Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên SHB năm 2025. (Ảnh: SHB).
Chiều ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã: SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch phân phối lợi nhuận, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và một số nội dung khác.
Tính đến 14h15, ban kiếm tra tư cách cổ đông cho biết có 1.551 cổ đông, tương đương 64,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Hơn 1.500 cổ đông đã tới tham dự đại hội đồng cổ đông SHB năm 2025. (Ảnh: SHB).
Chia sẻ tại đại hội, ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT SHB cho biết trong năm 2024, SHB đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với lợi nhuận trước thuế đạt 11.569 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm trước, vượt kế hoạch được đại hội đồng cổ đông giao với các chỉ số sinh lời ROA, ROE tiếp tục được cải thiện.
Về việc thoái vốn tại Công ty tài chính, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại SHBFC cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFC - Nhật Bản).
"Trên cơ sở đề xuất của Krungsri về việc muốn mua lại 50% vốn điều lệ còn lại sớm hơn lộ trình đã thống nhất, HĐQT SHB đã chấp thuận và hiện đang thực hiện thủ tục nộp hồ sơ trình NHNN về chuyển đổi hình thức pháp lý theo quy định của pháp luật", báo cáo HĐQT cho biết.
Về việc chuyển nhượng vốn tại SHB Lào, ngân hàng cùng nhà đầu tư đã ký thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại SHB Lào và hiện đã được NHTW Lào chấp thuận nguyên tắc. SHB và nhà đầu tư đang tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Về việc chuyển nhượng vốn tại SHB Campuchia, SHB đang lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện chuyển nhượng vốn hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của SHB Campuchia.
Về việc tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược ngoại, SHB đang triển khai làm việc với các nhóm nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm và sẽ tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết đại hội trước.
Báo cáo tại đại hội, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết trong năm 2025, Ban Điều hành đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tổng tài sản dự kiến sẽ lên 832.221 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 617.624 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 2%, so với kết quả 2,4% vào năm 2023.
Để thực hiện kế hoạch trên, SHB sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số.
Năm 2024, SHB ghi nhận lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng là hơn 9.132 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 7.306 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 18% vốn điều lệ, hay 7.317 tỷ đồng, theo hai cấu phần.
SHB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tổng số tiền dự kiến dùng để chia là 2.033 tỷ đồng. Về cấu phần thứ hai, ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%, tương ứng số tiền 5.285 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, SHB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu. SHB đã hoàn thành đợt chia cổ tức tiền mặt trong tháng 8/2024 và việc chi trả cổ tức cp trong tháng 2/2025, đồng thời ghi nhận tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%, vốn điều lệ của SHB dự kiến sẽ lên gần 45.942 tỷ đồng, tăng thêm 5.285 tỷ đồng. Kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2025.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ dự kiến sử dụng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý III hoặc quý IV/2025 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Tại đại hội lần này, ngân hàng cũng dự kiến bầu bổ sung thêm một thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2027, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi toàn diện ngân hàng giai đoạn 2024-2028.
Ngày 1/4/2025, SHB cho biết đã nhận được thông báo đề cử của nhóm cổ đông có quyền đề cử, bầu bổ sung ông Phan Đăng Tuất làm thành viên HĐQT độc lập của SHB nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, HĐQT ngân hàng SHB có 6 thành viên (không kể ông Đỗ Đức Hải và ông Haroon Anwar Sheikh do miễn nhiệm từ ngày 25/4/2024), trong đó ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT ngân hàng cùng Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh và ba thành viên HĐQT, một thành viên độc lập.
(Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán SHB năm 2024)
THẢO LUẬN
(Tiếp tục cập nhật).
- SHB dự kiến thời điểm nào sẽ chia cổ tức cho các cổ đông?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Về việc chia cổ tức, về phía ngân hàng thì ĐHĐCĐ thông qua là sẽ chia ngay, sớm nhất có thể khi được phê duyệt của các cấp thẩm quyền."SHB là nói ít làm nhiều".
Về câu chuyện giá cổ phiếu, tôi rất phấn khởi khi cổ đông đánh giá tích cực về SHB, nhưng cũng nêu thực tế làgiá trị thực của SHB cao hơn rất nhiều so với giá trị trên sàn chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, mỗi người có đánh giá và quyết định đầu tư riêng. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng.
- SHB sẽ chuyển nhượng 50% còn lại của SHB Finance cho đối tác khi nào?
Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh: Đây là định hướng của HĐQT là SHB sẽ đồng ý với việc chuyển nhượng sớm hơn trong năm 2025 nhằm mang lại lợi ích cho ngân hàng và cổ đông. SHB đang đàm phán và nộp lên NHNN để chờ phê duyệt. Chúng tôi kỳ vọng phương án sẽ sớm được phê duyệt và kỳ vọng là trong năm nay.
- Tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng trụ sở chính tại Lý Thường Kiệt đến nay ra sao?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Hiện SHB đã được thông qua các chỉ tiêu quy hoạch cho trụ sở được 14 tầng, bây giờ chỉ còn hoàn tất thủ tục cuối cùng là phê duyệt chính thức.Không có gì thay đổi thì cuối năm nay sẽ khởi công.
Với vị trí đất vàng kim cương SHB đã đầu tư, 2.200 m2, ba mặt phố, thi công thiết kế đẹp thì SHB sẽ có một trung tâm tài chính bank trong trung tâm thành phố khẳng dịnh thương hiệu của SHB.
