Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 14:06

Mỹ có nguy cơ 'lạm phát đình trệ' vì thuế quan của ông Trump

Các chuyên gia nhận định nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào lạm phát đình trệ đã tăng lên so với trước khi ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.

Tàu container tại cảng biển ở California. (Ảnh: Getty Images). 

Cảnh báo của "ông vua Phố Wall"

Tỷ phú Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, đã dành phần lớn năm 2024 để cảnh báo rằng rủi ro lạm phát đình trệ những năm 1970 có thể tái diễn. Dĩ nhiên, bình luận của người đàn ông được mệnh danh là “ông vua Phố Wall” thu hút rất nhiều sự chú ý.

Tại một hội nghị hồi tháng 5, ông Dimon phát biểu: “Quy mô kích thích tài khóa và tiền tệ trong 5 năm qua thực sự rất lớn. Làm thế nào mà điều đó lại không dẫn đến lạm phát đình trệ?”

Tuy nhiên, dự đoán của ông Dimon vấp phải rất nhiều sự chỉ trích của các nhà kinh tế. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh trong buổi họp báo tháng 5: “Tôi không thấy ‘lạm phát đình trệ’ ở chỗ nào cả”.

Nhưng đó là nhận định trước khi ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống. Theo tờ CNN, người Mỹ có thể cần chuẩn bị để sống trong môi trường tăng trưởng kinh tế trì trệ kết hợp với lạm phát nóng - viễn cảnh mà nước này chưa từng trải qua trong hơn nửa thế kỷ qua.

Sắp tới đây, lạm phát đình trệ có thể sẽ được thúc đẩy bởi thuế quan chứ không phải cú sốc năng lượng như vào thập niên 1970.

Trong chưa đầy một tháng nữa, ông Trump sẽ có quyền đánh thuế quan lên những quốc gia khác chỉ bằng một chữ ký. Gần đây, ông đã đe dọa sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico và Canada, đồng thời tăng thuế thêm 10% đối với hàng hóa Trung Quốc ngay sau lễ nhậm chức.

Trên đường tranh cử, ông đề xuất áp thuế 10 - 20% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bất kể xuất xứ, riêng thuế suất đối với Trung Quốc có thể lên 60% hoặc hơn.

Có khả năng ông Trump sẽ không thực sự tiến hành những kế hoạch trên mà sử dụng chúng làm công cụ thương lượng trên trường quốc tế. Nhưng nếu ông thực sự đánh thuế, chúng có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ quay trở lại một trong những giai đoạn đau đớn nhất và kéo dài hơn một thập kỷ.

Ô tô xếp hàng trước một trạm xăng ở New York tháng 12/1973. (Ảnh: AP). 

Kinh tế Mỹ hiện không lạm phát đình trệ

Chủ tịch Powell kể lại trong cuộc họp báo tháng 5: “Tôi đã sống trong thời lạm phát đình trệ. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%, lạm phát khoảng 15% và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp”.

Lúc bấy giờ, Fed phản ứng bằng cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng sau đó lại phải đối mặt với ngọn lửa lạm phát. Để dập lửa, Fed tăng lãi suất nhưng thắt chặt chính sách tiền tệ lại khiến thêm nhiều lao động mất việc.

Để phá vỡ vòng lặp tai hại, Fed chọn ưu tiên hạ gục lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất dù phải chứng kiến nền kinh tế lao vào suy thoái.

Nền kinh tế Mỹ hiện nay không tồn tại những thách thức mà Fed phải đối mặt trong thập niên 1970 và 1980. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ trong năm nay nhưng vẫn chỉ ở mức 4,2%, thấp hơn 2 điểm % so với mức trung bình 50 năm qua.

Lạm phát cũng đã hạ nhiệt đáng kể, xuống gần với mục tiêu 2% của Fed. Còn về nền kinh tế tổng thể, GDP quý III của Mỹ tăng trưởng 3,1% (tính theo tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Con số này rất đáng nể xét trong bối cảnh rằng Fed đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong vài thập kỷ để ghìm cương giá cả.

