Năm 2024, dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế TP HCM đã về đích với mức tăng trưởng khá đạt 7,17%. Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của UBND TP HCM, ngày 26/12.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực thông tin: Kinh tế Thành phố năm 2024 tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP cả năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 7,5 - 8%);
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó ngành khai khoáng tăng 28,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%. Riêng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1.206.261 tỷ đồng, tăng 10,7%. Bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so năm 2023. Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (75%) trong kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Năm 2024 cũng ghi nhận mức thu ngân sách kỷ lục của TP HCM đạt hơn 508.000 tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán được giao, tăng hơn 13,3% so với năm 2023; trong đó, thu nội địa chuyển biến tích cực nhất, đạt 356.840 tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán và tăng 17,6% so cùng kỳ; thu từ xuất nhập khẩu đạt 129.600 tỷ đồng, tăng 6,96% so cùng kỳ.
Về đầu tư công, năm 2024, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 79.263,77 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.686,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,216 tỷ đồng. Thành phố phấn đấu đến hết tháng 12/2024 giải ngân đạt là 60.944 tỷ đồng, đạt 76,9%; đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) giải ngân được 64.528 tỷ đồng, đạt 81,4% tổng vốn được giao.
Theo ông Dương Ngọc Hải, thành phố đã triển khai, quán triệt nhiều giải pháp trọng tâm và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Tuy nhiên, việc giải ngân cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khách quan như sự thay đổi của một số pháp luật liên quan như Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP; một số dự án phụ thuộc tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành trung ương…
Bên cạnh đó, kinh tế TP HCM cũng tồn tại một số hạn chế. Mức tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong năm 2024 đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 52.500 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới ước đạt 400.000 tỷ đồng, giảm 1,2% về số lượng, giảm 16,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn đăng ký bổ sung khoảng 340.000 tỷ đồng, giảm 39,7% so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung năm 2024 ước đạt 740.000 tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong năm 2024, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ.
Tiến độ triển khai các dự án thuộc Đề án Đô thị thông minh còn một số hạn chế, đặc biệt các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp cao; công tác chuyển đổi số còn gặp một số vướng mắc.
Năm 2025 được UBND thành phố xác định là năm quan trọng quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; cùng lúc phải hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. TP HCM đặt chủ đề “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh- hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc tồn đọng của Thành phố”.
TP HCM đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 10%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trên 60%; kinh tế số đóng góp khoảng 25%. Về cải cách thủ tục hành chính, thành phố phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2025 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các khó khăn do hạ tầng quá tải, thiếu nguồn lực được khắc phục một phần nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra. Do vậy, để đạt được tăng trưởng hai con số là một thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân. Theo tính toán, năm 2025, TP HCM cần huy động khoảng 450.000 – 500.000 tỷ đồng; trong đó, các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước là 350.000 – 400.000 tỷ đồng.
“Thành phố cần tập trung thúc đẩy và kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên, nhà đầu tư chiến lược vào các dự án như cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn…
Song song đó, thành phố cần chủ động chuẩn bị cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án trong danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024 -2025; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15; chủ động chuẩn bị, thực hiện quy trình thủ tục thu hút đầu tư phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) các khu vực dọc tuyến Metro1, Metro 2, Vành đai 3…”, ông Đinh Khắc Huy đề xuất.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng vừa thống nhất đề xuất giữ lại Sở Du lịch, còn tỉnh Quảng Bình dự kiến ngừng hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 14 hội từ năm 2026.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang được giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thành phố sẽ nghiên cứu thu phí ôtô vào khu trung tâm sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác 7 tuyến metro vào khoảng năm 2035.
Theo đại diện Sở LĐ-TBXH TP HCM, người lao động có nhu cầu tìm việc nên liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm thông tin tuyển dụng lao động và lựa chọn công việc phù hợp.