24/04/2025 11:55

Chủ tịch TPBank: Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là khá tham vọng, dự chia cổ tức 15%

Đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Sáng nay (24/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 với nhiều vấn đề quan trọng sẽ được trình tới các cổ đông như:kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ,...

Tính đến 8h50, số lượng cổ đông tham dự là 120 người, đại diện cho hơn 1,7 tỷ cổ phần, tương ứng tỷ lệ 67,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội đủ điều kiện tiến hành.

 Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. (Ảnh: H.T).

Mục tiêu lãi trước thuế tăng 18%

Mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú đánh giá năm 2024 là năm nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, về cơ bản có nhiều thách thức. Tuy vậy, TPBank đã hoàn thành toàn diện được các chỉ tiêu kế hoạch được đại hội đồng cổ đông giao.

Trong mục tiêu mở rộng hệ sinh thái của ngân hàng, TPBank đã tiếp tục phối hợp với Công ty Tài chính Cổ phần Handico (Hafic) để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận phương án tái cơ cấu Hafic."Chúng tôi đang chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phương án phục hồi Hafic", ông Phú cho biết.

Cùng với đó, trong quý I/2024, TPBank đã hoàn thành việc mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) thành công ty con và tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sở hữu là 99,9%. Tính đến hết 2024, TPBank sở hữu 9,01% vốn tại CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với giá trị thực góp là 270,3 tỷ đồng.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú đánh giá 2025 là "một năm vô cùng thách thức", thậm chí là "rất thách thức" khi thế giới đứng trước "sự phân hóa và sự đối đầu", không chỉ các loại hình chiến tranh truyền thống mà còn cả "thương chiến".

Ông cho biết chiến tranh thương mại tạo ra sự đối đầu giữa các nước thế giới với nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu (ví dụ: áp thuế nhập khẩu cao). Giá vàng tăng vượt mọi mốc lịch sử do tìm kiếm kênh trú ẩn. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng tác động sẽ còn lớn hơn.

Trong năm 2025, ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% lên 313.750 tỷ đồng, chỉ tiêu này cần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2,5%.

"Riêng với khoản lợi nhận trước thuế thì chúng tôi đặt ra mục tiêu có thể nói là khá tham vọng trong thời điểm này là tăng từ 7.600 tỷ lên 9.000 tỷ. Đây là thách thức nhưng cũng là "trách nhiệm" và "quyết tâm", Chủ tịch Đỗ Minh Phú chia sẻ.

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ TPBank 2025.

 

Trả cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu

Về phương án phân phối lợi nhuận, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.599 tỷ đồng trong năm 2024, hoàn thành 101,33% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Lợi nhuận để lại chưa phân phối sau nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của ngân hàng là gần 4.852 tỷ đồng.

Tuy nhiên ban đầu, TPBank không trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức trong năm nay. Mãi tới ngày 19/4, ngân hàng bổ sung thêm tờ trình về phương án chi trả cổ tức và tăng vốn điều lệ năm 2025.

Theo đó, TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán. Sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, HĐQT sẽ quyết định thời gian thực hiện cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định.

Phía ngân hàng cho biết việc quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt được đưa ra sau khi xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng TPBank trong suốt thời gian qua.

Ngoài ra, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh, TPBank cũng dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).

Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là gần 1.321 tỷ đồng. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.

Hiện nay mức vốn điều lệ (tính đến ngày 31/12/2024) của TPBank ở mức 26.420 tỷ đồng, nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa gần 1.321 tỷ đồng, lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Số vốn được tăng thêm dự kiến được sử dụng cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh, ...

Đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024 ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phiếu thưởng gần 40%.

THẢO LUẬN

- Ảnh hưởng của thương chiến tới các khách hàng của TPBank? 

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: TPBank có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu cũng chiếm dưới 20% tổng doanh thu của họ nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Chúng tôi đã rà soát cẩn trọng với các khoản tín dụng mới với các trường hợp xuất khẩu các mặt hàng như thuỷ sản sang Mỹ.

Với các doanh nghiệp FDI thì TPBank chỉ dùng dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ và các dịch vụ khác còn không vay. Thường các doanh nghiệp này sẽ vay ở các ngân hàng chính quốc như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, trường hợp này không có ảnh hưởng tới TPBank.

Có chăng thì sẽ có 2-3 doanh nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, chúng tôi cùng có phương án để hỗ trợ họ để cơ cấu lại sản xuất nếu cần thiết.

- Hạn mức tín dụng của TPBank là bao nhiêu?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Lợi nhuận quý I của TPBank đạt 2.108 tỷ, đây là con số khá khả quan do quý I là mùa trũng của các ngân hàng. Đầu năm, TPBank được cấp hạn mức là 15,85%, cao hơn mức định hướng của toàn ngành, chưa kể có thể có điều chỉnh ở những đợt sau.

Năm nay sẽ không có lo lắng gì về hạn mức tăng tín dụng.

Tính đến đến quý I, TPBank đã tăng trưởng 3,75%, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Đến thời điểm gần nhất trước đại hội, mức tăng trưởng đã đạt là 4,5%.

Tăng rưởng tín dụng của ngân hàng luôn đi theo đúng định hướng (lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng của người dân,...), tăng tín dụng đi đôi với kiểm soát tín dụng.

- Giải đáp thắc mắc của cổ đông về trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn và quy trình làm việc?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Về vụ việc trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn (Mã HQCNH2124005), tôi xin khẳng định TPBank không có liên quan đến lô trái phiếu này.

Lô trái phiếu này do Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (Hưng Thịnh Quy Nhơn) phát hành gồm 16 triệu trái phiếu, tương đương 1.600 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng (26/5/2021-26/5/2024), đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu là CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC). Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Tân Định là đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

TPBank khẳng định không có bất kỳ liên quan hay "thủ tục" gì với tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này. Việc xác định việc quản lý tài sản của lô trái phiếu này có đúng pháp luật hay không thuộc thẩm quyền và không liên quan đến TPBank.

TPBank nhận thức được thông tin về các yêu cầu liên quan đến lô trái phiếu này nhưng coi đó là vô lý khi đòi hỏi ngân hàng phải xử lý. TPBank đã có văn bản trả lời rõ ràng từ tháng 12 rằng không liên quan.

- Trước bối cảnh lãi suất giảm thì ngân hàng có chiến lược gì để duy trì hoặc tăng trưởng được biên lợi nhuận?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Trong thời gian vừa qua NHNN đã có chỉ đạo rất quyết liệt về giảm lãi suất. Lãi suất huy động là nền, yếu tố chính để đưa ra lãi suất cho vay. NHNN muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thiên về mục tiêu tăng trưởng. 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng thì chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn một chút và lãi suất sẽ thấp đi. Vừa rồi dưới chỉ đạo của Thủ tướng thì NHNN đưa ra gói 500.000 tỷ cho lĩnh vực công nghệ số.

TPBank tham gia gói 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, và sau có tham gia thêm các gói cho vay nông nghiệp, cho vay hạ tầng. Trong gói 500.000 tỷ nói trên thì TPBank tham gia 20.000 tỷ.

Trước áp lực NIM, giải pháp chính là cải thiện CASA và thứ hai có một cơ cấu vốn hợp lý. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận là 9.000 tỷ phải duy trì được biên lợi nhuận ở mức hợp lý và tăng khoản thu nhập khác, tiết kiệm chi phí.

Đại hội đồng cổ đông thông qua tất cả tờ trình.

H.T
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO