NCB dự kiến tăng vốn lên trên 19.200 tỷ trong năm 2025. (Ảnh: NCB).
Vốn điều lệ là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định mức độ an toàn trong hoạt động của ngân hàng cũng như khả năng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai. Theo thống kê trong năm 2024, toàn ngành ngân hàng có 11 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng tăng 15% so với đầu năm, lên hơn 822.000 tỷ đồng.
Bước sang đầu 2025, hàng loạt nhà băng tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ở nhóm Big4, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 55.890,9 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng. Tương tự, VietinBank cũng trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ dự kiến là 44,64%.
Trong khi đó, Agribank cũng đang đề nghị Chính phủ mỗi năm bổ sung vốn tự có 15.000-17.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác như VIB, NamA Bank, PGBank, ACB, NCB… cũng đồng loạt trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ trước thềm ĐHĐCĐ năm nay.
Theo các chuyên gia, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng thương mại trở nên sôi động ngay từ những tháng đầu năm 2025. Nguyên nhân chính xuất phát từ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cả năm lên mức 16%, nhằm hỗ trợ dòng chảy vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, và phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Việc tăng vốn của các ngân hàng cũng nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, hướng tới đáp ứng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo khả năng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai.
Không nằm ngoài dòng chảy tăng vốn, vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã thông qua tờ trình tiếp tục tăng vốn điều lệ từ gần 11.800 tỷ đồng hiện tại lên hơn 19.200 tỷ đồng.
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua chào bán 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành là từ quý II - IV/2025, sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận.
Ngân hàng Quốc dân liên tục tăng vốn để củng cố năng lực tài chính. (Ảnh: NCB).
Toàn bộ số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Từ đó, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, cung ứng vốn cho nền kinh tế theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, mà còn góp phần nâng cao năng lực tài chính phục vụ thực hiện mục tiêu kép của NCB, đẩy nhanh và mạnh công cuộc tái cơ cấu ngân hàng đồng thời chuyển đổi toàn diện theo chiến lược mới “Digital Wealth” - sự kết hợp giữa quản lý gia sản và dịch vụ hỗn hợp số.
Nếu thực hiện thành công, đây là lần tăng vốn thứ 3 trong vòng 4 năm liên tiếp (2022 – 2025) của ngân hàng này.
Trước đó, ngày 14/09/2022, NCB chính thức tăng vốn từ hơn 4.100 tỷ đồng lên hơn 5.600 tỷ đồng. Ngày 26/11/2024, NCB đã hoàn tất phát hành 617,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 11.780 tỷ đồng, bổ sung mạnh mẽ nguồn lực cho những đột phá trong chuyển đổi số và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo lãnh đạo NCB, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy kinh doanh, việc tăng vốn điều lệ thể hiện quyết tâm của NCB trong việc nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động của ngân hàng cũng như khả năng phát triển bền vững của NCB, đáp ứng các mục tiêu phát triển mới trong giai đoạn tới.
“Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, gia tăng sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước rủi ro thị trường, mà còn đóng vai trò then chốt để NCB triển khai thành công Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo lộ trình, NCB sẽ tiếp tục tăng vốn và dự kiến quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028, củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đưa NCB trở thành một trong những ngân hàng uy tín, lành mạnh, hiệu quả, cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính tốt nhất trên thị trường”, đại diện NCB chia sẻ.
Bên cạnh việc hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm gần 6.200 tỷ đồng, năm 2024 còn chứng kiến nhiều thành tựu vượt bậc của NCB khi là tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.
Với lộ trình rõ ràng, giải pháp tổng thể, sự quyết tâm cao của cả hệ thống và dưới sự góp ý, giám sát của NHNN và các cơ quan chức năng, NCB cho biết đang đáp ứng tốt công cuộc tái cấu trúc toàn diện. NCB cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai mở tài khoản thanh toán ngay từ trên ứng dụng VNeID, góp phần vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia và mang tới trải nghiệm ngân hàng thuận tiện, an toàn vượt trội cho cộng đồng.
Kết thúc 2024, NCB đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch do ĐHĐCĐ giao. Cụ thể: tổng tài sản đạt 118.559 tỷ đồng tương đương 112% kế hoạch; tổng dư nợ cho vay đạt 71.175 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch; huy động vốn từ dân cư đạt 100.489 tỷ đông, bằng 117% kế hoạch. Quy mô khách hàng đến cuối 2024 của NCB đạt 1,346 triệu khách, bằng 117% so với kế hoạch cả năm và tăng trưởng 34,6% so với cuối 2023.