Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 12/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tại Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: "Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá ba năm.”.
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Chí Nghĩa (đoàn thành phố Cần Thơ) cho rằng quy định thời gian miễn thuế tối đa là ba năm là ngắn, có thể không đủ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi, các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.
Hơn nữa, dự thảo Luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
ĐBQH Đào Chí Nghĩa, đoàn thành phố Cần Thơ. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có thể không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu chứng minh hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm giảm tính tiếp cận của chính sách.
"Cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng", đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị.
Có cùng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá ba năm là chưa đủ, chưa đảm bảo khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ; do vậy cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm.
Tại khoản 1 dự thảo Luật quy định: "Doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ".
Về vấn đề này, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị việc trích % thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần linh hoạt hơn, quy định “tối đa 10%” là chưa phù hợp với thực tế đối với từng loại doanh nghiệp, từng ngành nghề hoạt động;
Vì vậy, cần quy định cho phép các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp được trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là 15% thu nhập tính thuế hàng năm, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đoàn Lâm Đồng. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)
Còn tại khoản 2 quy định: “Trong thời hạn 5 năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó...”.
Theo ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, có nhiều dự án nghiên cứu khoa học đến 10 năm hoặc 15 năm vẫn chưa thành công, ví dụ nghiên cứu, phát triển một số loại thuốc trong ngành y hoặc một số lĩnh vực về phần mềm máy tính... Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định về thời hạn sử dụng Quỹ linh hoạt hơn, bởi
"Cần quy định cho phép chuyển đổi Quỹ chưa sử dụng hết vào những năm sau và không bị truy thu thuế, nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định cơ chế giám sát việc sử dụng Quỹ một cách chặt chẽ, phòng chống các trường hợp lạm dụng Quỹ để sử dụng trái nguyên tắc hoặc tham nhũng, lãng phí", đại biểu nêu rõ.
UBND TP HCM đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công được giao năm nay, tương đương hơn 84.400 tỷ đồng.
"Theo dự báo, từ giờ đến cuối năm sẽ có ba lần Fed giảm lãi suất là vào các tháng 7, 9 và 12 với mức giảm khoảng 0,25 điểm % mỗi lần, ông Trần Ngọc Báu", CEO Wigroup cho hay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ bằng đường biển phải xuất hàng trong khoảng thời gian từ 20 - 30/5 mới kịp thời hạn được hoãn thuế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất quy mô 10 làn từ TP Hưng Yên tới TP Thái Bình.