15/05/2025 10:22

Lãi từ kinh doanh ngoại hối phân hoá mạnh: Hai ngân hàng tăng ba chữ số

Sau ba tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối có sự phân hoá mạnh. Tính chung toàn ngành ghi nhận sụt giảm nhưng tại nhiều ngân hàng lại tăng trưởng hai thậm chí ba chữ số

Trong bối cảnh tỷ giá VND/USD liên tục biến động trong quý I/2025, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại Việt Nam ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Trong khi một số nhà băng tận dụng tốt diễn biến thị trường để thu lãi lớn, nhiều ngân hàng lại sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Theo thống kê từ 27 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố số liệu, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 6.942 tỷ đồng, sụt giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó có 12 nhà băng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, hai ngân hàng ghi nhận lỗ từ mảng kinh doanh ngoại hối. 

Sau 3 tháng đầu năm 2025, “ông lớn” Vietcombank là điểm sáng hiếm hoi trong nhóm Big4 (không tính Agribank do chưa công bố báo cáo tài chính) ghi nhận lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng dương. 

Nhờ lợi thế đặc thù trong lĩnh vực ngoại thương của mình, Vietcombank đã thu về khoản lãi 2.024 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, chiếm gần 30% tổng lãi thuần ngoại hối toàn hệ thống. Ngược lại, các thành viên khác trong nhóm Big4 lại ghi nhận xu hướng trái ngược: VietinBank giảm 32%, BIDV giảm tới 41%, đưa mức lãi thuần về lần lượt 913 và 864 tỷ đồng.

Việc suy giảm mạnh tại các nhà băng lớn cho thấy sự cạnh tranh trong mảng ngoại hối ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh thị trường tỷ giá có nhiều đợt điều chỉnh nhanh và mạnh.

 

Diễn biến trái chiều

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, bức tranh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cho thấy sự phân hóa rõ nét. MB đứng thứ 4 toàn ngành, chỉ sau các Big4, mang về 538 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, đạt mức tăng trưởng 17%.

Đáng chú ý, ACB gây ấn tượng với mức tăng 104%, đạt 476 tỷ đồng – cao thứ 5 toàn hệ thống. Trong khi đó, Eximbank là cái tên nổi bật trong nhóm nhỏ với mức tăng tới 140%, cùng với ABBank, NCB, BVBank và Kienlongbank lần lượt tăng 24%, 38%, 74% và 91%.

Ngược lại, không ít nhà băng ghi nhận kết quả kém khả quan, đơn cử như VPBank, VIB cùng giảm đến 61%, VietABank giảm tới 60%, MSB giảm 57% và SeABank mất hơn một nửa lãi thuần so với cùng kỳ.

Đối với Bac A Bank mặc dù có cải thiện, tuy nhiên mảng kinh doanh ngoại hối vẫn lỗ trong kỳ này. Riêng OCB giảm sâu tới 94%, chỉ còn 7 tỷ đồng – mức sụt giảm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm các ngân hàng vẫn có lãi. Thậm chí có ngân hàng chuyển sang trạng thái thua lỗ, như TPBank từ lãi 83 tỷ đồng sang âm 17 tỷ trong quý I năm nay.

 Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I TPBank

Thuyết minh báo cáo của TPBank cho biết, trong ba tháng thu nhập từ mảng này chỉ gần 81 tỷ đồng, giảm 74,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ các công cụ tài chính phái sinh giảm từ 316 tỷ đồng xuống còn gần 81 tỷ đồng, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng giảm từ 1.213 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, chi phí lại giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giảm chi phí công cụ tài chính phái sinh tiền tệ, giúp thu hẹp khoản lỗ trong mảng này. 

Sự phân hóa này phản ánh rõ chiến lược khác nhau giữa các nhà băng trong khai thác mảng ngoại hối, cũng như mức độ chịu tác động từ biến động tỷ giá, chênh lệch giao dịch và rủi ro từ các nghiệp vụ phái sinh.

Kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào biến động tỷ giá

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, hoạt động kinh doanh ngoại hối có hai nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Mảng này phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá USD và các ngoại tệ khác trong nước.

Ba tháng đầu năm, tỷ giá VND/USD chịu tác động của sự giao thoa giữa áp lực toàn cầu (chính sách thuế quan, biến động chỉ số DXY, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các yếu tố nội địa (nhu cầu nhập khẩu, dòng vốn FDI, can thiệp của NHNN).

Trong giai đoạn này, tỷ giá giao dịch bán trên thị trường tự do vẫn có xu hướng dao động trong khoảng 25.700 - 25.860 VND/USD. Diễn biến nổi bật nhất đối với tỷ giá USD/VND là việc NHNN liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm đồng thời thay đổi giá mua-bán USD tại Sở giao dịch. 

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố tại ngày 31/3 ở mốc 24.837 VND/USD, tiếp tục xu hướng tăng chủ đạo, tăng 477 đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khoảng một tuần cuối tháng 3, nhà điều hành đã lần đầu tiên nâng giá bán USD tham khảo lên mốc 26.000 VND/USD (ngày 21/3) rồi liên tục tăng dần qua các phiên. So với đầu năm, giá bán tham khảo USD đã tăng thêm gần 560 đồng, tương đương mức tăng 2%.

Động thái này cho thấy tín hiệu về việc NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

  PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Hạ An). 

Trong bối cảnh môi trường vĩ mô đang từng bước phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành ngân hàng cũng chịu tác động gián tiếp khi hoạt động thương mại chững lại, ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, thanh toán quốc tế và dòng tiền ngoại tệ.

Trao đổi với người viết, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho biết tỷ giá cũng sẽ là một yếu tố có thể tạo động đến hệ thống ngân hàng.Theo chuyên gia, tỷ giá biến động vừa là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội nếu ngân hàng hiểu rõ thị trường và có công cụ phòng vệ tốt.

"Trên thực tế, trong những giai đoạn chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao, nhiều ngân hàng đã tận dụng cơ hội đầu tư vào tỷ giá, qua đó ghi nhận lợi nhuận khá cao từ mảng kinh doanh này. Vì thế, nếu biết nắm bắt thời cơ, thì đôi khi sẽ mang lại doanh thu cho ngân hàng", ông cho hay. 

Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động quá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, có thể chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt để ổn định vĩ mô.

Trong kịch bản đó, thanh khoản hệ thống có thể bị siết lại, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động dự phòng thanh khoản và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt để tránh rơi vào thế bị động khi thị trường biến động mạnh.

Trong báo cáo phân tích trước đó, bộ phận phân tích ngân hàng UOB dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong các quý tới, đồng VND lại chịu áp lực giảm giá trước những căng thẳng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngân hàng UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt đỉnh 26.300 vào quý III/2025, trước khi điều chỉnh giảm nhẹ vào cuối năm.Theo dự báo cập nhật, tỷ giá USD/VND sẽ đạt 26.100 trong quý II, 26.300 trong quý III, giảm nhẹ về 26.000 trong quý IV/2025 và về mức 25.800 trong quý I/2026.

Minh Nguyệt