Tại sự kiện gặp gỡ Nhà đầu tư cá nhân - Công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 tổ chức ngày 23/7, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) cho biết mảng phí bảo hiểm ngân hàng(banca) tiếp tục tăng trưởng, phục hồi hoàn toàn mức trước quý IV/2024 – thời điểm ngân hàng chấm dứt hợp tác với đối tác chiến lược Manulife Việt Nam. Theo đó, tổng thu phí bảo hiểm hàng năm (APE) đứng thứ ba toàn thị trường.
Theo báo cáo, doanh thu từ phí bảo hiểm của Techcombank trong quý II/2025 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 18% so với cùng kỳ.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp và Định chế tài chính, cho biết Techcombank đang hoàn thiện và tiếp tục mở rộng hệ sinh thái tài chính, đồng thời kết nối với các dịch vụ phi tài chính, ngân hàng đã chuyển từ mô hình hợp tác chiến lược sang chủ động thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm.
Mục tiêu là làm chủ toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng, từ việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng phân khúc mục tiêu, đến việc tận dụng năng lực số hóa và dữ liệu của ngân hàng để số hóa toàn bộ quy trình bảo hiểm, tích hợp vào các hành trình tài chính và đời sống hằng ngày của khách hàng (cả doanh nghiệp lẫn cá nhân) trong hệ sinh thái của Techcombank.
Techcom Life đã được Bộ Tài chính cầp phép thành lập với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, ngân hàng cho biết đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Techcombank, sau khi ngân hàng tăng vốn thành công tại Công ty CP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) vào đầu năm nay. Techcombank sở hữu 80% tại TechcomLife và 68% tại TCGIns.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng lĩnh vực bảo hiểm sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, mang lại nguồn thu không chỉ cho ngắn hạn mà còn bền vững trong dài hạn, góp phần thực hiện chiến lược hệ sinh thái của ngân hàng", ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, xét về dư địa thị trường, hiện nay tỷ lệ doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ so với GDP tại Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 1,2% – thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng trong khu vực, nơi con số này dao động từ 5% đến 10%. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
"Chúng tôi đặt kỳ vọng rằng từ nay đến năm 2030–2035, tức trong vòng 5–10 năm tới, quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể tăng trưởng khoảng 3,5 lần so với hiện tại", ông Hưng nhấn mạnh.
(Nguồn: Techcombank)
Trả lời câu hỏi về việc đầu tư vào công ty bảo hiểm nhân thọ tác động như thế nào đến tình hình tài chính hợp nhất của Techcombank, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ cho biết trong giai đoạn đầu, báo cáo tài chính hợp nhất chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.
"Bởi vì trong thời gian đầu, ngân hàng sẽ tập trung vào phát triển các nền tảng, xây dựng các dòng sản phẩm cũng như hướng đến sự phát triển bền vững của công ty. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có những tác động khá đáng kể", ông giải thích.
Theo ông Tuấn, có hai điểm rất quan trọng, cũng là lý do tại sao Techcombank quyết định thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất, trong năm 2023 và 2024, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã trải qua giai đoạn khủng hoảng. Techcombank đã quan sát và đánh giá rất kỹ các quốc gia tại châu Á, kể cả như Singapore, Thái Lan hay Indonesia, đều đã từng trải qua một giai đoạn bùng nổ bảo hiểm nhân thọ, sau đó có sự điều chỉnh trở lại.
Nguyên nhân là trong thời gian qua, bảo hiểm nhân thọ chủ yếu được phân phối thông qua các công ty phân phối, bao gồm hai nhóm chính là ngân hàng và các đại lý.
Ngay tại Techcombank, trong suốt thời gian qua, ngân hàng chỉ đóng vai trò là đơn vị phân phối. Khi hiểu rõ được nhu cầu của khách hàng, mong muốn tạo ra trải nghiệm tốt hơn từ tính năng sản phẩm cho đến dịch vụ, quy trình bồi thường, thì đó thực chất là phần việc của công ty bảo hiểm.
Do đó, để mang lại một trải nghiệm thực sự xuyên suốt cho khách hàng, nếu chỉ đóng vai trò phân phối là không đủ. Chính vì vậy, Techcombank mong muốn tham gia vào toàn bộ quá trình từ thiết kế sản phẩm đến dịch vụ sau bán, để tạo ra một hành trình end-to-end cho khách hàng.
Thứ hai, Techcombank cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để thành lập công ty bảo hiểm. Bởi vì khi nhìn vào chỉ số GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay, vào khoảng 4.500 USD, nếu so sánh với các quốc gia như Trung Quốc hay Indonesia thì thấy rõ rằng, khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên 7.000 hoặc 10.000 USD, thì tỷ lệ sử dụng sản phẩm bảo hiểm sẽ tăng từ 3 đến 5 lần.
Đây cũng là một trong những cơ sở để Techcombank nhận định rằng với tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp – dưới 10%; tỷ lệ phí bảo hiểm trên GDP hiện chỉ ở mức 1,2–1,3%, là con số quá nhỏ so với nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có lực lượng lao động rất lớn và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đến năm 2037, sẽ có khoảng 20 triệu người dân Việt Nam trên 60 tuổi.
Theo ông Tuấn, từ những phân tích dựa trên kinh nghiệm từ các thị trường phát triển, cộng với các yếu tố nội tại hiện nay và định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, đặc biệt lànhững cơ sở pháp lý đầy đủ để Techcombank phục vụ khách hàng một cách toàn diện là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng lấn sân sang mảng bảo hiểm.
"Tôi tin chắc rằng việc được cấp phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, kết hợp với mảng bảo hiểm phi nhân thọ đã có giấy phép từ cuối năm 2024, giúp chúng tôi sở hữu đầy đủ các mảng kinh doanh trong hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thực sự khác biệt trên thị trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông, với giấy phép đầy đủ và một kế hoạch kinh doanh bài bản, cùng với cách tổ chức được hậu thuẫn bởi ngân hàng mẹ Techcombank, ngân hàng sẽ mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn và hiệu quả kinh doanh cao hơn.