 

Con đường dẫn đến lạm phát đình trệ

Ông Michael Feroli, nhà kinh tế cấp cao tại JPMorgan, nói với CNN rằng các đề xuất thuế quan của ông Trump có thể sẽ không châm ngòi cho lạm phát bùng cháy lần nữa.

Dĩ nhiên thuế quan có khả năng khiến rất nhiều sản phẩm mà người Mỹ thường mua trở nên đắt đỏ hơn, nhưng chúng có thể chỉ gây tác động một lần, giống như một đợt tăng thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, thuế quan có thể kích hoạt cho một loạt đợt tăng giá nếu người Mỹ dự kiến lạm phát sẽ ngày càng tăng và đòi hỏi doanh nghiệp tăng lương tương ứng, dẫn đến việc các công ty tiếp tục nâng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào. 

Và nếu thuế quan mới được ban hành một cách “lộn xộn”, “vội vàng”, không cho doanh nghiệp đủ thời gian để tái thiết lập chuỗi cung ứng, chúng có thể cản trở đáng kể tăng trưởng kinh tế vì doanh nghiệp sẽ phải hoãn các dự định đầu tư mới cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng.   

Ông Feroli nói tiếp rằng lạm phát đình trệ cũng có thể xảy ra nếu những quốc gia khác trả đũa bằng cách áp thuế quan vào hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Hiện tại, ông Feroli đánh giá rủi ro nền kinh tế Mỹ rơi vào lạm phát đình trệ đã lên cao hơn so với một năm trước, nhưng đó không phải kịch bản chính của ông. Ông tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ cho doanh nghiệp Mỹ đủ thời gian để phản ứng với thuế quan nếu Washington thực sự tiến hành kế hoạch.

Các nhà kinh tế của Wells Fargo cũng có quan điểm tương tự như ông Feroli. Họ viết trong lưu ý tháng trước: “Nếu các mức thuế quan mới được ban hành không lâu sau khi ông Trump nhậm chức, chúng sẽ tạo ra cú sốc lạm phát đình trệ khiêm tốn tới nền kinh tế Mỹ.

Khi đó, chúng tôi sẽ nâng dự báo lạm phát trong ngắn hạn và đồng thời hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP. Xác xuất về kịch bản lạm phát đình trệ trong mô hình của chúng tôi nhiều khả năng sẽ đi lên.

Tuy nhiên, các chính sách tương lai của chính quyền ông Trump còn rất nhiều điểm không chắc chắn và khó đoán định”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 17:06
3 ngân hàng Mỹ bị kiện vì khiến hàng trăm nghìn khách hàng mất 870 triệu USD

Wells Fargo, JP Morgan Chase và Bank of America bị kiện với cáo buộc không có biện pháp kiểm soát gian lận trên ứng dụng thanh toán Zelle, khiến hàng trăm nghìn khách hàng mất hơn 870 triệu USD.

Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 16:34
Máy bay rơi ở Kazakhstan, nhiều hành khách nghi đã thiệt mạng

Một máy bay chở khách đi từ Azerbaijan đến Nga đã gặp nạn gần thành phố Aktau ở Kazakhstan.

Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 15:47
Đi ngủ - bí quyết thành công của Warren Buffett, Bill Gates và Elon Musk

Warren Buffett - một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại - rất coi trọng giấc ngủ của mình. Tương tự Buffett, các tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gates, Jeff Bezos và Elon Musk cũng có thói quen đi ngủ lành mạnh.

Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 11:52
Thời buổi khó khăn, nhiều thương hiệu quốc dân của Mỹ nối đuôi nhau phá sản trong năm 2024

Áp lực từ môi trường kinh tế vĩ mô, nợ nần chồng chất, sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đã buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ dừng cuộc chơi trong năm 2024, trong đó có cả những công ty nổi tiếng lâu năm như Tupperware.