Kinh tế Quốc tế 13/05/2025 19:40

Lạm phát tháng 4 của Mỹ thấp hơn dự báo, ngày càng sát mục tiêu 2% của Fed

Trong tháng Tổng thống Trump công bố thuế quan đối ứng, Mỹ đã đón một tin vui về lạm phát.

 

Khách mua sắm tại San Francisco. (Ảnh: Bloomberg)

Vào tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chỉ nhích tăng 0,2% so với tháng trước và đi lên 2,3% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cách đây ít phút.

Mức tăng hàng tháng phù hợp với ước tính đồng thuận của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones, trong khi mức tăng so với cùng kỳ thấp hơn dự báo 0,1 điểm %.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi cũng tăng 0,2% so với tháng trước và đi lên 2,8% so với cùng kỳ. Dự báo của các nhà kinh tế lần lượt là 0,3% và 2,8%.

Tuy nhiên, các mức tăng hàng tháng vẫn cao hơn một chút so với số liệu tháng 3, dù đã thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh vào ba năm trước.

Theo báo cáo, chi phí nhà ở một lần nữa là nguyên nhân kéo lạm phát lên cao. Khoản mục này đi lên 0,3% trong tháng 4, chiếm hơn một nửa mức tăng chung.

Sau khi giảm 2,4% vào tháng 3, giá năng lượng đã phục hồi và tăng 0,7% trong tháng 4. Giá thực phẩm tụt 0,1%.

Giá xe đã qua sử dụng tụt tháng thứ hai liên tiếp (với mức giảm 0,5%), trong khi giá xe mới đi ngang. Giá quần áo cũng giảm 0,2%, dù dịch vụ chăm sóc y tế đi lên 0,5% trong tháng.

Tương tự, giá trứng tụt mạnh 12,7%. Tuy nhiên, khi so với một năm trước, giá của loại thực phẩm thiết yếu này vẫn nhảy vọt đến 49,3%.

Lạm phát toàn phần của Mỹ đang xuống gần sát mức mục tiêu 2% của các quan chức Fed.

Ở diễn biến khác, thuế quan của Tổng thống Donald Trump vẫn là một quân bài ẩn trong bức tranh lạm phát. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán từ bây giờ cho đến mùa hè.

Trong cuộc họp báo vào đầu tháng 4, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế đối ứng tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, đồng đánh thuế cao hơn với khoảng 60 đối tác thương mại lớn.

Tuy nhiên, sau đó chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định tạm hoãn các mức thuế đối ứng cao hơn trong 90 ngày để mở đường đàm phán với những đối tác thương mại hàng đầu.

Lập trường của vị tổng thống cũng thay đổi phần nào kể từ đó, với diễn biến đáng chú ý nhất là quyết định tạm thời hạ thuế quan đối với Trung Quốc trong lúc hai bên tham gia đàm phán sâu hơn.

Cụ thể hơn, sau các cuộc đàm phán tại Thuỵ Sỹ hồi cuối tuần qua, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí giảm mạnh thuế quan lên hàng hoá của nhau.

Trong ba tháng kể từ ngày 14/5, hầu hết hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 30% thay vì 145% như trước và hàng hoá Mỹ sang Trung Quốc sẽ chịu thuế 10% thay vì 125%.

Hiện tại, thị trường dự đoán lập trường mềm mỏng hơn của ông Trump sẽ khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay giảm xuống.

Trước đó, các nhà giao dịch từng kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay liên ngân hàng vào tháng 6 và thực hiện ít nhất ba lần giảm trong cả năm 2025.

Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc công bố thoả thuận mới, thị trường đã đẩy lùi đợt hạ lãi suất đầu tiên sang tháng 9.

Các nhà giao dịch cũng tin rằng Fed sẽ chỉ giảm lãi suất hai lần trong năm nay, bởi các nhà hoạch định chính sách sẽ cảm thấy ít áp lực hơn trong việc phải hỗ trợ nền kinh tế và vì lạm phát đã duy trì trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này trong hơn 4 năm nay.

 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 13/05/2025 22:55
Kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu suy thoái

Báo cáo xu hướng kinh tế tháng 5 của Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện các chỉ số cho thấy sự suy thoái kinh tế ở nước này khi các điều kiện bên ngoài xấu đi nhanh chóng.

Kinh tế Quốc tế 13/05/2025 20:55
Vận tải biển, bán lẻ trực tuyến đón cơ hội sau thỏa thuận thuế quan Mỹ-Trung

Các doanh nghiệp vận tải biển và bán lẻ trực tuyến kỳ vọng sự phục hồi trong lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Mỹ, dù những lo ngại về tác động dài hạn của thuế quan vẫn còn hiện hữu.

Kinh tế Quốc tế 13/05/2025 16:56
Chớ nên vội mừng khi Mỹ - Trung đình chiến, bài học hơn 6 năm trước vẫn còn đó

Lạc quan thận trọng có lẽ là thái độ phù hợp để tiếp cận cuộc chiến thương mại lần hai giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 13/05/2025 13:51
Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhận máy bay Boeing sau khi đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Việc Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhận máy bay Boeing là tin vui đối với nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO