Kinh tế Quốc tế 07/02/2025 18:43

Hệ luỵ khi nhà đầu tư đánh giá quá thấp rủi ro từ thuế quan của ông Trump

Đối với các nhà đầu tư coi cuộc chiến thương mại mới của Tổng thống Donald Trump thực chất chỉ là lời đe doạ chứ không gây thiệt hại nặng nề, niềm tin của họ cho đến nay đã đúng. Song, Wall Street Journal cho rằng đây có thể là một vấn đề.

Mexico và Canada đạt được thoả thuận vào phút chót với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Vào giữa buổi sáng ngày 3/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum thông báo Mỹ đã đồng ý hoãn áp thuế quan 25% lên hàng hoá nhập khẩu từ nước này thêm một tháng.

Sau đó, khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada cũng đạt được thoả thuận tương tự. Cả hai nước đều đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới và trấn áp nạn buôn ma tuý fentanyl.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi lệnh hoãn áp thuế quan được công bố, đợt bán tháo hồi đầu tuần cũng không nghiêm trọng. Và khi thông báo được phát đi, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan đã phục hồi.

Những diễn biến này là một lời xác nhận cho những người lạc quan trên Phố Wall rằng lời đe doạ áp thuế của ông Trump đối với các nước (không bao gồm Trung Quốc) chỉ là chiến thuật đàm phán để đổi lấy sự nhượng bộ về những vấn đề như nhập cư bất hợp pháp và buôn ma tuý.

Đây là xu hướng chính đang diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu. Bằng chứng là peso Mexico không suy yếu so với các đồng tiền ngang hàng kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hay chỉ số Stoxx Europe 600 vẫn tăng 5,6% kể từ đầu năm bất chấp việc ông Trump doạ áp thuế hàng hoá từ Liên minh châu Âu.

Quả thực, phong cách đàm phán của ông Trump thường dựa trên sức nặng ban đầu của lời đe doạ. Tháng trước, Colombia đã đồng ý tiếp nhận các máy bay quân sự chở người nhập cư hồi hương để tránh bị áp thuế quan và trừng phạt kinh tế. Và lần này kịch bản tương tự có thể sẽ diễn ra.

Song, Wall Street Journal cho rằng thật nguy hiểm khi tin tưởng một cách mù quáng rằng mọi việc sẽ luôn diễn ra như vậy.

Không nên mù quáng

Bây giờ, rõ ràng là các chính sách bảo hộ của ông Trump cực đoan hơn rất nhiều so với trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Trước đây, ông Trump tập trung vào các hoạt động thương mại không công bằng và an ninh quốc gia. Thuế quan chủ yếu được áp dụng lên Trung Quốc và tập trung vào một số hàng hoá trong những lĩnh vực nhất định như thép, nhôm và đồ gia dụng.

Bên cạnh đó, thuế quan cũng được áp dụng từ từ, tạo thời gian cho doanh nghiệp thích nghi. Quả thực, sản lượng công nghiệp toàn cầu chịu áp lực vào năm 2019, nhưng trước đó đã nhận được cú hích nhỏ vào năm 2018 khi doanh nghiệp tích trữ hàng tồn kho.

 

 

Lần này, nếu các quốc gia mục tiêu từ chối nhượng bộ, thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump có thể đột nhiên trở thành mức thuế quan cao nhất kể từ cuối những năm 1930.

Ngoài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước và thúc đẩy lạm phát đi lên, thuế quan còn có thể làm chệch hướng chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể gây ra những tác động khó lường ra sao.

Tệ hơn nữa, rủi ro có vẻ càng tăng cao hơn khi Mỹ nhắm đến những nước đồng minh lâu năm chứ không chỉ đối phó với những quốc gia như Trung Quốc. Không rõ các nhà lãnh đạo tại những nước đồng minh đó được người dân cho phép nhượng bộ đến mức nào, Wall Street Journal viết.

Hãy lấy Canada làm ví dụ. Mặc dù đang chìm trong khủng hoảng chính trị, Canada đã phản ứng với mối đe doạ thuế quan bằng sự đoàn kết. Ngay cả Thủ hiến Ontario Doug Ford, người trước đây được coi là ủng hộ quan điểm của ông Trump, cũng đồng lòng.

