Sáng 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) là quán triệt và thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đặc biệt, đổi mới và sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo hai cấp ở Trung ương và địa phương, khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.
Cụ thể, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều, giảm 54 điều so với Luật Thanh tra năm 2022. Việc lược bỏ 54 điều trong Luật Thanh tra năm 2022 sẽ giúp cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Dự thảo Luật đã lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; lược bỏ nội dung ở Luật để phân quyền cho Chính phủ quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Như vậy, các đơn vị thanh tra chuyên ngành đang được tổ chức ở hầu hết các bộ, ngành và địa phương sẽ không còn tồn tại trong hệ thống thanh tra. Các hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ được giữ lại, nhưng tách khỏi chức năng thanh tra.
Sau khi cơ cấu lại, hệ thống thanh tra sẽ gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan thanh tra trong Quân đội, Công an, Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Cơ yếu; và cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật cũng quy định một quy trình thanh tra thống nhất, không còn phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đó, tất cả cơ quan thanh tra sẽ thực hiện nhiệm vụ theo cùng trình tự, thủ tục, tránh tình trạng nhiều đoàn thanh tra cùng thanh tra một đối tượng như hiện nay.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ được mở rộng thẩm quyền, có thể trực tiếp thanh tra hoạt động của các bộ không có tổ chức thanh tra chuyên trách. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp nhận nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ bị giải thể. Thanh tra tỉnh cũng sẽ tiếp quản chức năng của thanh tra cấp huyện và các sở. Trường hợp cần thiết, sở có thể đề nghị thanh tra tỉnh vào cuộc, còn bộ có thể đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết,Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành, đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn khi chỉ còn 64 điều, giảm 54 điều (45,76%) so với Luật Thanh tra hiện hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật, thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như Luật hiện hành, bởi vì phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
"Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cho hay..
Ủy ban cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện, không để khoảng trống pháp lý hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như việc bổ sung quy định chuyển tiếp về: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra hay đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra kết thúc hoạt động sau sắp xếp.
Bộ Tài chính cho biết ngân sách đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp bộ máy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tổ soạn thảo khẩn trương lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.
Chiều 8/5, Chủ tịch nước Lương Cường trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Cấn Đình Tài và Nguyễn Dũng Tiến giữ chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Ba lãnh đạo CTCP Quản lý công trình đô thị Bắc Giang vừa bị khởi tố, tạm giam vì gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Nhà nước.