Hàng nghìn hộ dân Quảng Ninh được giao mặt biển để nuôi thủy sản

Sau bão Yagi, hàng nghìn hộ dân ở huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên được giao mặt biển làm khu nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế.

Là nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất Quảng Ninh, khi bão Yagi đổ bộ, Vân Đồn có 1.200 cơ sở bị hư hỏng, 130 tàu bị chìm, hơn 32.000 tấn thủy sản sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, tổng thiệt hại khoảng 2.280 tỷ đồng.

Ngay sau bão, huyện Vân Đồn đã bàn giao cho khoảng 1.000 hộ có nhu cầu tái thiết sản xuất trên 6.000 ha mặt biển. Hiện toàn huyện đã có 50% số lồng bè nuôi cá được khôi phục và 300 ha hàu mới được xuống giống, ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch huyện, cho biết. Trong năm nay, huyện sẽ giao thêm 7.000 ha mặt nước biển cho các hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân khác.

"Quyết định giao mặt biển cũng giống như giao sổ đỏ trên đất liền, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng", anh Phạm Văn Thân, ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, người được giao 5.000 m2 cho biết.

Người nuôi thủy sản Vân Đồn thả phao nuôi hàu sau khi được bàn giao mặt nước. (Ảnh: Xuân Mai).

Giống như Vân Đồn, thị xã Quảng Yên đã giao khu nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ dân, mỗi hộ được giao 0,6 ha kèm theo vị trí, sơ đồ. Đến giữa tháng 11, Quảng Yên sẽ hoàn thành bàn giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân với 865 ha mặt nước thuộc khu vực cấp huyện quản lý.

Việc bàn giao mặt biển để nuôi trồng thủy sản là chủ trương được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch và thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn nhiều hộ nuôi trồng tự phát, làm cản trở luồng lạch, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan quản lý khó kiểm soát. Các hộ nuôi trồng không theo quy hoạch cũng sẽ không được vay vốn sản xuất, không được đền bù khi gặp rủi ro thiên tai.

Vì thế, sau bão Yagi, các huyện thị ven biển Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, bàn giao mặt nước cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch hơn 45.240 ha vùng biển của 9 đơn vị cấp huyện dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Ngành thủy sản đóng góp 50% trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng hành, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi; đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới... đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão.

Lê Tân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá tiêu hôm nay 22/10: Đồng loạt tăng, Tây Nguyên trở lại mốc 145.000 đồng/kg

Thị trường ngày mới, giá tiêu hôm nay 22/10 dao động ở mức 144.000 – 145.000 đồng/kg, tăng 500 – 1.000 đồng/kg. Trong nửa đầu tháng 10, giá xuất khẩu bình quân tiêu đã vượt 6.500 USD/tấn, mức cao nhất đạt được trong gần 8 năm qua.

Giá heo hơi hôm nay 22/10: Đồng loạt đi xuống

Giá heo hơi đồng loạt điều chỉnh giảm trên diện rộng trong phiên sáng nay. Đặc biệt, một số địa phương đã ghi nhận mức giao dịch 60.000 đồng/kg.

Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường tín chỉ carbon

Tại Việt Nam khái niệm thị trường tín chỉ carbon vẫn còn mới mẻ, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh để doanh nghiệp có cơ sở tham gia tích cực hơn.

Trung Quốc mất 'ngôi vương' tiêu thụ thép toàn cầu

Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo, lần đầu tiên trong sáu năm, tỷ trọng tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 50% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm 2024.