Mất động lực từ thị trường Trung Quốc, giá tiêu giảm mạnh

Nhu cầu tiêu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 60% đã gây áp lực lên giá tiêu nội địa.

Giá tiêu hạ nhiệt sau 5 tháng liên tiếp tăng mạnh

Sau 5 tháng liên tiếp giá tiêu đen tăng nóng lên 77.000 đồng/kg, thị trường bắt đầu đi xuống do động lực từ Trung Quốc không còn, trong khi các thị trường lớn khác như EU và Mỹ vẫn trầm lắng. Tính tới 10/7, giá tiêu giảm khoảng 10% so với mức đỉnh 1 năm thiết lập hồi tháng 5 xuống 67.500 đồng/kg. 

 

H.Mĩ tổng hợp 

 

 

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA), tổng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 cũng giảm 26% so với tháng 5 xuống21.209 tấn. Giá tiêu xuất khẩu bình quân gần như đi ngang so với tháng 5 ở mức 3.116 USD/tấn. 

 Số liệu: Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (H.Mĩ tổng hợp)

Trong số các thị trường chính, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc tháng 6 giảm mạnh nhất gần 60% so với tháng 5 xuống 4.200 tấn. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn 40% so với tháng 6/2022 do đây là thời điểm Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID khiến hoạt động xuất khẩu giảm sút mạnh.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, dù lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu sang đây phục hồi mạnh so với cùng kỳ nhờ động thái mở cửa nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách Zero COVID nhưng giá tiêu xuất khẩu trung bình trong nửa đầu năm nay vẫn thấp hơn hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3.584 USD/tấn. 

Trong top 5 thị trường xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai về thị phần (sau Indonesia) nhưng giá bán lại thấp nhất so với các đối thủ.

Trước đó, Trung Quốc là động lực chính giúp giá tiêu nội địa liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm khi nhu cầu nhập khẩu tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 50.369 tấn. 

 

 Số liệu:Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

 

Ngoài Trung Quốc, việc xuất khẩu tiêu sang một số thị trường truyền thống khác vẫn còn trầm lắng. Theo đó, lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ giảm 12,6% so với tháng 5 xuống 4.801 tấn; sang Châu Âu giảm 2,3% xuống 3.808 tấn.

  Số liệu: Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (H.Mĩ tổng hợp)

Mức giá tiêu hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái trồng tiêu vụ mới trong bối cảnh phải cạnh tranh với các loại cây khác cạnh tranh hơn về lợi nhuận. Tuy nhiên, mức giá này lại gây phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ cho rằng giá không cạnh tranh và kỳ vọng nguồn cung từ Indonesia vào tháng 7 sẽ giúp thị trường hạ nhiệt. Ngoài ra, lượng tồn từ các năm trước vẫn còn từ các nhà nhập khẩu EU và Mỹ. 

  Số liệu: Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (H.Mĩ tổng hợp)

Trao đổi với người viết bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA) cho biết thời gian qua hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sôi động vì vừa kết thúc vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Tuy nhiên, đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.

Sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ chịu sức ép khi giới đầu cơ có xu hướng chuyển sang cà phê và sức mua từ các thị trường lớn như EU, Mỹ và Trung Quốc giảm.

Đại diện VPSA cho biết trong năm 2023, ngành tiêu mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách.

“Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình”, vị này cho hay. 

Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hoá nhập khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.

Giá tiêu sẽ khó thủng mốc 63.000 đồng/kg?

Theo bà Liên, thị trường đang trong giai đoạn giằng co giữa bên bán và bên mua.  Sau nhiều lần va vấp trên thương trường, doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm mua hàng. Còn với người nông dân, họ cũng có những mức giá mục tiêu riêng nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và trang trải cuộc sống gia đình. 

Chi phí trồng tiêu hiện tại của người dân khoảng 63.000 đồng/kg. Đây là lý do tại sao mức giá này được xem là ngưỡng kháng cự vững chắc bởi nó đảm bảo cho người dân hoà vốn, họ chỉ bán ra khi giá ít nhất đạt ngưỡng này.

“So sánh biến động giá từ đầu năm đến nay đã thấy sự giằng co giữa nông dân và thị trường. Người nông dân không có nhiều tiêu để bán ồ ạt. Kể cả những hộ có nhiều hàng họ cũng không hạ giá. Thái độ bán hàng của bà con hiện rất cẩn trọng và không còn bán ồ ạt như những giai đoạn trước đây. Điều đó rất tốt, quyền đàm phán 2 bên cũng rất cân sức và tôi mừng cho bà con”, bà Liên cho biết.  

Theo bà Liên, để đánh giá việc liệu rằng giá có tăng trở lại hay không cần theo dõi sức kéo của cung - cầu trong thời gian tới. 

"Về mặt tâm lý ai cũng muốn giá lên, người dân muốn giá lên để hỗ trợ chi phí, doanh nghiệp muốn giá lên để có lợi nhuận chia sẻ với người dân. Bản thân nhà nước cũng cần giá tốt để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên cần đánh giá xem sức kéo của cung và lực đẩy của cầu có làm được điều đó hay không", bà Liên nhận định.

Với thị trường châu Âu và Mỹ, theo ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPSA trong thời gian tới, trừ khi nào xung đột Đông Âu kết thúc thì mới có tín hiệu tích cực về thị trường châu Âu.

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam

Lần đầu tiên, Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam, chiếm đến 98% tổng giá trị nhập khẩu điều của nước này.

Dự báo giá heo hơi ngày 16/1: Sẽ tiếp tục điều chỉnh tại một số khu vực

Theo các chuyên gia, giá heo hơi ngày mai có thể đi lên tại một số địa phương do nhu cầu thịt heo tăng cao vào cuối năm.

Thủ tướng: Xác định lộ trình để hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030, Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân.

Xuất khẩu tôm đối mặt với thách thức thiếu nguyên liệu

VASEP nhận định ngành tôm dù vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu hụt.