Theo ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB, hiện nay, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng góp vào nền kinh tế với tỷ trọng 98% tổng số lượng doanh nghiệp, 50% GDP của quốc gia, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 82% lực lượng lao động toàn nền kinh tế (tương ứng tạo ra hơn 40 triệu việc làm).
Khu vực kinh tế tư nhân có rất nhiều tiềm năng để trở nên năng động hơn trong thời gian tới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển SME, hướng đến mục tiêu sẽ có thêm 1 triệu doanh nghiệp mở mới từ nay đến năm 2030.
Gần đây nhất, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó xác định kinh tế tư nhân là một động lực cốt lõi để đưa quốc gia tiến đến thịnh vượng trong 20 năm tới.
Ông Long cho rằng dư địa phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cực kỳ lớn nhưng chưa tương ứng với năng lực phát triển và sự tham gia, hỗ trợ của tất cả khối ban ngành, trong đó có ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, cơ quan quản lý về thuế, hải quan…
"Chúng tôi nhìn thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp tư nhân và SME, trước hết là có hơn 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số, khoảng 60% doanh nghiệp chưa có hệ thống quản lý chi tiêu minh bạch.
Các tỷ lệ này sẽ lớn hơn rất nhiều khi xuất hiện những yếu tố như dịch COVID-19, cuộc chiến thuế quan… bởi doanh nghiệp tư nhân và SME là khu vực dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế", ông Long nói.
Ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB. (Nguồn: VIB).
Nói thêm về xu hướng kinh tế dự kiến có thể tác động đến nhóm SME trong năm 2025,Giám đốc cấp cao phụ trách thanh toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Visa, ông Gareth Parrington, cho rằng trước hết là yếu tố tăng trưởng kinh tế.
GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,8% trong năm nay và được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục gia tăng và sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian gần đây.
Thị trường thương mại điện tử được dự đoán sẽ đạt 32 tỷ USD vào năm 2025, mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ hội mở rộng tệp khách hàng thông qua các kênh trực tuyến.
Ông cho rằng thời điểm hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể trở thành người bán hàng, điều này cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, từ đó cũng là xu hướng ảnh hưởng đến nhóm SME.
Bên cạnh đó là cải tiến trong công nghệ thanh toán, việc áp dụng thanh toán theo thời gian thực (API ngân hàng mở), bao gồm tích hợp hệ thống kế toán và nền tảng quản lý hóa đơn đang được nâng cao tính hiệu quả, mang lại lợi ích cho các SME trong quản lý giao dịch.
Song, đại diện từ Visa cho biết thách thức phổ biến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận các giải pháp tài chính hiện nay là hạn chế trong việc tiếp cận tài chính. Hoạt động vận hành kinh doanh, các quy trình cũng như thủ tục tốn nhiều thời gian đang gây ra những nút thắt cổ chai trong cả việc thanh toán và đăng ký cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, phần lớn nhóm SME đang sử dụng thẻ là phương thức thanh toán nhưng chưa có công cụ nào để quản lý, tách bạch hai khoản chi phí cá nhân và chi phí doanh nghiệp.
Các chuyên gia chia sẻ tạisự kiện "Nâng tầm doanh nghiệp Việt" diễn ra vào ngày 8/5. (Nguồn: VIB).
Ông Huy Nguyễn, Giám đốc kinh doanh phụ trách khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của VIB, cho biết trong xu thế đó, VIB đã có nhiều giải pháp để đồng hành cùng nhóm khách hàng doanh nghiệp tư nhân, trước hết là các giải pháp về cho vay, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động; các sản phẩm liên quan đến cho vay mua sắm tài sản cố định, xây dựng nhà xưởng; cho vay ô tô để phục vụ kinh doanh.
Theo ông, tất cả doanh nghiệp luôn luôn gặp vướng mắc trong việc vay vốn bổ sung vốn lưu động. Các hoạt động kinh doanh hàng ngày đều cần vốn, từ chi phí lương đến mua sắm nguyên vật liệu, hay thanh toán chi phí quảng cáo…
"Chúng tôi đang cho vay các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng hạn mức 150 tỷ/doanh nghiệp, lãi suất khoảng 6,1 – 6,7 %/năm và tỷ lệ cho vay tương đương 90% giá trị tài sản bảo đảm. Các gói vay được may đo theo từng nhóm khách hàng, từng ngành nghề và từng thời điểm cụ thể.
Với tất cả các chính sách vĩ mô đang rất tích cực, hướng đến mục tiêu vào năm 2030 sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp và chuyển dịch 5 triệu hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp thì đây là cơ hội vàng của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, được sự hỗ trợ và đồng hành của tổ chức tài chính, trong đó có ngân hàng", đại diện VIB thông tin.
Với vai trò là Giám đốc cấp cao phụ trách thanh toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Visa, ông Gareth Parrington, nhận định Việt Nam đang trải qua sự chuyển đổi đáng kể trong hệ sinh thái thanh toán với các giao dịch kỹ thuật số ngày càng trở nên phố biến hơn.
Tính đến cuối năm 2024, có hơn 75% các giao dịch trực tiếp trên thẻ visa tại Việt Nam và có khoảng 80% người sử dụng ví điện tử. Điều này phản ánh phát triển mạnh đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy số hóa, khuyến khích hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến mục tiêu 80% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ có tài khoản ngân hàng vào năm 2025.