Ngày 28/4, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang để thành lập một tỉnh mới mang tên tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tuyên Quang hiện nay.
Tỉnh Tuyên Quang mới có quy mô diện tích gần 13.800 km2 và dân số trên 1,8 triệu người. Việc hợp nhất nhằm tổ chức bộ máy tinh gọn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh hai tỉnh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực.
Việc sáp nhập Tuyên Quang và Hà Giang được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của tỉnh mới trong đó sẽ mở rộng không gian kinh tế và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư lớn và triển khai các dự án có quy mô lớn.
Cùng với đó, việc hợp nhất cũng sẽ giúp tỉnh mới quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất của cả hai địa phương.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử của Tuyên Quang và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh Hà Giang sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn hơn, thu hút du khách và tăng nguồn thu cho tỉnh.
Hà Giang sở hữu vị trí chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với Trung Quốc và các tỉnh vùng Đông Bắc. Trong đó, với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên độc đáo như Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên Địa chất Toàn cầu, hệ thống sông suối và rừng nguyên sinh phong phú, Hà Giang có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Chính vì vậy, những năm gần đây, Hà Giang nổi lên là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, từ khi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO vinh danh (2010) và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận Di tích quốc gia (2012), Hà Giang liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch mạo hiểm, thu hút đông đảo du khách quốc tế.
Năm 2023, The New York Times đưa Hà Giang vào nhóm 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, ca tụng cung đường “Ha Giang Loop” ngoạn mục bậc nhất châu Á. Cùng năm, tỉnh được World Travel Awards xướng tên là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.(Ảnh: Bộ VH,TT&DL).
Cùng với lợi thế về du lịch, nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai và điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết, cam sành, dược liệu quý hiếm.
Tuy nhiên, Hà Giang cũng có không ít khó khăn, thách thức như: Địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, không gian phát triển hạn chế; nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp...
Theo công bố của Chi cục Thống kê tỉnh Hà, quý I, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 6,02% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 11/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Nằm ở vùng trung du miền núi phía Bắc, cách trung tâm Hà Nội 140km, Tuyên Quang sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành cùng tiềm năng du lịch phong phú với hơn 500 di tích lịch sử và 16 di sản văn hóa phi vật thể.
Tuyên Quang còn là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người.
Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, Tuyên Quang xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 4 sản phẩm đặc thù gồm: Du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh - lễ hội...
Khu du lịch sinh thái Na Hang, Tuyên Quang. (Ảnh: Bộ VH,TT&DL).
Bên cạnh đó, nhờ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao.
Toàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm OCOP được gắn 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà. Không ít sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Âu là những sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm thúc đẩy kết nối giữa các địa phương trong vùng, thu hút các nhà đầu tư, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang huy động nguồn lực, ưu tiên cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, với mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Điểm nhấn trong phát triển hệ thống giao thông kết nối ở Tuyên Quang là Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã thông xe vào cuối năm 2023 mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng tính cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng.
Tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh Tuyên, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội và tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng tháng 12/2025 có tổng chiều dài 105km với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Dự án nhằm kết nối tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang.
Hình thành trục kết nối nhanh, kết nối vùng từ Thủ đô Hà Nội qua Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc, góp phần đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh biên giới.
Theo công bố của Chi cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý I tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Hôm nay 4/5 - ngày nghỉ cuối cùng của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dự kiến là ngày cao điểm nhất sau nghỉ lễ tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế cho biết: Năm nay tiếp tục là năm thách thức đối với quản lý thuế, khi có biến động về chính sách thuế quan và bất ổn địa chính trị toàn cầu tác động tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, hiện tượng chuyển giá, né tránh nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.
Theo thông báo triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp sẽ được khai mạc vào ngày 5/5 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 28/6.
NHNN cho biết, thị trường vàng trong thời gian tới vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Vì vậy, cơ quan này đề nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.