Một địa điểm sản xuất muối hồng trên hồ Sasyk-Sivash gần Yevpatoria, tháng 9/2023. (Ảnh: AFP).
Theo CNBC, thoả thuận tài nguyên giữa Mỹ và Ukraine sẽ mở đường cho các hình thức hợp tác "đổi khoáng sản lấy an ninh" trong tương lai.
Thỏa thuận khoáng sản được ký kết vào đầu tháng 5 đặt mục tiêu tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy công cuộc tái thiết Ukraine và biến quốc gia này thành nhà cung cấp các khoáng sản quan trọng về mặt chiến lược cho Mỹ.
Từ lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn tiếp cận nguồn tài nguyên của Ukraine. Thỏa thuận thành hiện thực sau những tháng đàm phán căng thẳng giữa hai nước và diễn ra ba năm sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.
Ông Ro Dhawan, CEO Hội đồng Quốc tế về Khai khoáng và Kim loại (ICMM), dự đoán sau Mỹ và Ukraine, thế giới sẽ chứng kiến thêm nhiều thỏa thuận có sự gắn kết chặt chẽ giữa khoáng sản và địa chính trị. ICMM là tổ chức thương mại đại diện cho khoảng một phần ba ngành khai khoáng toàn cầu, theo CNBC.
Vị CEO chia sẻ: “Tôi nghĩ rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến thêm những trường hợp Mỹ liên lạc với các quốc gia giàu tài nguyên để lập thỏa thuận theo dạng ‘đổi khoáng sản lấy an ninh’. Mỹ có thể nói: ‘Hãy cung cấp khoáng sản và tôi sẽ đảm bảo an ninh cho các vị’, hoặc Mỹ có thể trao đổi bằng những hình thức thỏa thuận thương mại khác”.
Ví dụ, ông Dhawan “hoàn toàn có thể tưởng tượng" viễn cảnh Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia có trữ lượng cobalt lớn nhất thế giới - ký kết một thỏa thuận trong tương lai gần.
Ngoài ra, ông nhận thấy tài nguyên thiên nhiên cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc “làm tan băng” mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nam Phi, hoặc giữa Mỹ và Canada.
Ông nói thêm: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, trong đó khoáng sản trở thành một phần của các cuộc đàm phán toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến màn dạo đầu là những gì diễn ra giữa Mỹ và Ukraine. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy thêm nhiều bước ngoặt khi xu hướng này dần định hình”.
Khoáng sản thiết yếu là nhóm nguyên liệu quan trọng cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, bao gồm những kim loại như đồng, nickel, lithium, cobalt và đất hiếm. Đa số chịu rủi ro cao về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu, chiếm khoảng 60% sản lượng khoáng sản và đất hiếm toàn cầu. Giới chức Mỹ từng cảnh báo đây sẽ là thách thức mang tính chiến lược trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Bà Heidi Crebo-Rediker, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Địa kinh tế thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh đã biến khoáng sản thiết yếu thành trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.
Bà nhận xét trữ lượng đất hiếm và khoáng sản thiết yếu dồi dào của Ukraine có tiềm năng “tạo ra chuỗi cung ứng an toàn cho rất nhiều khoáng sản cần thiết với Mỹ”.
Ông Timony Puko, quản lý cấp cao tại hãng tư vấn Eurasia Group, thì cảm thấy “hoài nghi” về khả năng hình thành một làn sóng các thỏa thuận song phương theo kiểu “đổi tài nguyên lấy an ninh”.
Ông đánh giá: “Hẳn nhiên lối suy nghĩ đó không phải là không có cơ sở. Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine. Và có vẻ như Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đang rất cố gắng theo đuổi một thỏa thuận kiểu Ukraine với Mỹ.
Quốc gia ở châu Phi này có trữ lượng đồng và cobalt dồi dào, trong khi đó chính phủ đang phải đối đầu với nhóm phiến quân M23”.
Nhưng ngoài Ukraine và Cộng hòa Dân chủ Congo, ông Puko thấy hầu như không có nước nào muốn lập thỏa thuận như vậy.
Vị chuyên gia nói Canada, Australia và những quốc gia giàu tài nguyên ở Mỹ Latinh đều có rất ít khả năng sẽ theo đuổi thỏa thuận "đổi khoáng sản lấy an ninh" với Mỹ, bởi họ muốn bảo vệ tiềm năng kinh doanh khoáng sản trong tương lai.
Ông đánh giá: “Xu hướng chủ đạo hiện nay là chủ nghĩa dân tộc tài nguyên và nó trái ngược với các thỏa thuận ‘đổi khoáng sản lấy an ninh’”.
Chính sách thuế quan và những lời kêu gọi sáp nhập Canada vào Mỹ của ông Trump đã khiến mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Bắc Mỹ trở nên căng thẳng.
Bà Heather Exner-Pirot, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Viện Macdonald - Laurier ở Ottawa, cho biết Canada không cần thỏa thuận đổi khoáng sản lấy an ninh từ Mỹ.
Bà nói: “Điều chúng ta cần là ổn định mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Hiện tại, sự không chắc chắn là rào cản lớn nhất trong việc đưa hoạt động sản xuất và chế biến khoáng sản về Mỹ để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong thị trường khoáng sản toàn cầu”.
Bà Exner-Pirot lưu ý Mỹ và Canada đã phát triển những mối liên kết bền chặt với nhau trong 150 năm qua. Canada là nhà cung cấp khoáng sản lớn nhất với Mỹ, ngược lại Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu khoáng sản lớn nhất của Canada.
Ông Trump tiết lộ thông tin này trong khuôn khổ chuyến công tác đến Qatar.
Tổng thống Trump mong muốn Apple đưa dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Mỹ thay vì mang sang Ấn Độ.
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ công bố thoả thuận thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ đe dọa sẽ áp thuế quan trả đũa mức thuế 25% mà ông Trump đánh vào nhôm thép nhập khẩu từ nước này.
Thoả thuận bán máy bay mới có thể đem lại cú hích cho Boeing sau nhiều năm ngụp lặn trong bê bối và thua lỗ.