Một nhà máy giày ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Một tháng sau khi Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ, thị trường lao động nước này đang xuất hiện một số rạn nứt. Khó khăn sẽ thử thách sự kiên định của Bắc Kinh trong cuộc chiến thuế quan với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo tờ Nikkei Asia, các nhà máy trên khắp Trung Quốc đang tạm ngừng sản xuất khi mức thuế 145% khiến nhu cầu của người Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh. Trong nhiều trường hợp, các nhà sản xuất đang cho người lao động tạm nghỉ việc hoặc bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn.
Xu hướng trên càng khiến các chuyên gia lo sợ nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ giảm tốc đáng kể nếu thị trường lao động yếu khiến người tiêu dùng càng ngần ngại chi tiêu.
Ông Rene De Jong, chủ công ty sản xuất đồ nội thất ngoài trời Resysta AV ở thành phố Phật Sơn, cho biết hoạt động xuất khẩu từ nhà máy của ông sang Mỹ đã chững lại kể từ ngày 2/4, khi ông Trump công bố các mức thuế quan đối ứng.
Ông De Jong cho biết Resysta phải dừng sản xuất và cắt giảm 30% lao động thời vụ. Ông giải thích: “Tôi phải để những lao động đó đi. Tôi không thể tiếp tục giữ họ lại mà không có việc gì cho họ làm”. Trước đây, trong những tháng xuất khẩu cao điểm, nhà máy của ông sản xuất lượng hàng chất đầy 100 container.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính rằng việc Mỹ áp thuế quan cao và hủy bỏ chính sách miễn thuế “de minimis” cho các đơn hàng nhỏ có thể khiến Trung Quốc mất 16 triệu việc làm.
Họ cảnh báo các công ty sản xuất thiết bị viễn thông, hàng may mặc và hóa phẩm nhiều khả năng sẽ sa thải lao động nhiều hơn những ngành khác.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Nomura tính toán rằng khoảng 9 triệu việc làm trong ngành sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang Mỹ.
Bà Wang Dan, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Eurasia Group, cảnh báo: “Những vết thương kinh tế mà Trung Quốc phải chịu vì cuộc chiến thương mại sẽ lộ rõ hơn nhiều so với Mỹ. Biên lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp, còn hiện tại nguy cơ về tình trạng thất nghiệp hàng loạt đã gia tăng”.
Bà Wang dự kiến tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc sẽ tăng lên ít nhất 5,6% vào quý III, cao hơn mức 5,2% theo khảo sát của chính phủ trong tháng 3.
Tuy nhiên, bà dự đoán nhiều khả năng dữ liệu chính thức sẽ không thể hiện hết nỗi đau của thị trường lao động, bởi nhiều người sẽ chấp nhận giảm lương hoặc làm việc bán thời gian để tránh bị thất nghiệp.
Làn sóng hủy đơn hàng của doanh nghiệp Mỹ đã buộc hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc cắt giảm chi phí lao động.
Nhà sản xuất kim loại Huzhou Ruimei Precision Metal thông báo sẽ chỉ trả lương tối thiểu cho nhân viên trong vòng một tháng kể từ ngày 16/4. Công ty phải làm vậy vì “những thay đổi trong điều kiện thị trường và sự sụt giảm của các đơn đặt hàng”, theo văn bản nội bộ mà Nikkei Asia có được.
Theo một văn bản khác lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, công ty sản xuất hàng may mặc Jiangsu Hongpeng Clothing đã bắt buộc các công nhân nghỉ làm trong vòng hai tháng kể từ ngày 20/4. Nguyên nhân được đưa ra là “các yếu tố bên ngoài, ví dụ như thuế quan của Mỹ”.
Ông Li Peng, Tổng Thư ký Hiệp hội Giày dép châu Á, cho biết nhiều nhà sản xuất giày ở Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên tạm nghỉ hoặc chỉ nhận lương tối thiểu trong vài tuần qua.
Ông chỉ ra: “Hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc có biên lợi nhuận rất mỏng, chỉ khoảng 5 - 8%. Ngay khi thuế quan vượt quá 20% thì họ đã không còn có thể duy trì hoạt động của nhà máy nữa”.
Trong vài ngày qua, có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể tiến tới đàm phán. Hôm 2/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc thảo luận với Mỹ sau khi Washington bày tỏ thiện chí đàm phán.
Nhưng các nhà chức trách cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không nới lỏng các biện pháp trả đũa, bao gồm thuế quan 125% áp dụng với hàng hóa Mỹ.
Hiện tại, nhiều nhà kinh tế và nhà sản xuất vẫn chuẩn bị cho kịch bản hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục cắt đứt phần lớn quan hệ thương mại.
Giám đốc Wang của Eurasia Group ước tính tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 sẽ đạt 4%, thấp hơn mục tiêu của chỉnh phủ là “khoảng 5%”.
Tháng trước, các nhà kinh tế từ UBS đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Trung Quốc xuống còn 3,4%. JP Morgan đưa ra dự báo khả quan hơn là 4,4%.
Nhiều công ty Trung Quốc đã mở cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên. Nhưng cú sốc lần này có thể buộc nhiều công ty phải đưa ra quyết định khó khăn tại quê nhà.
Maydiang Leather Goods, công ty sản xuất giày và túi xách ở thành phố Trường Thực, có kế hoạch đẩy mạnh sản lượng tại nhà máy ở Campuchia. Đồng thời, Maydiang dự kiến sẽ cắt giảm tới 30% trong số 1.800 lao động tại các nhà máy ở Trường Thục và Tứ Hồng để tiết kiệm chi phí.
Giám đốc Kinh doanh Katherine Yan của Maydiang giải thích: “Thuế quan của Mỹ quá cao, sản xuất tại Trung Quốc không còn là lựa chọn hợp lý nữa”.
Nhà đầu tư kỳ cựu này lưu ý rằng cả Tổng thống Donald Trump lẫn Fed đều đang bị khoá tay và điều đó không tốt cho thị trường chứng khoán Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gọi xáo trộn do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump là “sự bất ổn mang tính chiến lược” vì có thể giúp Mỹ có được các thỏa thuận thương mại tốt hơn.
Theo giới quan sát, các nền kinh tế châu Á có thể tăng cường nhập khẩu năng lượng Mỹ để kêu gọi chính quyền ông Trump giảm bớt thuế quan. Tuy nhiên, bấy nhiêu có thể là chưa đủ.
Ngày 5/5, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) tuyên bố sẽ trả 1.000 USD và hỗ trợ đi lại cho những người nhập cư bất hợp pháp tự nguyện hồi hương, như một phần của chương trình trục xuất hàng loạt.