Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 14:25

Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ phụ thuộc vào người giàu như lúc này

Moody’s Analytics ước tính chi tiêu của nhóm người có thu nhập cao nhất đang đóng góp tới gần 1/3 GDP của Mỹ.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), nhiều người Mỹ đang chắt chiu từng đồng để xoay xở với lạm phát cao dai dẳng. Trong khi đó, những người giàu có thì vẫn tiêu xài thoải mái.

Top 10% người có thu nhập cao nhất - tức các hộ gia đình kiếm từ 250.000 USD/năm trở lên - đang mạnh tay chi tiêu cho đủ loại sản phẩm như các chuyến du lịch đến túi xách hàng hiệu.

Phân tích của Moody’s Analytics cho thấy những người tiêu dùng thuộc nhóm này hiện chiếm tới 49,7% tổng chi tiêu của người Mỹ, mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1989 đến nay. Để so sánh thì ba thập kỷ trước, tỷ trọng của họ trong tổng chi tiêu là khoảng 36%.

Điều này có nghĩa là khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc nhiều một cách bất thường vào chi tiêu của người giàu. Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, ước tính chi tiêu của nhóm 10% thu nhập cao nhất đang đóng góp tới gần 1/3 GDP Mỹ.

 

Trong giai đoạn tháng 9/2023 - 9/2024, nhóm thu nhập cao nhất tăng chi tiêu thêm 12%. Chi tiêu của các hộ gia đình tầm trung và lao động sụt giảm trong cùng kỳ.

Ông Zandi bình luận: “Tình hình tài chính của những người giàu chưa bao giờ tốt đến thế, chi tiêu của họ chưa bao giờ mạnh như lúc này và nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào nhóm đó hơn bao giờ hết”. 

Nhìn chung, chi tiêu của người giàu tăng mạnh hơn hẳn lạm phát, còn những người khác thì không.

So với 4 năm trước, chi tiêu của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 80% thu nhập thấp nhất tăng lần lượt 58% và 25%.

Để so sánh, trong khoảng thời gian đó, tốc độ tăng giá cả ở Mỹ là 21%.

Sức mua của những người giàu nhất nước Mỹ mạnh lên một phần từ đà tăng mạnh mẽ của giá nhà và cổ phiếu trong vài năm qua.

Do đó, nếu chứng khoán Mỹ bị bán tháo hoặc giá nhà sụt giảm, khiến nhóm 10% trở nên bất an và cắt giảm chi tiêu thì điều đó sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế.  

Xét trên tổng thể, tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đang bắt đầu suy yếu - ngay cả với những người giàu nhất - một phần bởi nguy cơ thuế quan.

Phân hóa rõ rệt

Trong đại dịch, người Mỹ bất kể giàu hay nghèo đều tiết kiệm tiền ở mức kỷ lục. Họ tiêu ít hơn vì phải ở trong nhà theo lệnh phong tỏa và được phát tiền từ các biện pháp trợ cấp của chính phủ. Vào đầu năm 2022, các hộ gia đình đã tích lũy thêm 2.600 tỷ USD tiền tiết kiệm.

Sau đó lạm phát bùng lên, giá cả tăng mạnh. Đa số người Mỹ viện đến tiền tiết kiệm dư thừa thời đại dịch để thanh toán hóa đơn. Nhưng top 10% người thu nhập cao nhất hầu như vẫn bảo toàn được số tiền để dành. 

Những người giàu có cũng chứng kiến giá tài sản của họ đột ngột tăng mạnh, tiêu biểu là cổ phiếu. Dữ liệu của Fed cho thấy tài sản ròng của nhóm 20% thu nhập cao nhất đã tăng 45% - tương đương hơn 35.000 tỷ USD - kể từ cuối năm 2019.

Tốc độ tăng tài sản ròng của những người còn lại cũng tương tự, nhưng số tiền quy đổi ra thì thấp hơn nhiều, vào khoảng 14.000 tỷ USD.