- Tăng trưởng tín dụng của SHB trong quý I có động lực đến từ đâu và liệu rằng kế hoạch trong năm 2025 có khả thi hay không? Ngân hàng có dự định mở rộng sang các mảng tiềm năng như đầu tư công trong năm 2025 hay không?
Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. (Nguồn: SHB).
Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà: Tăng trưởng tín dụng đến 31/3 là 7,8% nhờ SHB phát triển mạnh khách hàng chiến lược, khách hàng DN lớn, SME và khách hàng bán lẻ. Tăng trưởng của SHB năm 2025 là 16% chắc chắn sẽ đạt được.
Để thực hiện mục tiêu, SHB đã đẩy mạnh rất nhiều giải pháp, sản phẩm để phục vụ các phân khúc khách hàng này trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, định hướng tăng trưởng tín dụng của SHB cũng nằm trong các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đang thúc đẩy như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao, logistics.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB đặt mục tiêu đến 2028, trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, ngân hàng tương lai, ngân hàng công nghệ hàng đầu của Việt Nam và xa hơn là trong khu vực.Chúng tôi triển khai chiến lược “bán lẻ trong bán buôn”, tức là tập trung vào các khách hàng lớn có hệ sinh thái và chuỗi cung ứng. Trong chiến lược đó, SHB ưu tiên nguồn lực vào những lĩnh vực động lực phát triển. Nhưng phát triển phải đi đôi với an toàn – SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu một cách chặt chẽ.
- Việc Mỹ áp thuế đối ứng với các nước và Việt Nam có ảnh hưởng gì tới hoạt động của các ngân hàng? Ngân hàng đánh giá ảnh hưởng của thương chiến tới các nhóm khách hàng ra sao?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Cách đây 1 tuần tối đã có buổi làm việc với đại sứ Mỹ.Chúng tôi đã trao đổi không chỉ về các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam nói chung mà còn về lĩnh vực ngân hàng và SHB nói riêng.
Theo tôi được biết việc đàm phán với Mỹ cũng đã tìm được những giải pháp chung với mục đích win win giữa hai bên. Với khách hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng nhỏ và ảnh hưởng không lớn tới hoạt động của ngân hàng. SHB đã chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó với các kịch bản trên.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. (Nguồn: SHB).
- Xin ban lãnh đạo cập nhật việc tìm kiếm đối tác chiến lược ở thời điểm hiện tại?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB đã làm việc với một số đối tác chiến lược nước ngoài. Tôi cũng nhiều lần chia sẻ "Chúng ta là một cô dâu xinh đẹp tài năng, không phải chàng rể nào muốn đến cũng đến được". Việc tìm kiếm đối tác chiến lược cần coi trọng lợi ích của ngân hàng, của các cổ đông.
- Ban điều hành đánh giá như thế nào về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, mức độ an toàn tài chính, tình hình dư nợ bất động sản và triển vọng ngành bất động sản hiện nay?
Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà: Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, SHB hiện đang ở mức gần 70%. Tỷ lệ này được tính trên cơ sở phần dự phòng đã trích lập, dựa vào giá trị tài sản đảm bảo. Tuy tỷ lệ bao phủ của SHB hiện tại là thấp, nhưng vẫn rất an toàn.
Bởi vì thứ nhất, theo báo cáo tài chính, tổng giá trị tài sản đảm bảo của SHB hiện nay là hơn 12 triệu tỷ đồng, trong khi phần dư nợ chỉ chiếm khoảng 47% trên giá trị đó. Điều này cho thấy tài sản đảm bảo của SHB là rất lớn, vượt xa tổng dư nợ. Khi có nợ xấu xảy ra, giá trị tài sản đảm bảo có thể bù đắp phần lớn.
Chúng tôi cũng cam kết việc trích lập dự phòng nợ xấu được tính toán đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật.
Về tình hình dư nợ SHB trong lĩnh vực bất động sản, năm 2024 chiếm 24,5% tổng dư nợ, hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án.
Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại SHB hiện nay là rất thấp, chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ toàn ngân hàng, chiếm 0,5% trên tổng dư nợ bất động sản khoảng 127.000 tỷ đồng. Các khoản cho vay bất động sản của SHB rất tuân thủ và an toàn.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển bổ sung thêm: Về triển vọng ngành bất động sản, chúng tôi cho rằng là rất tốt. Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế và bất động sản. Tất nhiên, sẽ có những thời điểm thị trường biến động, nhưng về dài hạn thì rất tiềm năng.
Nhu cầu của người dân Việt Nam về nhà ở, thương mại, dịch vụ và giải trí hiện vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Đây chính là dư địa để thị trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Do đó, bất động sản Việt Nam nói chung và các dự án bất động sản do SHB tài trợ nói riêng đều là những khoản đầu tư tiềm năng, hiệu quả và an toàn.
- SHB đã đầu tư như thế nào vào công nghệ để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác và cung cấp các sản phẩm dịch vụ linh hoạt, thu hút khách hàng lớn?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Về công nghệ, mục tiêu chiến lược của SHB là trở thành ngân hàng số một về hiệu quả và là ngân hàng công nghệ được yêu thích nhất. Chúng tôi tập trung vào 4 trụ cột: Lấy khách hàng làm trung tâm; Lấy con người làm chủ thể; Dùng khoa học công nghệ là động lực quan trọng; Cải cách tổ chức bộ máy, tinh gọn bộ máy, chống lãng phí
SHB sẽ sớm đưa ra những sản phẩm - dịch vụ hiện đại, tiện ích, giúp khách hàng và chuyên viên ra quyết định nhanh chóng.