Thuyền chở container tại Cảng Los Angeles. (Ảnh: Getty Images).
Theo nguồn tin của tờ Financial Times, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ đang giảm bớt kỳ vọng vào việc đạt được những thỏa thuận thuế quan đối ứng toàn diện với các nước đối tác.
Thay vào đó, giới chức Nhà Trắng đang theo đuổi những thỏa thuận hẹp hơn nhằm tránh việc Mỹ tái áp đặt thuế quan cao sau hạn chót là ngày 9/7.
Cụ thể, các quan chức Mỹ đang cố gắng đạt được những thỏa thuận theo từng giai đoạn với các quốc gia tích cực đàm phán nhất. Cách tiếp cận này mở ra cơ hội để một số nước chốt được thỏa thuận khiêm tốn với Mỹ.
Nguồn tin nói rõ hơn rằng chính quyền ông Trump muốn có “các thỏa thuận về mặt nguyên tắc” về một số ít xung đột thương mại trước hạn chót.
Những nước đồng ý với thỏa thuận có phạm vi hẹp sẽ tránh được mức thuế quan đối ứng cao mà ông Trump công bố vào ngày 2/4, nhưng vẫn phải chịu mức thuế cơ bản 10% trong lúc các bên tiếp tục thảo luận về những vấn đề rắc rối hơn.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn rất phức tạp và Nhà Trắng còn đang tính đến việc áp thuế quan theo ngành.
Bộ Thương mại Mỹ đã khởi động các cuộc điều tra vào những ngành hàng quan trọng với an ninh quốc gia, bao gồm chip bán dẫn, dược phẩm và khoáng sản thiết yếu. Nhiều chuyên gia dự kiến chúng sẽ mở đường để Mỹ ban hành thuế quan mới theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại.
Trong quá trình đàm phán thương mại, một số quốc gia đã nỗ lực thuyết phục Mỹ miễn trừ hàng xuất khẩu của họ khỏi thuế quan 25% đối với ô tô và phụ tùng, cũng như mức thuế 50% đánh vào nhôm thép.
Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Anh cho phép một số ô tô Anh xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế thấp hơn. Đồng thời, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đàm phán về các điều khoản miễn trừ khác cho dược phẩm. Anh cũng được giảm thuế quan đối với thép và linh kiện hàng không.
Sự thiếu vắng thông tin về ý định đánh thuế quan theo ngành hàng của Mỹ là một trong những yếu tố cản trở các cuộc đàm phán thương mại.
Vào ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Scott Bessent báo hiệu rằng Mỹ đang tập trung chủ yếu vào thuế quan đối ứng và sẽ cân nhắc thuế quan theo ngành vào thời gian sau.
Ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV: “Thuế quan theo Mục 232 cần nhiều thời gian để triển khai, do đó chúng tôi sẽ xem xét chung sau”.
Một ẩn số khác là chủ nhân Nhà Trắng sẽ xử trí thế nào đối với những quốc gia không chấp nhận thỏa thuận mới với Mỹ trước hạn chót.
Cũng trong ngày 30/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump đã gặp gỡ với các cấp dưới để thiết lập mức thuế quan cho những quốc gia “không ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí”.
Sau đó, ông Trump dùng mạng xã hội để đe dọa rằng Mỹ sẽ gửi mức thuế quan mới tới Nhật Bản, dù hai bên đã đàm phán với nhau trong nhiều tuần. Vị tổng thống nhấn mạnh vào việc Nhật Bản không sẵn lòng chấp nhận nhập khẩu gạo của Mỹ.
“Họ sẽ không mua gạo của chúng ta nhưng họ lại đang thiếu hụt gạo trầm trọng”, ông Trump đăng trên Truth Social. “Nói cách khác, chúng ta sẽ chỉ gửi cho họ một lá thư và chúng ta rất muốn họ là đối tác thương mại trong nhiều năm tới”.
Ngoài ra, nguồn tin của FT còn chỉ ra sự không chắc chắn về việc liệu ông Trump có kiên quyết khôi phục thuế quan đối ứng cao hơn vào hạn chót 9/7 hay không.
Nhà Trắng từ chối trả lời yêu cầu bình luận của FT.
Các cuộc tranh cãi giữa tỷ phú Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu hãng xe điện Tesla.
Với tỷ lệ 7/9 phiếu tán thành, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã quyết định đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian tòa xem xét vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng.
Tỷ phú Elon Musk đang gia tăng sức ép lên dự luật thuế do Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn.
EU đang thúc đẩy chính quyền ông Trump sử dụng cơ chế hạn ngạch và miễn trừ để giảm bớt thuế quan 25% mà Mỹ đang áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như mức thuế 50% đối với nhôm thép.