Ông Ford cam kết sẽ loại bỏ rượu do Mỹ sản xuất khỏi các kệ hàng ở Ontario và huỷ bỏ hợp đồng internet tốc độ cao mới ký với công ty Starlink của tỷ phú Elon Musk, đồng minh thân cận hiện tại của ông Trump.

Bất kể kết quả cuối cùng của chính sách thuế quan ra sao, các nhà sản xuất Mỹ có khả năng sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội kéo dài từ người tiêu dùng ở những quốc gia bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, kinh nghiệm của Anh hậu Brexit cho thấy rủi ro gián đoạn khó lường và những cuộc đàm phán kéo dài có thể khiến các công ty duy trì thế phòng thủ, gây áp lực lên hoạt động đầu tư kinh doanh.

Kết quả sẽ khác nếu thuế quan mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Khác với những nhận định thường thấy trong sách giáo khoa, Mỹ quả thực có thể gặt hái quả ngọt, Wall Street Journal lưu ý.

Việc chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng tiên tiến trở về quê nhà có thể thúc đẩy năng suất trong nước nếu chính sách được triển khai một cách có chọn lọc và chính phủ vẫn hỗ trợ cho các công ty định hướng xuất khẩu.

Có nhiều nghiên cứu kinh tế cho thấy chiến lược “thúc đẩy xuất khẩu” kiểu này có thể thành công, như cách các quốc gia đang phát triển châu Á từng áp dụng vào thế kỷ 20. Bản thân Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều nhất trí rằng việc bảo vệ tuyệt đối các lĩnh vực công nghiệp khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài, như Mỹ Latin từng áp dụng vào thập niên 1950 và 1960, là không hiệu quả.

Wall Street Journal nhấn mạnh kế hoạch áp thuế mới của ông Trump không có mục tiêu kinh tế cụ thể nào, mà chỉ được thiết kế để gây sốc. Một số mức thuế quan, chẳng hạn như đối với các hàng hoá trung gian như chất bán dẫn, thậm chí có thể gây tổn hại nhiều hơn cho các ngành công nghiệp Mỹ.

Và cuối cùng, bằng cách quá thờ ơ với mối nguy thuế quan, các nhà đầu tư đã làm tăng khả năng chính quyền ông Trump mạnh tay hơn bao giờ hết. Họ đang khiến Washington tự tin rằng thị trường không hề phát tín hiệu về một kết cục bi thảm (đối với doanh nghiệp và giá cổ phiếu).

Trong bối cảnh chỉ số S&P 500 giao dịch ở mức gấp 22 lần thu nhập dự phóng, sự thay đổi từ chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” sang “Thuế quan trước tiên” là điều nhà đầu tư cần phải rất cảnh giác, Wall Street Journal kết luận.

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 07/02/2025 20:36
Mỹ chỉ tạo thêm 143.000 việc làm trong tháng 1 nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4%

Báo cáo việc làm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức đưa ra những số liệu trái chiều.

Kinh tế Quốc tế 07/02/2025 17:12
Mỹ: Chính sách quản lý lãi suất mới có thể bỏ qua vai trò của Fed

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đang vạch ra lộ trình mới quản lý lãi suất, có thể tác động trực tiếp đến chi phí vay dài hạn và có khả năng bỏ qua vai trò truyền thống của Fed.

Kinh tế Quốc tế 07/02/2025 16:23
Chính phủ Mỹ 'đóng băng' hàng loạt dự án trên toàn quốc

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng các khoản tài trợ của chính phủ liên bang cho các tiểu bang và cộng đồng địa phương, một phần trong nỗ lực cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang.

Kinh tế Quốc tế 07/02/2025 10:52
Huyền thoại Warren Buffett chê bitcoin là ‘thuốc chuột’ nhưng vẫn đầu tư vào?

Tỷ phú Warren Buffett từng nhiều lần chỉ trích tiền ảo nói chung, có lần ông so sánh bitcoin như "thuốc chuột".