 

Ông Tom Shoaf, phi công thử nghiệm máy bay 61 tuổi sống ở thành phố Alamogordo (bang New Mexico), ước tính giá trị tài sản ròng của mình đã tăng khoảng 40% kể từ đại dịch. Gần như tất cả tài sản của ông, từ một trang trại ở Wyoming đến số cổ phiếu trong tài khoản hưu trí, giờ đây có giá trị hơn rất nhiều so với lúc trước.

Tổng thu nhập của ông và vợ vào khoảng 500.000 USD mỗi năm. Ông chia sẻ với WSJ: “Vài người thân của tôi đã qua đời trong đại dịch. Tôi nghĩ: ‘Vì sao mình phải chờ để tận hưởng cuộc sống?’”

Hai vợ chồng ông Shoaf có hơn 1 triệu USD tiền tiết kiệm để mua nhà mới khi nghỉ hưu trong vài năm tới. Ông đã mua một máy bay trước đại dịch. Ông giải thích: “Tài sản ròng tăng thật sự cho bạn sự tự tin để làm thêm nhiều thứ”.

Bank of America nhận thấy chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bởi nhóm 33% khách hàng giàu nhất đang tăng trưởng mạnh hơn nhóm 33% thu nhập thấp nhất. Chi tiêu cho một số mặt hàng đặc biệt mạnh mẽ. Ví dụ, top 5% hộ gia đình thu nhập cao nhất chi trả thêm 10% cho hàng hóa xa xỉ ở nước ngoài so với một năm trước.

 Ông David Tisley, nhà kinh tế cấp cao tại Bank of America Institute, bình luận: “Người giàu đang bay đến Paris và chất đầy vali với túi xách, giày dép, quần áo hàng hiệu”. 

Tháng trước, CEO Ed Bastian của Delta Air Lines cho biết ông kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ dành cho các chuyến du lịch cao cấp sẽ thúc đẩy lợi nhuận của hãng hàng không này trong năm nay. Trong quý IV/2024, doanh thu từ hạng vé cao cấp của Delta đi lên 8%, còn hạng vé phổ thông chính nhích thêm 2%.

Ngoài ra, nhà phân tích Matthew Boss của JPMorgan Chase còn chỉ ra sự “phân hóa mạnh mẽ" giữa những công ty phục vụ cho người giàu và những doanh nghiệp tập trung vào các khách hàng kém giá giả hơn.

Ví dụ, Royal Caribbean chứng kiến lượt đặt vé tăng vọt sau khi công ty cho ra mắt các chuyến du ngoạn trên sông ở châu Âu. Còn nhà bán lẻ Big Lots thì nộp đơn phá sản vào năm ngoái. Các chuỗi bán lẻ Kohl’s và Family Dollar cũng phải đóng bớt cửa hàng.

Nhà phân tích Boss chỉ ra: “Những công ty này đang phải cạnh tranh quyết liệt vì cái ví mỏng hơn trước của khách hàng”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 16:00
Doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đặt cược thị trường đã tạo đáy, mạnh tay gom đất

Việc các quan chức Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt về giá nhà đang thúc đẩy doanh nghiệp mạnh tay mua đất trở lại.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 15:24
Trung Quốc trong vòng xoáy thuế thép và nhôm của Mỹ

Một cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm là do lo ngại Trung Quốc đang xuất khẩu quá nhiều các mặt hàng này ra thị trường toàn cầu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 10:05
Fed mắc kẹt giữa các chính sách của ông Trump, khả năng giảm lãi suất rất xa vời?

Các quan chức Fed không muốn vội vã thực hiện các động thái về lãi suất trong lúc Nhà Trắng thi hành các chính sách lớn.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 07:11
Ông Zelensky sẵn sàng từ chức để đổi lấy hoà bình cho Ukraine

Tại một sự kiện đánh dấu ba năm cuộc chiến với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu điều kiện cụ thể để từ chức.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO