Sau chiến thắng áp đảo trước đối thủ Kamala Harris, ông Donald Trump đã tiến sát cánh cổng Nhà Trắng. Không lâu nữa, ông sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ đời thứ 47.
Màn trở lại của nhà lãnh đạo 78 tuổi hiện đã chắc chắn, nhưng chiến lược của vị tổng thống vừa mới đắc cử với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán trước.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ đầu tiên cùng những lời hứa của ông Trump trên đường tranh cử có thể cung cấp một vài manh mối về cách tiếp cận tiềm năng của chính quyền mới với châu Á.
Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một thoả thuận thương mại có sự tham gia của nhiều quốc gia châu Á. Khi đó, các nhà phân tích nhận định ông Trump không thích chủ nghĩa đa phương.
Với tư cách tổng thống Mỹ, ông Trump cũng không thường xuyên xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực. Nếu có mặt, ông thỉnh thoảng lại tấn công các quốc gia thành viên của các tổ chức quốc tế, cáo buộc họ lợi dụng quan hệ thương mại với Washington.
Đến năm 2018, ông Trump phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc. Kết quả, Mỹ đã tiến hành áp thuế lên tổng cộng 380 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ đất nước tỷ dân.
Chính quyền người kế nhiệm Joe Biden giữ nguyên chính sách thương mại của ông Trump và gần đây vừa áp thêm thuế quan lên thép, xe điện, kim loại quý và chất bán dẫn từ Trung Quốc.
Giờ đây, ông Trump đe doạ sẽ áp thuế quan từ 60% trở lên đối với hàng hoá Trung Quốc. Chủ nhân Nhà Trắng tương lai cũng liên tục đề cập đến mức thuế quan chung lên đến 20% cho hàng nhập khẩu từ tất cả các thị trường khác.
Ông Trump coi thuế quan như một công cụ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Để chính sách thêm hiệu quả, nhiều khả năng ông sẽ sử dụng kết hợp thuế quan với cắt giảm thuế suất doanh nghiệp nhằm lôi kéo các công ty xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Các nền kinh tế châu Á từng hưởng lợi đáng kể trong cuộc chiến thương mại trước đó khi doanh nghiệp bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các trung tâm sản xuất mới để tránh thuế quan của Mỹ.
Lần này, có khả năng các nền kinh tế đó sẽ chịu ảnh hưởng khi ông Trump tái xuất. Một số cái tên mà giới chuyên gia đề cập đến thời gian qua là Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.
Chưa kể, từ trước khi thương chiến giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới nổ ra, các nền kinh tế trong khu vực vốn đã là thị trường xuất khẩu lớn và có mức thặng dư thương mại hàng hoá khổng lồ với Mỹ.
Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tính chung 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ, đạt hơn 185 tỷ USD.
Việt Nam xếp vị trí thứ ba (ngay sau Mexico) với mức thặng dư 77,6 tỷ USD. Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt xếp hạng 6, 7 và 8 với thặng dư thương mại gần 50 tỷ USD.
Nền kinh tế đang lên Ấn Độ cũng chịu rủi ro cao do vai trò ngày càng lớn trong hoạt động thương mại với Mỹ. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera vào ngày bầu cử tổng thống Mỹ, nhà kinh tế Nick Marro của Economist Intelligence Unit cho biết Washington có thể thực hiện một số động thái chính sách theo hướng “bảo hộ hơn”.
“Điều đó không tốt cho châu Á vì hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, nếu không muốn nói là tất cả, đều phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu bên ngoài, cụ thể là nhu cầu từ Mỹ”, ông cảnh báo.
Theo Hinrich Foundation (tổ chức từ thiện tập trung vào thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững), 10 quốc gia thành viên của khối ASEAN hiện có tỷ lệ thương mại trên GDP là 90%, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Số liệu từ Viện Brookings chỉ ra tỷ lệ thương mại trên GDP của khu vực Đông Á mới nổi thậm chí còn cao hơn - lên đến 105%. Đông Á mới nổi bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc.
Ông Marro nói thêm rằng trong kịch bản các công ty Trung Quốc tăng cường dịch chuyển sang Đông Nam Á để tránh mức thuế quan cao hơn, ông Trump cũng có thể mạnh tay hơn với hàng xuất khẩu từ các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
Trong kịch bản căng thẳng leo thang hơn nữa, châu Á có khả năng sẽ áp đặt thuế quan của riêng mình để chống lại tình trạng bán phá giá của các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ.
Lo ngại trên quả thực có cơ sở. Hồi tháng 1 năm nay, Malaysia đã quyết định áp thuế quan 10% đối với một số hàng hoá giá trị thấp từ Trung Quốc. Đến tháng 10, Indonesia tuyên bố cấm nền tảng thương mại điện tử siêu rẻ Temu của Trung Quốc nhằm mục đích bảo vệ các công ty trong nước.
Trong một phân tích mới, hãng tư vấn Oxford Economics nhận thấy thuế quan của ông Trump sẽ khiến khu vực châu Á (không bao gồm Trung Quốc) trở thành “kẻ thua cuộc thảm hại”.
Theo đó, lượng hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu từ khu vực này dự kiến sẽ giảm 3% và lượng hàng hoá mà Mỹ xuất khẩu sang đây có nguy cơ sụt 8%.
Tốc độ tăng trưởng GDP vài năm tới của các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng, phân tích của Economist Intelligence Unit chỉ ra.
Biểu đồ bên dưới cho thấy Ấn Độ là nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ít chịu tác động nhất khi ước tính GDP giai đoạn 2025 - 2026 hầu như không biến động trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trái lại, 4 nền kinh tế Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Việt Nam đều được dự đoán sẽ sụt giảm sản lượng kinh tế. Trong đó, Economist Intelligence Unite ước tính GDP của Việt Nam có thể giảm 0,8%.
Các mối quan hệ đối tác thương mại đa phương trong khu vực cũng có thể sẽ đối mặt với rủi ro. Năm ngoái, ông Trump tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ phá bỏ Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ và 13 quốc gia khác, trong đó đa phần là châu Á.
Theo Tiến sĩ Adrian Ang của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, ông Trump “tin rằng Mỹ có thể tận dụng tốt hơn sức mạnh và quy mô của mình bằng cách thúc đẩy các mối quan hệ song phương”.
Vì vậy, vị tổng thống đắc cử không muốn “bị trói buộc” bởi các thoả thuận đa phương, ông Ang nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time.
Mặc dù khả năng Mỹ rút khỏi các thoả thuận đa phương có thể khiến các nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng, ông Ang nói chính phủ thế giới đã “chuẩn bị tốt hơn” và “kiên cường hơn” trước một Washington “bảo hộ hơn”.
Ví dụ, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã thay thế vai trò dẫn dắt. Từ đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ra đời vào cuối năm 2018, trở thành tiêu chuẩn cho các thoả thuận thương mại tự do về sau.
Đồng yen Nhật giảm xuống dưới mức 155 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024, làm tăng khả năng Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm chậm đà mất giá của đồng tiền này.
Đồng USD đang tăng mạnh cùng với những lo ngại về chính sách áp thuế mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, khiến các nhà chiến lược tiền tệ tin rằng đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng.
Lạm phát tại Mỹ đã bật tăng mạnh vào tháng 10, dù số liệu khá tương thích với kỳ vọng của Phố Wall.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu leo thang, chính phủ các nước sử dụng lệnh trừng phạt thường xuyên hơn và một số nước bắt đầu thảo luận về việc phi đô la hoá, nhu cầu thu mua vàng đang gia tăng.