Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 15:25

Giá đồng ở Mỹ sắp đắt gấp rưỡi thế giới, nền kinh tế có nguy cơ chịu thiệt hại lớn

Các chuyên gia cảnh báo giá đồng đắt đỏ sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Mỹ.

Kỹ sư kiểm tra cuộn dây đồng trong một nhà máy kỹ thuật điện. (Ảnh: Getty Images). 

Chênh lệch lớn

Giá đồng tại Mỹ đã tăng vọt sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp thuế quan 50% lên kim loại này.

Điều đó có nghĩa là giá đồng - vốn đang duy trì ở mức cao - nay lại càng đắt đỏ hơn ở Mỹ so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các nhà phân tích cảnh báo điều đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Mỹ nhập khẩu gần một nửa lượng đồng tiêu thụ trong nước và kim loại này được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, từ máy móc, thiết bị điện tử và đồ gia dụng cho đến các công trình nhà ở và hạ tầng.

Ông Trump cho biết quyết định đánh thuế là nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, nhưng giới chuyên gia cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ sẽ cần lượng vốn đầu tư khổng lồ và mất hàng thập kỷ để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu nội địa. 

Từ tháng 2 năm nay, các nhà giao dịch đã chuẩn bị cho kịch bản Mỹ áp thuế lên đồng nhập khẩu bằng cách khẩn trương chuyển tồn kho từ châu Á và châu Âu sang Mỹ. Tuy nhiên, họ không thể đoán trước khi nào ông Trump sẽ ra thông báo và thuế suất sẽ là bao nhiêu.

Hiện tại, những người tham gia thị trường cho biết kế hoạch đánh thuế quan của Nhà Trắng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, bởi chính quyền ông Trump có thể sẽ cung cấp ngoại lệ cho một quốc gia hoặc đưa ra điều chỉnh trong những ngày tới.

Một ngày sau khi thông báo áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, ông Trump mới ấn định ngày thuế quan có hiệu lực là 1/8.

 

Kết phiên 8/7, giá đồng ở Mỹ tăng hơn 13% lên 5,69 USD/pound (khoảng 12,54 USD/kg), đánh dấu mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ năm 1989. Trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) - chuẩn mực của toàn thế giới - giá chỉ đi lên 0,3%. 

Diễn biến trên phản ứng mức chênh lệch lớn bất thường giữa giá đồng ở Mỹ và những nơi khác trên thế giới.

Kể từ khi chính quyền ông Trump mở cuộc điều tra vào kim loại đồng hồi tháng 2, giá đồng giao sau trên sàn Comex của Mỹ luôn cao hơn 500 - 1.500 USD/tấn so với giá trên sàn LME.

Trong quá khứ, chênh lệch giữa hai sàn thường rất nhỏ, gần bằng 0. Trong khi đó, giá đồng trên Sàn Giao dịch Kim loại Thượng Hải vẫn tương đương với LME.

Vào ngày 8/7, mức chênh lệch giữa giá đồng trên Comex và LME đã vọt lên 138%, vượt quá 2.600 USD/tấn, theo công ty Benchmark Mineral Intelligence.

 

Benchmark dự đoán đến tháng 8, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả khoảng 15.000 USD cho mỗi tấn đồng, trong khi đó phần còn lại của thế giới chỉ cần trả 10.000 USD - hậu quả từ mức thuế 50%.

Ông Daan de Jonge, trưởng chuyên gia phân tích về giá và nhu cầu đồng của Benchmark, cảnh báo mức chênh lệch lớn sẽ gây ra ảnh hưởng kinh tế lớn.

Ông giải thích: “Khi các hộ gia đình mua tủ lạnh, điều hòa hay ô tô mới, họ sẽ thấy giá mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn - bởi nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ chuyển phần chi phí gia tăng vì thuế quan sang khách hàng”.

Tùy thuộc vào mức thuế cơ bản cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ có thể lựa chọn mua hàng hóa sản xuất ở nước ngoài có giá rẻ hơn.

Vị chuyên gia nói tiếp: “Nếu nhìn vào đầu tư công, [ta sẽ thấy] chi phí vay nợ của chính phủ đã trở nên đắt đỏ hơn, đồng USD đang suy yếu và giờ thì chi phí một loại vật liệu đầu vào quan trọng cho các dự án hạ tầng lại tăng mạnh… Tôi cho rằng điều này sẽ bắt đầu gây tác động đến việc làm.”

Một “tác dụng phụ” khác của thuế quan là các dự án có thể sẽ thay đồng bằng nhôm có giá rẻ hơn. Trong một số trường hợp, nhôm có thể thay thế cho đồng, nhưng về lâu dài các công trình như vậy sẽ tốn kém nhiều chi phí bảo trì hơn.

Ông de Jonge lưu ý: “Những điều này có thể sẽ khiến nhu cầu dành cho đồng sụp đổ”.

Loạt thách thức

Những thách thức cản trở Mỹ tăng cường sản lượng đồng bao gồm thời gian dài để xin cấp phép cho các dự án khai thác và chi phí lớn để xây dựng các cơ sở mới.

Nếu doanh nghiệp Mỹ không chắc giá đồng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, họ sẽ không có động lực để vượt qua những rào cản trên.

 

Ông Peter Chase, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức, chia sẻ quan điểm trong cuộc phỏng vấn với CNBC: “Câu hỏi đặt ra là Mỹ có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước không? Nếu có thì liệu quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng hay không?

Đó là các vấn đề thực tế cần phải giải quyết. Và dù giá đồng nhảy vọt do thuế quan 50% thì điều đó không có nghĩa là sản lượng đồng ở Mỹ cũng sẽ tăng mạnh ngay ngày mai”.

Ông Chase nhận định doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ ngay lập tức nhận thấy ảnh hưởng từ thuế quan với đồng. Ngoài ra, nhiều khả năng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 16:11
Ông Trump muốn lãi suất giảm nhưng đang tự mình gây khó cho Fed

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gây áp lực lên Chủ tịch Fed Jerome Powell, yêu cầu giảm mạnh lãi suất. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của ông có lẽ là yếu tố lớn nhất ngăn cản Fed làm điều này.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:51
Ông Trump thông báo thuế quan 50% với đồng sẽ có hiệu lực từ 1/8

Một ngày sau khi thông báo áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, ông Trump đã ấn định ngày thuế quan có hiệu lực.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:41
Tổng thống Lula da Silva: Brazil sẽ đáp trả tương xứng mức thuế 50% của Mỹ

Tổng thống Lula da Silva cho biết Brazil sẽ sử dụng luật kinh tế mới ban hành để đáp trả thuế quan của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:29
Biên bản họp Fed: Đa số quan chức đều dự kiến sẽ giảm lãi suất nhưng bất đồng về quy mô

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 cho thấy các quan chức Fed đang chia rẽ về quy mô cắt giảm lãi suất trong tương lai.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO