Trong buổi họp chiều 10/2 với các nhà đầu tư, lãnh đạo CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã có những cập nhật liên quan tới các dự án và tình hình hoạt động của ông lớn số 1 ngành sữa.
Về dự án sữa ở Hưng Yên có tiến độ chậm lại so với ban đầu do nhiều vướng mắc về đất đai. Nếu không có gì thay đổi thì quý II/2025, công ty sẽ bắt đầu khởi động để xây dựng nhà máy.
Ở phía Bắc hiện Vinamilk có một nhà máy ở Bắc Ninh và một nhà máy ở Lam Sơn, Thanh Hoá. Với xu hướng tiêu dùng và quy mô thị trường lớn ở phía Bắc, bản thân nhà máy ở Bắc Ninh đang chạy hết công suất.
Chính vì vậy việc ra đời nhà máy ở Hưng Yên cộng thêm việc thời gian xây dựng cũng không phải là ngắn (thường từ 18 - 24 tháng) sẽ giúp Vinamilk bổ sung vào kế hoạch trong 2-3 năm tới khi nhà máy đi vào hoạt động.
Giải đáp thắc mắc về việc liệu xây dựng nhà máy Hưng Yên có khiến Vinamilk dư công suất hay không trong bối cảnh ngành sữa bão hoà, đại diện doanh nghiệp cho biết trong quá trình xây dựng, Vinamilk đã có phân kỳ đầu tư để đảm bảo tối ưu hoá việc đầu tư xây dựng, máy móc thiết bị nhập về đảm bảo phù hợp nhu cầu, tối ưu hoá chi phí.
Do đó sẽ không có tình trạng dư thừa hoặc Vinamilk phải bán giảm giá để chạy hết công suất.
Việc ra đời của nhà máy Hưng Yên chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong tương lai. Còn đối với dự án Thiên đường sữa Một Châu - đây là dự án nằm trong kế hoạch từ 2 năm trước, song cũng do một số thủ tục đất đai, hiện Vinamilk đang trong giai đoạn hoàn tất để khởi công xây dựng.
Dự án này bao gồm cả hai phần, một phần bắt đầu hiện đại hoá hệ thống máy móc thiết bị, đồng thời đón đầu mở rộng xu hướng tiêu dùng đối với một số dòng sản phẩm đặc thù do Mộc Châu sản xuất.
Về nguồn vốn đầu tư cho các dự án, Vinamilk hoàn toàn tự chủ được với nguồn vốn tự có.
Dự án Hưng Yên đã chuẩn bị sẵn một phần và tuỳ theo phân kỳ đầu tư kết hợp với dòng tiền của Mộc Châu, Vilico đóng góp thì Vinamilk có thể cân nhắc sử dụng một phần nguồn vốn từ bên ngoài để tối ưu hoá chi phí.
Trang trại tại Lào, độ phủ và mức độ đầu tư đàn chưa đạt mức công suất như thiết kế do việc đầu tư phải căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và phát triển các sản phẩm trong tương lai.
Trong 2024, tình hình sức mua và tiêu thụ sữa có một số thời điểm chậm lại nên việc đầu tư, nâng đàn ở Lào vẫn được cân nhắc.
Về công suất các nhà máy của Vinamilk, có thời điểm khai thác trên 90% công suất, thậm chí có một số dòng sản phẩm khai thác trên mức đó như sữa uống men sống Probi, sữa đặc có đường. Ngược lại có một số dòng sản phẩm (như sữa dinh dưỡng) có công suất khai thác thấp hơn.
Ảnh: Vinamilk.
Với dự án Vinabeef, Vinamilk đã đưa vào vận hành từ tháng 12/2024, bước đầu mọi thứ vẫn đang ổn định song Vinamilk vẫn tiếp tục theo dõi xu hướng, đầu ra thị trường.
Trong 2025, Vinamilk sẽ mở rộng kênh phân phối cũng như gia tăng việc bán hàng. Trong những năm đầu tiên của một dự án mới sẽ có những hạn chế nhất định, Vinamilk sẽ tập trung vào vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá về triển vọng thị trường 2025, đại diện Vinamilk cho hay nhìn chung qua các con số thống kê về ngành FMCGs, thị trường sữa đang phục hồi theo từng quý, tức năm 2024 thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn còn tăng trưởng âm nhưng mức độ suy giảm đã chậm lại so với 2023. (2024 giảm 0,3% còn năm 2023 giảm 1%).
Nếu nhìn theo quý, quý I âm 2,8%, quý II âm 1%, quý III tăng 1,6% còn quý IV tăng 1,6% chứng tỏ thị trường đang dần cải thiện.
Lãnh đạo Vinamilk dự báo viễn cảnh thị trường sữa tương đối lạc quan cho 2025 với những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Chính phủ góp phần làm tăng tâm lý tiêu dùng.
“Riêng về Vinamilk, trong hai năm qua doanh nghiệp đã cải tổ rất nhiều về hệ thống phân phối, cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi bao bì, tái định vị thương hiệu, thay đổi thông điệp truyền thông và đặc biệt là tung ra nhiều sản phẩm mới trong 2024. Đây sẽ là những động lực tăng trưởng cho 2025 và các năm sau”, đại diện Vinamilk nhìn nhận.
Về giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng trở lại, hiện nguồn nguyên liệu sữa bột tập trung chủ yếu ở ba trung tâm lớn là EU, Úc và Newzeland.
Cuối 2023 và đầu 2024 giá nguyên liệu có những xu hướng đi xuống. Tuy nhiên bắt đầu từ quý III và quý IV/2024 thì giá có xu hướng tăng lên, xuất phát từ ảnh hưởng của thời tiết ở Úc, Newzeland khiến giá thành chăn nuôi của bà con nông dân tại khu vực này tăng lên. Kết hợp thêm nhu cầu sau đại dịch, đặc biệt ở Trung Quốc - nơi có sức tiêu thụ lớn cũng khiến giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng.
Ngoài ra, với thị trường Mỹ, lạm phát ở mức cao trong nhiều năm cộng với thiên tai đã ảnh hưởng tới nguồn cung cấp.
Diễn biến giá sữa bột nguyên kem (bên trái) và sữa bột tách béo (bên phải). (Nguồn: Global Dairy Trade).
Năm 2025, giống như các giai đoạn trước, Vinamilk thông thường chuẩn bị nguồn nguyên liệu trước ít nhất là 3 tháng còn dài nhất khoảng 6 tháng hoặc hơn.
Tới nay, các nguyên vật liệu cơ bản, trừ sữa tươi nguyên liệu - Vinamilk đang chiếm thị phần lớn và có nguồn lớn ở trong nước thì không bị tác động bởi giá thì còn lại các nguyên liệu khác đã chuẩn bị cho tới hết tháng 6. Thậm chí một số vật liệu đã chuẩn bị tới tháng 7, 8.
Nhìn chung giá nguyên vật liệu có tăng so với cùng kỳ 2024, do đó Vinamilk đã chuẩn bị cho việc điều chỉnh giá bán ở các sản phẩm phù hợp trong thời gian tới tuỳ theo mức độ biến động, ảnh hưởng đối với lợi nhuận chung.
Trong 2024, Vinamilk vẫn giữ thị thế dẫn đầu thị trường với khoảng cách khá xa, khoảng 30 điểm % so với đối thủ liền kề. Một số ngành hàng chiếm thị phần số 1 như sữa đặc, sữa chua ăn, sữa chua uống men sống, sữa nước,…
Becamex IDC dự kiến dùng số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng huy động được đầu tư vào hai khu công nghiệp ở Bình Dương, tăng vốn cho công ty liên kết và tái cấu trúc tài chính.
KBSV cho rằng các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ. Trong đó, một công ty trên HOSE sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.
Tính đến cuối năm 2024, Kinh Bắc đầu tư vào hơn 15 dự án khu công nghiệp, đô thị, cụm công nghiệp với tổng giá trị sổ sách gần 13.870 tỷ đồng.
Nhờ chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức thấp, trong khi giá heo hơi biến động đi lên do thiếu nguồn cung nên các công ty như Dabaco, Nông nghiệp BaF,... đã tận dụng được cơ hội để gia tăng đàn, nhờ đó có lợi nhuận cả năm tăng trưởng đột biến so với 2023.