Kinh doanh & Thị trường 12/10/2024 20:33

Lạm phát tiền mừng cưới

Tiền mừng cưới trung bình tại Hàn Quốc đã tăng từ 30.000 won lên 50.000 won trong thời gian gần đây.

Theo Korea JoongAng Daily, người Hàn Quốc khi được mời dự đám cưới thường gặp phải tình huống khó xử: Nên gửi tiền mừng 50.000 won (36 USD) và không đi dự, hay tham dự và mừng cưới nhiều hơn?

Trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, những đám cưới xa hoa đang ngày càng trở nên không phù hợp, cả với cặp đôi tổ chức và khách mời. Theo Asia Business Daily, chi phí trung bình cho mỗi khách mà cô dâu chú rể phải trả khi tổ chức tại một trung tâm tiệc cưới ở Seoul là khoảng 82.000 won. 

Đối với các đám cưới ở khách sạn, chi phí một bữa ăn dao động từ 130.000 đến 200.000 won. Điều này khiến khách mời cảm thấy áp lực phải mừng cưới ít nhất đủ để trả cho bữa tiệc.

Áp lực tiền mừng cưới ở Hàn Quốc tăng lên. (Ảnh: RTE).

Anh Kim, một nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi, đã gửi tiền mừng cưới 50.000 won cho đồng nghiệp qua một người bạn và quyết định không đến dự. 

“Nếu tôi đến dự đám cưới, tôi phải mừng ít nhất 100.000 won. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu mừng ít hơn, vì tôi biết tổ chức đám cưới rất tốn kém”, anh chia sẻ. “50.000 won thậm chí không đủ cho chi phí bữa ăn”.

Đối với những đám cưới của bạn thân, Kim cho biết anh thường phải mừng ít nhất 150.000 won nếu đi dự, và còn nhiều hơn nữa đối với những đám cưới nhỏ và số lượng khách mời hạn chế.

Vừa qua, tại đám cưới của người thân trong gia đình, anh Kim cũng phụ giúp kiểm kê số tiền mừng. Anh nhớ lại rằng một số khách mang nhiều phong bì và mừng giúp những người không thể đến dự. Những phong bì đó thường có khoảng 50.000 won, trong khi khách đến dự trực tiếp thường mừng từ 100.000 đến 300.000 won.

Chi phí tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc đã tăng liên tục sau đại dịch. Công ty mai mối Duo Information dự đoán chi phí trung bình cho một đám cưới năm 2024, bao gồm tiền thuê địa điểm và các gói dịch vụ, sẽ là 16,43 triệu won, dựa trên một khảo sát với 1.000 cặp đôi mới cưới được công bố vào cuối năm ngoái. Con số này tăng 18,2% so với mức 13,90 triệu won năm 2023, và tăng 28,6% so với năm 2022.

Chi phí tăng chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung các địa điểm tổ chức đám cưới và các dịch vụ liên quan như cửa hàng váy cưới, studio ảnh và thợ làm tóc, trang điểm bởi nhiều nơi đã đóng cửa trong thời gian đại dịch. 

Trong khi đó, các cặp đôi cũng tranh thủ tổ chức lễ cưới vốn bị hoãn trong thời gian giãn cách, dẫn đến nhu cầu tăng cao.

Số lượng trung tâm tiệc cưới ở Hàn Quốc đã giảm hơn 30%, từ 1.019 trung tâm năm 2018 xuống còn 714 trung tâm trong năm nay. Tuy nhiên, doanh thu của các trung tâm lại tăng so với trước đại dịch, từ trung bình 201 triệu won vào năm 2020 lên 530 triệu won vào tháng 3/2024, theo dữ liệu từ nền tảng phân tích của Pinda. Điều này phản ánh sự gia tăng số lượng đám cưới được tổ chức tại mỗi địa điểm.

Theo khảo sát của Duo Information, giá trung bình của gói dịch vụ cưới, bao gồm chụp ảnh trước cưới, váy cưới, trang điểm và làm tóc, đã tăng từ 2,99 triệu won năm 2019 lên 3,6 triệu won vào năm 2024.

Gánh nặng của chi phí tăng này đã chuyển sang khách mời. Trên các diễn đàn trực tuyến ở Hàn Quốc, nhiều người cho rằng nếu khách mời không thể mừng đủ tiền để bù đắp chi phí bữa ăn, thì không nên tham dự. 

Trước đây, việc mừng 30.000 đến 50.000 won là phổ biến, nhưng hiện nay, mức tiền mừng được coi là cơ bản từ 50.000 won cho những người không đi và 100.000 won cho những người tham dự.

Trong một khảo sát của ngân hàng Shinhan với 10.000 người từ 20 đến 64 tuổi vào năm ngoái, 52,8% cho biết họ mừng 50.000 won nếu không dự đám cưới, 36,7% mừng 100.000 won, và 3,3% mừng 200.000 won.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 18:01
Sở TNMT Hà Nội nói về lo ngại bảng giá đất tăng cao làm tăng thuế, phí

Theo Sở TNMT Hà Nội, trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân thì giảm tỷ suất tính thuế, phí chứ không giảm giá đất.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 15:43
F88 phải dè chừng khi ‘kỳ lân’ cho vay trực tuyến của Singapore sắp vào Việt Nam

Tyme Group, kỳ lân cho vay trực tuyến của Singapore, sắp mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tạo thêm sức ép cạnh tranh trực tiếp với F88 trong thị trường tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 15:21
‘Gã khổng lồ’ đóng tàu Nhật Bản sẽ sản xuất cần cẩu tại Việt Nam để hưởng lợi thương chiến Mỹ - Trung

Lo ngại về an ninh và sự chuyển dịch khỏi sản phẩm Trung Quốc đang tạo cơ hội lớn cho Mitsui E&S mở rộng thị phần và tăng trưởng.

Kinh doanh & Thị trường 21/12/2024 15:06
Mỹ giảm tiền tài trợ cho Samsung dù từng hứa cấp vốn cao hơn để xây nhà máy chip

Dù từng cam kết hỗ trợ tài chính lớn cho Samsung trong dự án xây dựng nhà máy chip tại Texas, Mỹ đã quyết định cắt giảm khoản tài trợ gần 1,7 tỷ USD.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO