Đông, các cặp đôi mới cưới có thể nộp đơn xin tiền thưởng lên đến 40.000 nhân dân tệ nếu họ duy trì hôn nhân ít nhất một năm. Họ cũng đủ điều kiện nhận thưởng lên tới 60.000 nhân dân tệ nếu có ba con.

Đặc biệt, các quan chức đang cố gắng giải quyết một trong những trở ngại kinh tế chính đối với hôn nhân - sính lễ. Tại quốc gia tỷ dân, nhà gái có thể yêu cầu sính lễ lên đến hàng chục nghìn USD. Chính quyền địa phương đang khuyến khích các gia đình từ bỏ yêu cầu sính lễ hoặc đồng ý với số tiền hợp lý hơn.

 

Một số doanh nghiệp cũng đang cố gắng thực hiện phần việc của mình. Vào tháng 1, Shuntian Chemical Group, một công ty tư nhân có hơn 1.200 công nhân ở tỉnh Sơn Đông, thông báo với các nhân viên trong độ tuổi từ 28 đến 58 rằng họ sẽ bị sa thải trừ khi họ kết hôn trước tháng 9.

“Không đáp lại lời kêu gọi của chính phủ và không kết hôn sinh con là hành vi bất trung. Không nghe lời cha mẹ và khiến họ lo lắng là bất hiếu”, thông báo của Shuntian Chemical viết.

Công ty này đã phải rút lại yêu cầu sau khi chính quyền địa phương cho biết thông báo của họ vi phạm luật lao động của Trung Quốc.

Như đã đề cập, chính phủ Trung cũng đang cố gắng hạn chế tỷ lệ ly hôn. Từ năm 2021, các cặp đôi đồng ý ly hôn sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian hoà giải bắt buộc là 30 ngày.

Mặc dù số vụ ly hôn đã giảm so với mức đỉnh 4,7 triệu vào năm 2019, số liệu đã tăng trở lại mức 3,6 triệu vào năm 2023. Điều này, đáng buồn thay, lại mang đến những cơ hội kinh doanh mới cho người Trung Quốc.

Vào năm 2023, anh Liu Wei đã thành lập công ty để cung cấp dịch vụ cho các cặp đôi sẵn sàng trả tiền để huỷ kỷ vật cưới, bao gồm ảnh, váy, nhẫn và sổ lưu niệm.

Trong một dấu hiệu cho thấy những thách thức mà chính phủ phải đối mặt, Liu cho biết anh từng gặp những khách hàng đã ly hôn nhiều hơn một lần kể từ khi anh thành lập công ty cách đây hơn hai năm.

“Bây giờ mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ không còn bị ràng buộc bởi truyền thống nữa”, Liu kết luận trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 14/05/2025 15:33
Tổng thống Mỹ đặt thời hạn 30 ngày cho các nhà sản xuất thuốc giảm chi phí

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp toàn diện, đặt thời hạn 30 ngày cho các nhà sản xuất thuốc phải tự nguyện giảm chi phí thuốc theo toa tại Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 14/05/2025 10:38
Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh, lý do là gì?

Thỏa thuận mà Mỹ và Anh công bố tuần trước đi kèm với các điều khoản về an ninh chuỗi cung ứng có thể gây bất lợi cho Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 14/05/2025 07:41
Ông Trump mang 1.000 tỷ USD vốn đầu tư về Mỹ trong chuyến thăm Arab Saudi

Tổng thống Donald Trump thông báo ông đã thuyết phục Arab Saudi cam kết đầu tư 1.000 tỷ USD vào Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 14/05/2025 07:11
Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ tất cả cấm vận đối với Syria

Hôm 13/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ gỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Syria.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO