Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2024 09:55

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD

Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.

Sáng 25/4 tại Hà Nội, tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2024. Tại đây, tập đoàn muốn thông qua mục tiêu 200.000 tỷ đồng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

 

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, hội đồng quản trị đề xuất trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ và toàn bộ lợi nhuận còn lại được giữ lại dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2023, tập đoàn có số dư lợi nhuận chưa phân phối hơn 14.100 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất. 

Hình ảnh trước giờ diễn ra cuộc họp thường niên. (Ảnh: Đức Huy).

Năm 2024, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: 

Ở trụ cột Công nghệ - Công nghiệp, năm 2024, VinFast sẽ mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường mới trên thế giới. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.

Ngoài Việt Nam, VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia. Nhằm cải thiện biên lợi nhuận, VinFast cũng thực hiện nghiên cứu các sáng kiến thiết kế nhằm giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời tìm nguồn cung ứng và mua hàng hiệu quả để tối ưu chi phí.

Về trụ cột Thương mại – Dịch vụ, Vinhomes đặt mục tiêu gia tăng doanh số thông qua việc ra mắt các dự án mới và kiện toàn kênh phân phối, đẩy mạnh mô hình O2O. Theo đó, Vinhomes sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có trên toàn quốc, tiếp tục cải thiện hệ thống kinh doanh online, hướng tới nâng cao trải nghiệm mua hàng, minh bạch hóa chính sách và giá cả sản phẩm.

Vinpearl tiếp tục duy trì nhận diện thương hiệu về vui chơi – giải trí - nghỉ dưỡng tại Việt Nam, và là lựa chọn cho trải nghiệm của tập khách gia đình. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng vượt năm 2023, thông qua việc đẩy mạnh khai thác nguồn khách, các kênh bán hàng và đưa ra các chiến lược marketing mới. 

 

9h sáng 25/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vingroup chính thức được khai mạc. Kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, 97 cổ đông ủy quyền, 135 cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền, chiếm 76,9% tổng số phiếu biểu quyết của công ty.

 

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup, khai mạc đại hội. Ông Quang cho biết năm 2023, VinFast đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt khi chính thức niêm yết trên Sàn Chứng khoán Nasdaq Stock LLC của Mỹ, trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu.

Tính đến hết năm 2023, VinFast đã xuất ra thị trường gần 35.000 ô tô điện và hơn 72.000 xe máy điện, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh.

 

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup tại cuộc họp. Tại đây, ông Vượng khẳng định tương lai của Vingroup là VinFast, sẽ không bao giờ bỏ VinFast và thể hiện niềm tin vào thị trường xe điện trong tương lai, khi cho rằng "đây là xu hướng tất yếu". Theo ông Vượng, VinFast sẽ có dòng tiền dương từ năm 2026 và bắt đầu có lãi ở các thị trường. (Ảnh: Vingroup).

 

Kết thúc cuộc họp thường niên, tất cả tờ trình đã được thông qua.

Phần trao đổi thảo luận

Cổ đông:Tương lai gần 2024 - 2025, niêm yết Vinpearl hay không, ngoài ra có kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty khác?

Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi đang làm hồ sơ niêm yết Vinpearl vào cuối năm nay, kỳ vọng thị trường sẽ thuận lợi. Vế kế hoạch thoái vốn các công ty khác, hiện chưa có kế hoạch. 

Cổ đông: Xanh Taxi niêm yết hay không?

Ông Phạm Nhật Vượng: Hiện nay chúng tôi đang tiến hành mở rộng ra các thị trường quốc tế. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch để nếu có thì niêm yết trên thị trường quốc tế.

Cổ đông: 3 năm làm cổ đông, vấn đề dòng tiền ảnh hưởng tới rất nhiều cổ phiếu và bán hàng. Thị trường nghi ngờ dòng tiền của tập đoàn không ổn định. Về việc tài trợ cho VinFast, tập đoàn đã chuẩn bị nguồn lực đến đâu? Việc xây nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia, tập đoàn đã chuẩn bị dòng tiền đến đâu?

Ông Phạm Nhật Vượng: Thị trường nghi ngờ về dòng tiền và năng lực của Vingroup là không có cơ sở. Đến giờ chúng tôi chưa chậm trả lãi ngân hàng một đồng nào chứ chưa nói đến việc trả gốc, mọi kế hoạch đều được thực hiện nghiêm túc. Tất nhiên chúng ta đều khó khăn nhưng tôi cho rằng khó khăn nhất đã qua rồi, giai đoạn thị trường phục hồi đã quay trở lại. Vinhomes vừa qua đã bán được lượng hàng khổng lồ. VinFast lần đầu tiên trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất ở Việt Nam.

Do đó những cái nghi ngờ đó là không có cơ sở. Từ lâu tôi đã nói VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới. Rất có nhiều khó khăn. Chúng tôi dành tất cả nguồn lực cho VinFast, không có chuyện chúng tôi sẽ buông bỏ VinFast. Tôi đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD. Tới đây cá nhân tôi sẽ tiếp tục thu xếp tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD nữa.

Tôi mong mọi người Việt Nam cùng chung tay đóng góp VinFast, để thương hiệu có thể mang lại niềm tự hào, nền tảng để phát triển nền công nghiệp. 

Việc xây dựng nhà máy tại nước ngoài không chỉ giúp VinFast tăng khả năng cạnh tranh khi tiết giảm tối đa chi phí về logistics, mà Tập đoàn còn có thể nhận hỗ trợ hơn lớn từ chính sách và thuế phí, “được nhiều hơn” từ cơ chế ưu đãi của địa phương.

Tại Mỹ, trong 5 năm VinFast bỏ ra 2 tỷ USD để phát triển thì có thể nhận được hơn 2 tỷ USD tiền hỗ trợ bao gồm cả các chính sách ở nước sở tại. Đây chính là các đòn bẩy để VinFast có thể chiếm ưu thế tại thị trường quốc tế và cải thiện doanh số. Nguồn vốn phát triển các nhà máy tại các nước trên đều là nguồn vốn huy động từ các nước sở tại bởi tại đây đều có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh.

Cổ đông: Mọi người đều nghi ngờ thị trường và giá cổ phiếu thị trường chủ yếu là do VinFast. Tôi có góp ý như sau, sự sống còn của tập đoàn phụ thuộc vào VinFast. Dạo gần đây thị trường xe điện không còn thuận lợi nữa. Thị trường chứng khoán cũng thế, không phải là thiên thời nữa. Tôi có ý kiến là tránh tình trạng sau này đầu đuôi không cứu được nhau. Vingroup đang nợ rất nhiều, nếu VinFast giảm chi phí, khoản lỗ tiến tới không ảnh hưởng tới Vingroup.

Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi không cho rằng xe điện hết thời mà sẽ là xu hướng bền vững không thể đảo ngược. Đặc biệt chi phí về pin đang rẻ đi vì công nghệ, dẫn đến xe điện sẽ có giá rẻ bằng xe xăng. VinFast cũng có chính sách thuê pin. Tại thị trường Indonesia, Việt Nam, xe điện VinFast đang cạnh tranh trực tiếp xe xăng. Do đó không lý gì xe điện không đánh chết xe xăng?

Xe điện góp phần quan trọng giúp thành phố sạch hơn. Nếu chúng ta không làm điều đó, đến con cháu chúng ta cũng không có cuộc sống khoẻ mạnh. Tại Việt Nam, chúng tôi khẳng định cạnh tranh mạnh mẽ với xe xăng. Bản thân tôi sẽ bỏ 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới để xây dựng trạm sạc. Động thái này chủ yếu để giải quyết vấn đề tinh thần. Thống kê trên thế gới trên 90% người dùng đi xe dưới 100km/ngày, trong khi chúng ta đi 40-50km thì sạc ở nhà được rồi, việc gì phải sử dụng sạc bên ngoài. 

Tôi cho rằng VinFast phù hợp với xu thế, Tesla giảm vì cũng có những đơn vị như VinFast vào đánh chiếm, rỉa thị phần của họ. Câu chuyện thứ hai là tâm lý của những người chưa hiểu thị trường. VinFast mạnh lên mỗi ngày, chúng tôi làm cho VinFast rẻ hơn về chi phí, tiếp thị. Tương lai của Vingroup là VinFast và chúng ta đang đi đúng hướng.

Cổ đông: Phần lớn người Việt đi xe máy. Nếu tập trung vào thị trường trong nước, VinFast nên tập trung vào khách hàng là bà nội trợ, đưa đón đi lại trong phố thuận tiện. Phân khúc này sẽ phù hợp với giá cả của người Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng: Tháng 6 chúng tôi mở nhận hàng cho VF 3 với giá rất hợp lý. Đến giờ này việc phát triển xe của VinFast đã hoàn thành. Chúng tôi sẽ tập trung khai thác giá trị từ dải xe đó.

Cổ đông: Liệu Vingroup có tham gia xu hướng bán dẫn, chip? Thời điểm VinFast có lãi?

Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi là chuyên gia của ô tô, không phải là chuyên gia của chip. Còn về VinFast dự kiến tới 2026 hoà EBITDA và bắt đầu có lãi. Năm 2026 chúng ta sẽ có dòng tiền dương. Thực tế một số thị trường đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền “3 không”: không khấu hao - không lợi nhuận - không chi phí tài chính, tất cả nội dung đó bỏ ra không tính vào giá thành để cho năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Dần dần từng bước có thể nói lên câu chuyện tính được cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào trong giá xe để mục tiêu có lãi.

Cổ đông: Hiện VinFast thu chủ yếu là bán xe, nhưng theo tôi biết chứng chỉ carbon cũng ra tiền. Hiện VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?

Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi thành lập tổ công tác để thúc đẩy bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.

(Ảnh trong bài: Vingroup, Đức Huy. Đồ hoạ: Huy Lê)

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 10:25
Tỷ phú Trần Bá Dương: Thaco vẫn đánh cược rất lớn vào nông nghiệp và HAGL Agrico

Công ty nông nghiệp tiếp tục đặt kế hoạch lỗ năm thứ 4 liên tiếp, nhưng đã giảm mạnh mức lỗ về còn khoảng 120 tỷ đồng. Công ty dự kiến đến 2028 sẽ có lãi 2.450 tỷ đồng.

Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 10:07
Chủ đầu tư đầu tiên của tòa Saigon One Tower bị cưỡng chế thuế

Nợ quá hạn gần 30 tỷ đồng tiền thuế, chủ đầu tư ban đầu của tòa nhà Saigon One Tower bị cơ quan thuế cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.

Tài chính Doanh nghiệp 03/05/2024 22:15
Ông Lê Bá Thọ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cadivi

Theo thông tin vừa công bố, kể từ 3/5/2024, ông Lê Bá Thọ sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi).

Tài chính Doanh nghiệp 03/05/2024 19:42
ĐHĐCĐ Cadivi: Ông Nguyễn Văn Tuấn rời ghế Chủ tịch HĐQT, tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2023 lên đến 100%

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Công ty đã chia cổ tức với lượng tiền lớn nhằm tối ưu hóa dòng tiền của Tập đoàn Gelex. Định hướng từ 2024 sẽ chia với tỷ lệ khoảng 50% để Cadivi có nguồn tiền để dự phòng, mở rộng sản xuất kinh doanh.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO