Khởi đầu tháng 4, thời điểm sôi động của mùa đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận có sự phân hoá rõ rệt.
Thống kê của người viết cho thấy tính tới ngày 4/4, đã có 20 ngân hàng công bố chi tiết và tiết lộ kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025. Phần lớn các nhà băng đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số so với năm trước.
Trong danh sách, ABBank là ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất với mức tăng 131% so với kết quả thực hiện năm trước (779 tỷ đồng) với lợi nhuận trước thuế năm 2025 ước đạt 1.800 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 13% so với năm 2024, lên 200.000 tỷ đồng, huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5%. Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng 16% so với năm 2024.
Một ngân hàng cổ phần khác là PGBank cũng đặt ra mục tiêu tham vọng không kém với lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng 70% so với kết quả thực hiện năm 2024. Trong năm 2024, PGBank lãi trước thuế 421 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước.
Top 3 về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là VietBank với kế hoạch lãi trước thuế đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2024 (1.131 tỷ đồng). Một số chỉ tiêu như tổng tài sản tăng 11% so với thực hiện năm 2024, ước đạt 180.000 tỷ đồng; vốn huy động gồm giấy tờ có giá mục tiêu tăng 17%, đạt 132.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ tín dụng ước tăng 20%, đạt 112.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Nhiều ngân hàng cổ phần khác như OCB, Eximbank, HDBank, SHB, VPBank và VIB cũng đặt kế hoạch lợi nhuận cao trên ngưỡng 20%.
Trước đó, lãnh đạo ngân hàng VPBank tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng lợi nhuận là 20% - 25% và có thể cao hơn nếu tình hình kinh tế diễn biến tích cực. Ước tính từ con số lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 là 20.013 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận năm nay của VPBank sẽ nằm trong khoảng 24.000 - 25.000 tỷ đồng, suýt soát con số tỷ USD.
Trong khi đó, với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần lớn con số lợi nhuận được đặt ra khá khiêm tốn và cẩn trọng.
Trong năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà Nước), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Ngân hàng kỳ vọng triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì quanh mức 7% với nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ như xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng tốc đầu tư vào cơ sở tầng,…
Với con số tăng trưởng thấp hơn, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối an toàn với 8%-10% trong năm 2025; trong khi BIDV dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận từ 6 - 10% so với năm trước.
Tại hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành của Vietcombank cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước.
Trong báo cáo dự báo kết quả kinh doanh mới công bố, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định ngành ngân hàng năm 2025 ghi nhận kết quả tích cực hơn so với năm trước, lợi nhuận tăng trưởng 7% trong quý I và 15% cho cả năm.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bao gồm các yếu tố như đầu tư công thúc đẩy nền kinh tế, tiêu dùng bán lẻ và sản xuất kinh doanh phục hồi từ đầu năm và thị trường bất động sản phục hồi. Đặc biệt, tăng trưởng thu nhập lãi thuần vẫn là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I có sự cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II.
Tuy nhiên, tỷ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã tăng từ 8,8% trong quý IV/2024 lên 14,8% trong quý I/2025, cao hơn nhiều so với kỳ vọng.