Sáng nay 26/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Tính đến 8h56, số lượng cổ đông tham dự đạt 80 người, đại diện cho hơn 82% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú nhận định trong giai đoạn 5 năm qua 2028 - 2023 ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,5 lần, tỷ lệ nợ xấu giảm về 0,84%.
Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19%, tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân đạt 17%; tăng trưởng tiền gửi khách hàng đạt 21%. Riêng trong năm 2022, tăng trưởng huy động khách hàng đạt gần 40%, ở mức cao nhất toàn ngành trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin xấu.
Trong năm 2023, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên mức 350.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 39% lên 22.016 tỷ đồng. Tổng huy động vốn ước đạt 306.960 tỷ đồng, tăng 6% so với năm ngoái.
Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế đạt 215.755 tỷ đồng, tăng 18% . Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tùy theo hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu cho vay kiểm soát dưới 2,2%.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm 2023 được nhận định là năm tương đối khó khăn với hoạt động ngân hàng khi điều kiện nền kinh tế và thị trường tài chính ngân hàng có nhiều biến động, room tín dụng tiếp tục bị giới hạn.
Ngân hàng sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục tăng thu lãi đồng thời tìm cách giảm giá vốn đầu vào để cải thiện biên lãi thuần, tăng cường bán chéo sản phẩm, gia tăng thu nhập ngoài lãi.
Cũng trong năm 2023, ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu, từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.
Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là gần 620 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành theo phương án này, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.
Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ. Ngân hàng cho biết đây là nhu cầu tất yếu khách quan đối tới TPBank, nhằm nâng cao vị thế và khả năng cạnh trạnh trên thị trường tài chính khu vực và trên thế giới.
Cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và BIDV sẽ tham gia HĐQT, BKS
TPBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua tờ trình bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028.
Cụ thể, số lượng thành viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới là 6, trong đó có một thành viên độc lập. Danh sách ứng cử viên dự kiến có 4 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Shuzo Shikata.
Ngoài ra còn có hai ứng cử viên mới là bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (ứng cử thành viên HĐQT độc lập).
Bà Nguyễn Thị Mai Sương sinh năm 1961, có trình độ học vấn thạc sỹ kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà từng giữ vị trí Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022), sau đó nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 7/2022 đến nay.
Bà Võ Bích Hà sinh năm 1967, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hà đã có nhiều năm công tác tại BIDV và đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Trưởng phòng quản lý vốn góp, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát. Bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022 đến nay.
Về BKS, danh sách ứng viên bao gồm bà Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1967, trình độ cử nhân Kinh tế, Học Viện Ngân hàng. Năm 2011-2019, bà Hương giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Từ 2019-2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV. Sau đó bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 11/2022 đến nay.
Hai ứng viên còn lại là ông Thái Duy Nghĩa và bà Nguyễn Thị Thu nguyệt, hiện là thành viên BKS nhiệm kỳ hiện tại sẽ tham gia ứng cử vào nhiệm kỳ mới.
Phần Thảo luận:
- Tỷ lệ tăng vốn điều lệ được HĐQT trình hiện tại là hơn 39%, tại sao không phải là 50% trong khi sức tăng của chúng ta còn rất thoải mái, lợi nhuận giữ lại vẫn đủ?
Chủ tịch Đỗ Minh Phú: Việc đưa ra con số tỷ lệ tăng vốn này, HĐQT phải căn cứ vào khả năng của vốn chủ sở hữu của ngân hàng, phần vốn muốn tăng thêm lấy từ nguồn lợi nhuận để lại. Chúng tôi đã cân nhắc và cảm thấy mức 39% lên hơn 22.000 tỷ đồng là phù hợp. Chúng tôi không muốn tăng hết tất cả mà để lại một phần dự trữ. Đây là mức tăng khá cao bình thường các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ khoảng dưới 20%.
- Hiện thương hiệu Livebank đã được bên khác đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị HĐQT kiểm tra và xem xét về vấn đề này.
Chủ tịch Đỗ Minh Phú: Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Hiện TPBank đã đăng ký cụm Livebank 24/7, đảm bảo được việc sử dụng trong hoạt động của ngân hàng.
- Nhìn các con số tăng trưởng của TPBank trong 5 năm là rất ấn tượng. Trong năm 2022 chúng ta có sự kiện chia cổ tức tiền mặt 25%, đây là phương án mà rất ít ngân hàng dám chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao như vậy. Sắp tới có dịp nào ngân hàng sẽ tiếp tục chia như vậy không?
Chủ tịch Đỗ Minh Phú: Với phần lợi nhuận để lại, có nhiều phương án phân phối như tăng vốn chủ, đầu tư. Chúng tôi sẽ sử dụng lợi nhuận mà ngân hàng làm ra được để chia cho các cổ đông làm sao để phần còn lại đảm bảo ngân hàng hoạt động ổn định.
Nếu ngân hàng tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu. Tỷ lệ chia cổ tức HĐQT sẽ cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
- Quá trình tái cơ cấu công ty tài chính đến đâu? Chúng ta có định hướng trở thành ngân hàng có hệ sinh thái đa dạng như nhiều ngân hàng khác hay không?
Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Hanico - HAFIC, vấn đề này đều có sự chuẩn bị và xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ HAFIC theo phương án tự khắc phục, tự phục hồi. Nếu phương án hoàn tất thì TPBank sẽ có thêm 1 công ty tài chính tiêu dùng để đa dạng thêm hệ sinh thái của ngân hàng TPBank.
Hiện nay hệ sinh thái của TPBank có CTCK (công ty liên kết góp vốn dưới 11%), Công ty quản lý quỹ. (công ty con), và dự kiến là công ty tài chính tiêu dùng (công ty con).
- TPBank đánh giá như thế nào về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp của mình? Gần đây TPBank có ký kết thỏa thuận về việc hợp tác triển khai xây dựng hoàn thiện dự án The Grand Manhattan, ngân hàng đã cấp tín dụng ra sao với dự án này và đánh giá khả năng trả nợ ra sao?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Hầu hết các khoản TPDN của ngân hàng đều có tài sản bảo đảo và đều có sự quản lý nghiêm ngặt như các khoản vay. Việc trích lập dự phòng và phân loại nợ được thực hiện theo đúng yêu cầu quy định của NHNN. Các khoản trái phiếu này không có quá nhiều, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ và đều được quản lý tốt và không có vấn đề gì xấu xảy ra với các khoản này.
Đối với dự án The Grand Manhattan của Novaland, có thể nói rằng đây là một trong những dự án tốt nhất, 1 trong 7 dự án của UBND TP HCM ưu tiên tháo gỡ. Đến nay, đây là dự án duy nhất đã được tháo gỡ pháp lý và đã hoàn thành phần cất nóc cũng như triển khai kinh doanh tiếp.
Chúng tôi cũng phân tích rõ rằng nếu thị trường BĐS thiếu vốn, nếu người mua trông chờ vào việc xây dựng dự án có khả năng hoàn thành không, có giao nhà đúng thời hạn không thì dự án này có khả năng đó là cao.
Dự án đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% còn lại và kể cả là giảm giá xuống đến mức tối đa của thị trường vẫn thừa khả năng trả nợ.
Về chủ trương, TPBank chỉ tài trợ tiếp cho các nhà thầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình. Phần phải thu của những khách đã mua nhà từ trước đến bây giờ vẫn còn lượng tiền rất lớn, dư sức để trả nợ cho ngân hàng kể cả phần cũ lẫn phần tài trợ thêm vốn lưu động để hoàn thiện tiếp công trình.
Ngân hàng làm gì cũng rất chắc chắn và điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN đã ban hành các văn bản yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS và người dân mua nhà.
- TPBank sở hữu bao nhiêu trái phiếu của Novaland? Số dư trái phiếu của Tập đoàn Doji tại Chứng khoán ORS là bao nhiêu?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: TPBank không sở hữu trái phiếu nào của Novaland, còn danh mục trái phiếu đầu tư của ORS thì thuộc phạm vi của ORS không phải của ngân hàng.
Ông Đỗ Minh Tú: Tập đoàn Doji đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại chứng khoán ORS vào cuối năm ngoái.
- Theo kế hoạch của ngân hàng, có sự chênh lệch không tương thích khi số lượng mới tăng cao nhưng tăng trưởng về huy động tiền gửi theo kế hoạch chỉ tăng có 8%. Xin ban lãnh đạo giải thích vấn đề này?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Việc phát triển khách hàng nhanh phù hợp với chiến lược của ngân hàng và xu hướng không dùng tiền mặt được khuyến khích hiện tại. Việc một ngân hàng có cơ sở khách hàng lớn sẽ rất quan trọng vì đó là khách hàng tiềm năng trong tương lại, không nên chỉ nhìn vào những con số kết quả ở ngay thời điểm hiện tại.
Về mức tăng trưởng huy động vốn ở mức 8%. Hiện nay, huy động có chi phí cao khi mặt bằng lãi suất tăng cao trong khi việc cho vay ra có giới hạn. Do đó, chúng tôi phải khéo léo để vốn không thừa không thiếu, có chi phí vốn thấp nhất, đảm bảo hiệu quả hoạt động và thanh khoản.
Chúng tôi đánh giá tốc độ tăng trưởng như vậy là rất phù hợp. Trong năm trước, ngay cả trong thời điểm thị trường căng thẳng, thị trường 2 đóng băng, TPBank ko gặp căng thẳng về vấn đề thanh khoản.
Đại hội đồng cổ đông thông qua tất cả tờ trình.