Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 10:05

Fed mắc kẹt giữa các chính sách của ông Trump, khả năng giảm lãi suất rất xa vời?

Các quan chức Fed không muốn vội vã thực hiện các động thái về lãi suất trong lúc Nhà Trắng thi hành các chính sách lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Investopedia/Getty Images).

Trong những ngày này, câu cửa miệng của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chính sách tiền tệ “đang ở vị thế tốt” để phản ứng với rủi ro lạm phát nóng lên hoặc tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Tuy nhiên, cũng ngày càng nhiều người bày tỏ sự thận trọng đối với những biến động do các chính sách thương mại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump gây ra, bên cạnh những yếu tố khác có thể tác động đến chính sách tiền tệ.

Theo tờ CNBC, lời nhận xét phù hợp hơn có lẽ là chính sách của Fed đang mắc kẹt tại chỗ. Trong bối cảnh nền kinh tế và môi trường chính trị của Mỹ đối mặt với quá nhiều ẩn số, điều duy nhất Fed có thể làm bây giờ là giữ nguyên lãi suất trong lúc họ chờ đợi các diễn biến chắc chắn trong tương lai.

Trong một bài đăng trên blog hôm 20/2, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, cho hay: “Trong những tuần gần đây, doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan với chúng tôi về những sự thay đổi tiềm năng đối với chính sách thuế và quản lý, đặc biệt là các ngân hàng.

Nhưng cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp cũng lo sợ về chính sách thương mại và nhập cư tương lai. Những tâm lý mâu thuẫn này khiến quá trình hoạch định chính sách càng trở nên phức tạp”.

“Sự không chắc chắn” là chủ đề thường trực trong các bài phát biểu và bài viết của các quan chức. Bài viết tuần trước của ông Bostic có tiêu đề “Môi trường không chắc chắn đòi hỏi sự thận trọng và khiêm tốn trong hoạch định chính sách”. Biên bản cuộc họp chính sách cuối tháng 1 của Fed đề cập đến “sự không chắc chắn” hơn chục lần.  

Sự không chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Fed thông qua thị trường lao động và lạm phát. Thị trường lao động Mỹ đang tương đối ổn định nhưng nếu nó suy yếu đột ngột thì Fed có thể cần giảm lãi suất. Lạm phát đang hạ nhiệt nhưng có nguy cơ nóng lên dưới tác động của thuế quan và trong trường hợp này, Fed có thể cần tăng lãi suất để kiềm chế giá cả.

Mục tiêu khó nắm bắt

Fed đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% nhưng trong 4 năm qua vẫn chưa làm được.

Ông Alberto Musalem, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, nói với các phóng viên hôm 20/2: “Hiện tại, tôi thấy lạm phát có nhiều khả năng duy trì ở mức cao hơn mục tiêu.

Kịch bản cơ sở của tôi là lạm phát sẽ tiếp tục hướng về mức 2% nếu chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì trong trạng thái kìm hãm vừa phải và giai đoạn này sẽ cần thời gian.

Kịch bản khác là lạm phát duy trì ở mức cao còn hoạt động kinh tế thì giảm tốc. Đây không phải kịch bản chính nhưng tôi vẫn chú ý tới nguy cơ này”.

Đối với ông Musalem, trạng thái “kìm hãm vừa phải” của chính sách tiền tệ đồng nghĩa với lãi suất quỹ liên bang sẽ giữ nguyên trong phạm vi 4,25% - 4,5% như hiện nay. 

Ông Bostic cũng ẩn ý rằng Fed cần duy trì lãi suất ở mức hiện tại mặc dù không bày tỏ ý kiến rõ ràng như ông Musalem. Song, vị quan chức nhấn mạnh “Fed không được phép tự mãn” và lưu ý các rủi ro tới sự ổn định của giá cả “có thể sẽ xuất hiện”

 

Nhiều rủi ro phía trước

Nhìn chung, biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 báo hiệu Fed rất chú ý tới các cú sốc tiềm tàng và không muốn thăm dò tình hình bằng bất kỳ động thái lãi suất nào.

Văn bản nhấn mạnh rằng các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang muốn nhìn thấy thêm tiến triển về lạm phát trước khi “đưa ra bất kỳ sự điều chỉnh nào tới phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang”.

Thuế quan và lạm phát cũng không phải những mối lo duy nhất của các nhà hoạch định chính sách. Nhà kinh tế nổi tiếng Mark Zandi trình bày trong buổi hội thảo do Quỹ Peter G. Peterson tổ chức rằng ông lo ngại về các mối nguy đối với thị trường trái phiếu trị giá 46.200 tỷ USD của Mỹ.

Ông phát biểu: “Theo tôi, rủi ro lớn nhất là thị trường trái phiếu xảy ra một cuộc bán tháo lớn. Đối với tôi, thị trường trái phiếu cực kỳ mong manh. Hạ tầng của thị trường đang có vấn đề.

Các đại lý sơ cấp không hấp thụ được lượng trái phiếu kho bạc phát hành. Có quá nhiều rủi ro tác động lẫn nhau, tôi nghĩ trong 12 tháng tới khả năng cao là chúng ta sẽ chứng kiến một đợt bán tháo lớn trên thị trường trái phiếu”.

Trong bối cảnh này, ông Zandi nhận thấy hầu như không có khả năng Fed cắt giảm lãi suất, dù thị trường đang dự báo Fed có thể hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong năm 2025. Ông cho rằng đó là suy nghĩ viển vông bởi Fed còn đang phải đối phó với thuế quan và nhiều áp lực vô hình khác.

Ông cảnh báo: “Nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm 2025 với vị thế khá tốt và vẫn đang hoạt động tốt. Chúng ta có khả năng chống chịu với nhiều cơn bão. Nhưng tôi cảm thấy rất nhiều cơn bão đang đổ bộ vào nước Mỹ”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 16:00
Doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đặt cược thị trường đã tạo đáy, mạnh tay gom đất

Việc các quan chức Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt về giá nhà đang thúc đẩy doanh nghiệp mạnh tay mua đất trở lại.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 15:24
Trung Quốc trong vòng xoáy thuế thép và nhôm của Mỹ

Một cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm là do lo ngại Trung Quốc đang xuất khẩu quá nhiều các mặt hàng này ra thị trường toàn cầu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 14:25
Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ phụ thuộc vào người giàu như lúc này

Moody’s Analytics ước tính chi tiêu của nhóm người có thu nhập cao nhất đang đóng góp tới gần 1/3 GDP của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 24/02/2025 07:11
Ông Zelensky sẵn sàng từ chức để đổi lấy hoà bình cho Ukraine

Tại một sự kiện đánh dấu ba năm cuộc chiến với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu điều kiện cụ thể để từ chức.