Nửa đầu năm 2025, GDP tăng 7,52% – mức cao nhất trong 15 năm – nhờ phục hồi đồng đều ở các ngành. Công nghiệp tăng trưởng nhờ sản xuất chế tạo và xây dựng lần lượt tăng 10,1% và 9,6%. Dịch vụ tăng 8,1%, trong đó du lịch đóng vai trò đáng kể. Theo nhà quản lý quỹ, kết quả này cho thấy khả năng ứng phó và ổn định của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng. FDI giải ngân đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước – cao nhất trong 5 năm gần đây. Vốn đăng ký đạt 21,8 tỷ USD, tăng 33%, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất. Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là các nhà đầu tư lớn, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến trong chuỗi cung ứng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến cuối tháng 6. (Nguồn: Tổng cục Thống kê/Lumen Vietnam).
Xuất khẩu trong nửa đầu năm đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng 17,9%, đạt 212,2 tỷ USD. Thặng dư thương mại ở mức 7,63 tỷ USD. Các mặt hàng như điện tử, máy móc, dệt may và da giày duy trì tăng trưởng hai chữ số. Khối doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn vào thặng dư.
Giải ngân đầu tư công tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 11,1 tỷ USD, tương đương 31,7% kế hoạch năm. Quỹ đánh giá kết quả này thể hiện nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngân sách và định hướng phát triển hạ tầng.
Cùng với đó, việc hợp nhất từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố giúp giảm chồng chéo và cải thiện quản lý. Sau sáp nhập, TP HCM chiếm 24% GDP và 13% dân số cả nước. Thành phố đang được định hướng trở thành trung tâm tài chính và logistics. Chính phủ cũng đang xây dựng hai trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, với định hướng rõ ràng về lĩnh vực hoạt động và cơ chế khuyến khích.
Theo Lumen Vietnam Fund, chính sách tiền tệ và tài khóa đang được điều hành đồng bộ. Tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 661 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước – cao nhất từ 2023.
Quỹ ngoại nhận định đà tăng tín dụng có được nhờ các biện pháp hỗ trợ và khả năng hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực. Đồng thời, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án thay cơ chế hạn mức tín dụng bằng hệ thống phân bổ dựa trên rủi ro từ năm 2026.
Về tỷ giá, đồng Việt Nam đã mất giá 2,55% so với USD trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, quỹ dự báo áp lực giảm sẽ giảm trong các tháng còn lại nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất theo hướng nới lỏng. VND được dự báo giảm khoảng 3–4% trong cả năm, nhờ xuất khẩu tăng và FDI duy trì.
Với nền tảng vĩ mô, chính sách điều hành và dòng vốn duy trì ổn định, Lumen Vietnam Fund cho rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến được quan tâm trong khu vực. Quỹ cũng đánh giá cao triển vọng trung hạn khi các điều kiện kinh tế và chính sách vẫn ủng hộ tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Tính đến ngày 14/7, Lumen Vietnam Fund có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 349 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng (tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 26.000 VND). Hiệu suất từ đầu năm đạt 6,75%, thấp hơn mức tăng 16% của VN-Index.
Quỹ duy trì tỷ trọng lớn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa cao, với 46,5% danh mục phân bổ vào các mã HPG, MSN, FPT, VPB, BVH, VNM, CTG, STB, MWG, KBC. Xét theo ngành, tài chính chiếm 27,4%, tiêu dùng 28,7%, bất động sản 10,3%.
Top 10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục tại 14/7. (Nguồn: Lumen Vietnam).