23/09/2024 08:59

Hai ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng trên 15% trong 8 tháng đầu năm

Trong khi tín dụng toàn ngành đang có những bước nhích chậm trong những tháng quý III, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng đã vượt hai chữ số, hai ngân hàng HDBank, LPBank tăng vượt mức 15%.

Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau tháng 7 giảm nhẹ, đến cuối tháng 8tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng 7,15% so với thời điểm đầu năm. Tính đến 16/9, con số đã đạt 7,26%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước 5,73% và thực hiện được một nửa kế hoạch đặt ra của cả năm 2024 toàn ngành.

Tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá rõ nét giữa các nhóm ngân hàng khi khối ngân hàng cổ phần tư nhân tăng mạnh hơn 8,48%, chiếm 45% thị phần, cao nhất toàn hệ thống. Trong đó nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng hai chữ số.

 

 

 

Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 15,97% (dư nợ tăng thêm là gần 44.000 tỷ đồng), con số công bố cao nhất toàn hệ thống tới thời điểm hiện tại.

Ngân hàng cho biết có được sự tăng trưởng này nhờ đẩy mạnh phát triển tín dụng bán lẻ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới 566 chi nhánh/ phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành. LPBank đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. 

Trong 8 tháng đầu năm 2024, LPBank đã giảm lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng, với mức giảm lên đến 3,5% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 100.000 tỷ đồng.

 Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) phát biểu tại Hội nghị.(Ảnh: LPBank).

Cũng tại sự kiện trên, Chủ tịch HDBank Kim Byoungho cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến nay đã đạt trên 15% so với đầu năm, quy mô dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức 1,74%. 

Để thúc đẩy tín dụng, Đại diện HDBank đề nghị NHNN xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực cung ứng vốn tốt trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành, tiếp tục rà soát tình hình trong quý IV.

HDBank cũng đề xuất tái triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20 nghìn tỷ đồng từng triển khai trong năm 2023, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), con số tăng trưởng tín dụng cũng ở mức cao so với toàn ngành, tính đến hết tháng 8 dư nợ tín dụng đạt khoảng 685.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,14% so với năm 2023, cuối quý II con số này là 9,4%.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB, cho biết phần lớn (47%) dư nợ tăng mới hay 32.700 tỷ đồng được phân bổ cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh (tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước). 

Ngoài ra, ông Thái cho biết ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1,45 điểm % so với năm 2023. Hiện nay, MB cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất là 6,94%/năm, so với năm 2023 là 7,88%.

Trong quý IV/2024, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế, Chủ tịch MB khẳng định.

Tại Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank),Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Giám đốcNguyễn Đức Thạch Diễm cho biết khoảng 67% dư nợ tăng thêm (tính đến 31/8) làcho vay sản xuất kinh doanh, tương ứng dư nợ gần 25.000 tỷ.Trong đó cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 165.000 tỷ, tăng 15.000 tỷ so đầu năm.

Cho vay lĩnh vực bất động sản của Sacombank đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ, tương đương 9,8%, trong đó có gần 50% dư nợ là cho vay tiêu dùng bất động sản (hơn 57.000 tỷ, tăng 6,2%).

Để tăng trưởng tín dụng, CEO Sacombank cho biết ngân hàngđã có nhiều giải pháp thúc đẩy nhưhy sinh một phần lợi nhuận quaquản trị chặt chẽ chi phí vốn, kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%.

Thực tế, lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9% và doanh nghiệp là 7%), bà Diễm cho biết.Doanh số giải ngân các gói cho vay ưu đãi lãi suất từ 3 - 6,5 %/năm đạt 130.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 33.000 lượt khách hàng. 

Giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng cũng là giải pháp mà Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ tại hội nghị với Thủ tướng chiều 21/9.  

 Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Trong quý II, VIB đã tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở, với lãi suất 5,9% - 6,9% - 7,9% cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng, song song với các chương trình kích thích tín dụng khác ở các mảng cho vay căn hộ, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.

Chủ tịch VIB cho biết mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.

Trước đó trong tháng 8, NHNN đã điều chỉnh chính sách cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho các ngân hàng. Theo đó, kể từ ngày 28/8, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động nới room dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN và các TCTD không cần phải đề nghị.

 

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá đây là giải pháp kịp thời đón đầu cho tăng trưởng vào cuối năm. Theo đánh giá của Chứng khoán VPBank (VPBankS), chính sách nới hạn mức của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần. Chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ cho ngân hàng. 

Chứng khoán MB (MBS), các ngân hàng có NIM cao hơn, chất lượng tài sản tốt hơn và tăng trưởng tín dụng cao trong lịch sử sẽđạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024.

Một số ngân hàng được MBS dự phóng tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024 như: HDBank (khoảng 24,7%); VPBank (24,4%); Techcombank (23,5%); MB (22,3%); ACB (20,8%).

 

 

 

 Nguồn: MBS.

 

H.T
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO