Hàng loạt nhà băng, từ những tên tuổi lớn như BIDV, Sacombank, VIB đến các ngân hàng vừa và nhỏ, đã đồng loạt tiến hành các đợt tinh gọn bộ máy nhằm tối ưu chi phí, song mặt khác, không ít ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự để phục vụ chiến lược phát triển kinh doanh.
Theo thống kê của chúng tôi, đã có hàng nghìn nhân viên ngân hàng đã rời khỏi hệ thống trong hai quý gần đây. Song, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đây không hẳn là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng mà điều đó phản ánh một xu thế chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc tổ chức và thích ứng với làn sóng công nghệ số hóa đang lan rộng trên toàn cầu.
Nếu như trong năm 2024, việc cắt giảm xảy ra ở một vài ngân hàng. Cụ thể, BIDV cắt giảm gần 1.000 người, Sacombank giảm 426 người, VIB khoảng hơn 500 người, ACB giảm 365 người trong năm 2024.
Sang quý đầu năm 2025, số lượng ngân hàng cắt giảm nhân sự lại tiếp tục tăng (10/27 ngân hàng khảo sát).
Trong đó, LPBank là ngân hàng ghi nhận mức cắt giảm nhân sự mạnh nhất trong quý, giảm tới 1.619 người, tương đương 14,5%, từ 11.189 người xuống còn 9.570 người. Mức chi cho nhân viên của ngân hàng cũng giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này phản ánh quá trình tái cấu trúc sâu của LPBank trong thời gian qua.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết tinh gọn bộ máy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng nhằm kiểm soát chi phí. Năm 2024, LPBank đã tinh gọn từ 17 Khối xuống còn 8 Khối nghiệp vụ và triển khai vận hành theo mô hình mới từ ngày 16/12/2024.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng có sự cắt giảm mạnh, giảm 970 người trong quý I, nếu tính cả số đã giảm trong năm 2024 thì con số tinh gọn này lên tới gần 1.400 người.
Con số cắt giảm của LPBank và Sacombank kể trên tương đương với quy mô nhân sự của một ngân hàng cỡ nhỏ tại Việt Nam như VietABank, Saigonbank.
Tại Sacombank, con số này dự kiến còn tiếp tục giảm. “Trong năm 2025 - 2026, Sacombank sẽ tiếp tục xu hướng này, giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số”, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh chia sẻ tại đại hội cổ đông năm nay.
Ngoài hai ngân hàng trên, VIB, SeABank và TPBank cũng ghi nhận mức giảm đáng kể với cắt giảm lần lượt 522 người, 278 người và 121 người,…
Mặc dù làn sóng cắt giảm nhân sự là hiện hữu nhưng điều đó cũng không xảy ra ở tất cả. Đồng thời, con số tổng số nhân viên không thực sự thể hiện đúng xu hướng của thị trường khi nhiều ngân hàng đã và đang thực hiện quá trình “tái cơ cấu” bộ máy, cắt giảm nhân lực mảng này nhưng lại tuyển dụng thêm nhiều ở các mảng khác.
Vào tháng 4, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết ngân hàng sẽ đi đầu trong nhóm Big4 về cắt giảm các điểm giao dịch truyền thống. “Chúng tôi dự kiến cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng”, ông nói.
Kể từ tháng 3 đến nay, đã có hơn 30 phòng giao dịch VietinBank thông báo chấm dứt hoạt động.
Ông Bình cho biết trong hai năm gần đây gần như VietinBank không tuyển dụng cho các hoạt động kinh doanh truyền thống, bao gồm tín dụng, nguồn vốn. Tuy nhiên trong năm nay, VietinBank sẽ tăng cường tuyển dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nâng số lượng nhân sự mảng này từ 300 người lên gần 1.000 người (gồm cả thuê ngoài) và dự kiến "mức lương sẽ rất cao".
Hay tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết với mục tiêu tăng 25 - 35% về quy mô trong ba năm tới, ngân hàng phải chuẩn bị trước nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc tăng gấp 2,5 lần quy mô.
Ông cho biết: "Chỉ dùng công nghệ thôi tôi tin là vẫn có thể làm được nhưng để dự phòng thì năm nay MB dự kiến tăng 1.000 người, chủ yếu trong kinh doanh và công nghệ. Năm sau sẽ giảm tốc độ".
Chủ tịch MB Lưu Trung Thái chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: MB).
Chia sẻ thêm về quá trình chuyển đổi số, ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng, ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB, cho biết quan điểm của MB khi làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự mà để tăng năng suất lao động của cán bộ nhân viên. "Chuyển đổi số giúp công việc đơn giản hơn và nhân viên chuyển dịch sang các công việc có giá trị hơn.", ông Trung nói.
Không thể phủ nhận rằng ngành ngân hàng đang bước vào một chu kỳ phát triển mới – nơi công nghệ chiếm ưu thế và mô hình hoạt động được xây dựng trên nền tảng dữ liệu và tự động hóa. Làn sóng cắt giảm nhân sự là biểu hiện của một cuộc chuyển mình lớn lao, nhưng cũng là lời cảnh báo đối với các cá nhân và tổ chức chậm thích nghi.
Trao đổi với người viết, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết làn sóng tinh gọn nhân sự trong ngành ngân hàng hiện nay chủ yếu xuất phát từ việc các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đồng thời theo đuổi chiến lược cắt giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận và nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Xu hướng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, với nhiều ngân hàng cùng tham gia vào làn sóng chuyển đổi. Họ đang tập trung phát triển công nghệ AI, tự động hóa và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Điều này cho phép ngân hàng vận hành hiệu quả mà không cần đến quá nhiều nhân sự,” TS. Huân nhận định.
Không chỉ giới hạn trong ngành ngân hàng, làn sóng tinh gọn nhân sự còn được dự báo sẽ lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ngân hàng hiện là ngành đi đầu do đặc thù sở hữu nguồn vốn lớn. Việc đầu tư vào chuyển đổi số hay công nghệ mới vì thế cũng không gây áp lực quá lớn về chi phí nếu so với quy mô hoạt động của họ.
Cũng theo TS. Huân, xu hướng tinh giản nhân sự là tất yếu trong bối cảnh công nghệ – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) – phát triển mạnh mẽ. Khi các công nghệ đạt đến độ "chín", nhu cầu sử dụng lao động sẽ giảm đi rõ rệt. Làn sóng sa thải nhân sự (layoff) trong ngành ngân hàng toàn cầu là minh chứng cho điều này.
Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành ngân hàng chủ yếu tập trung ở mảng chuyển đổi số. Với những vị trí truyền thống, các ngân hàng dần không còn chủ trương duy trì lực lượng nhân sự quá lớn như trước.
“Điều quan trọng lúc này là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Ai sở hữu được lực lượng này sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn,” ông Huân cho biết
Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh không chỉ là giữa các ngân hàng, mà còn là giữa các cá nhân trong việc thích nghi và phát triển năng lực. Những nhân sự biết tận dụng công nghệ, có khả năng đổi mới, sáng tạo và xử lý linh hoạt các tình huống sẽ được ưu tiên.
Hiện nay, khi tuyển dụng, các ngân hàng ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với ứng viên về khả năng công nghệ – từ việc hiểu biết các công cụ kỹ thuật số đến nắm bắt những nền tảng như AI. Điều này buộc người lao động phải chủ động học hỏi, liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc được giữ lại hay tiếp tục phát triển sự nghiệp phụ thuộc nhiều vào khả năng thích nghi công nghệ của từng cá nhân. Người lao động cần chứng minh rằng họ có thể thích ứng nhanh chóng với các điều kiện làm việc mới, và trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.
(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam - Số Tháng 6 của Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam)